Nâng cao chất lượng giáo dục ở Cao Bằng

Núi tiếp núi. Con đường mòn uốn lượn theo những vách núi chênh vênh khiến không ít người khi đến với các điểm trường vùng cao tỉnh Cao Bằng thấy nản lòng. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực, các thầy giáo, cô giáo đã vượt qua khó khăn, mang con chữ đến những bản làng để chất lượng giáo dục vùng cao biên giới Cao Bằng đổi thay từng ngày.
Giờ học của học sinh tại điểm trường Mác Nẻng, Trường tiểu học Khánh Xuân. Ảnh: QUÝ TÙNG
Giờ học của học sinh tại điểm trường Mác Nẻng, Trường tiểu học Khánh Xuân. Ảnh: QUÝ TÙNG

Bám điểm lẻ, lớp ghép

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) Cao Bằng Vũ Văn Dương, cái khó đối với giáo dục của tỉnh là mạng lưới trường, lớp còn phân tán, có nhiều điểm trường, lớp lẻ. Thậm chí, một số điểm trường chỉ có năm đến bảy học sinh/lớp, cho nên việc tổ chức hoạt động dạy học khó khăn, dẫn đến chất lượng giáo dục chênh lệch giữa các vùng. Đáng chú ý, toàn tỉnh hiện còn thiếu 360 giáo viên, nhất là đội ngũ giáo viên ngoại ngữ, tin học cũng là rào cản trong nâng cao chất lượng dạy học. Tuy nhiên, khó khăn vất vả không cản được nỗ lực không ngừng nghỉ của các thầy giáo, cô giáo hằng ngày bám trường, bám lớp mang con chữ đến từng thôn bản, từng điểm trường cho nên những hạn chế của giáo dục vùng cao biên giới dần được khắc phục.

Sau hơn một giờ đi bộ theo con đường mòn ngược dốc núi, chúng tôi đến điểm trường biên giới Mác Nẻng (xã Khánh Xuân, huyện Bảo Lạc). Giữa điệp trùng núi đá, nếu không có lá quốc kỳ tung bay trước gió thì khó nhận ra đây là điểm trường học. Bởi vì, hai phòng học tiểu học khá đơn sơ, trong khi phòng học mầm non vẫn tuềnh toàng, bằng các mảnh gỗ ghép tạm. Những lời giảng bài của các thầy giáo, tiếng đánh vần ê a của học sinh vừa kịp vang lên lại nhanh chóng hòa vào không gian mênh mông của núi rừng. Do là lớp ghép ba trình độ (lớp 3, 4 và 5) cho nên học sinh được sắp xếp ngồi theo các hướng khác nhau. Thầy giáo Bính Văn Dũng xoay vòng hết giảng phần bài trình độ lớp này lại chuyển sang trình độ lớp khác. Khi hết giờ, học sinh ùa về mới là lúc thầy được dừng tay. Thầy Dũng chia sẻ, đã hơn 10 năm gắn bó với điểm trường Mác Nẻng cho nên thầy hiểu từng nhà, từng học sinh nơi đây. Là bản vùng cao, nơi có cột mốc biên giới 592 khá xa xôi, heo hút vì thế phần lớn người Dao sinh sống ở đây không biết tiếng Việt. Thời gian đầu, các thầy giáo, cô giáo tiếp cận học sinh vô cùng khó khăn do bất đồng ngôn ngữ. Trong khi đó, lớp học lại ghép hai, ba trình độ, nhiều khi dạy lớp này thì lớp kia mất trật tự hoặc giảng lớp này thì các em lớp khác lại ghi chép bài dẫn đến lẫn lộn, không hiểu bài. Cứ như vậy, thầy giáo xoay vòng quanh lớp học như là “đánh võng”.

“Lớp ghép như vậy thì thầy làm sao bảo đảm chất lượng dạy học?” - tôi băn khoăn. “Mưa dầm thấm lâu thôi! Cứ kiên trì với từng học sinh, từng lời nói, từng câu chữ, từng bài học, rồi dần dần học sinh cũng yêu thích trường, lớp; đọc thông viết thạo. Với vùng cao biên giới các em đi học chuyên cần là niềm hạnh phúc với giáo viên cắm bản lắm rồi!” - thầy Dũng chia sẻ.

Nâng cao chất lượng giáo dục ở Cao Bằng ảnh 1

Cô giáo Đoàn Thị Nguyệt, điểm trường Thôn Lũng, Trường tiểu học Khánh Xuân (huyện Bảo Lạc) tự làm đồ dùng dạy học. Ảnh: NINH CƠ

Rời Mác Nẻng, đến điểm trường Thôn Lũng cũng không kém phần cheo leo dốc núi. Cô giáo Đoàn Thị Nguyệt cho biết, do điểm trường không có điện cho nên phần lớn thầy giáo, cô giáo đều phải tranh thủ cuối giờ chiều, sau tan học hoặc ngày thứ bảy, chủ nhật về nhà để soạn bài cho cả tuần. Cô giáo Nguyệt gắn bó với điểm trường được gần 10 năm, cứ cuối tuần lại từ bản vượt gần 100 km đường dốc núi về nhà ở thành phố Cao Bằng thăm con, rồi lại ngược hành trình lên điểm trường gắn bó với lớp, với học sinh. Không chỉ dạy học, các thầy giáo, cô giáo điểm trường Thôn Lũng còn tổ chức nấu ăn bán trú chăm lo bữa trưa cho học sinh học cả ngày. Vì vậy, học sinh của điểm trường đi học chuyên cần, đầy đủ. Em Lương Chấn Quy, nhà ở xóm Cốc Lại, học lớp 3 chia sẻ: “Đến trường cháu thấy vui lắm vì nhiều bạn bè và được các thầy cô nấu ăn có thịt và rau ngon hơn ở nhà”.

Theo cô giáo Lưu Hồng Thúy, Hiệu trưởng Trường tiểu học Khánh Xuân, phần lớn các điểm lẻ của trường đều cheo leo trên đỉnh núi đá vôi, luôn trong tình trạng khô hạn, thiếu nước, sinh hoạt khó khăn. Không những vậy, ở vùng cao biên giới, sự hiểu biết của phụ huynh còn hạn chế, chưa quan tâm việc học cho nên thầy giáo, cô giáo vất vả trong việc huy động học sinh đến trường, lớp. Cô giáo Thúy còn nhớ như in lần đến nhà vận động em Chảo A Tôn, học sinh lớp 3, ở Hò Lù nghỉ học giữa chừng đi học lại nhưng nhiều lần phụ huynh chỉ trả lời: “Ô, nó ở nhà làm việc còn có cái ăn, đi học lấy gì mà ăn, mai này có làm được cán bộ như cô giáo đâu”. Thế nhưng bằng sự kiên trì, khéo léo của các cô giáo, Chảo A Tôn đã được đi học trở lại. Nhiều trường hợp vận động gia đình cho học sinh đi học vài hôm lại nghỉ, thất thường. Tuy nhiên, bằng sự kiên trì “đi từng ngõ, gõ từng nhà” của các thầy giáo, cô giáo cho nên chuyện học sinh bỏ học gần như không còn. Trường tiểu học Khánh Xuân hiện luôn duy trì đạt 100% trẻ ra lớp đúng độ tuổi.

Không chỉ ở Khánh Xuân, theo thống kê của Sở GD và ĐT Cao Bằng, toàn tỉnh có khoảng 900 điểm lẻ với hàng nghìn giáo viên ở các điểm bản bám trường, bám lớp. Vì vậy, tỷ lệ trẻ vùng cao đi học chuyên cần luôn đạt cao. Số học sinh tiểu học đạt loại tốt môn Toán, tiếng Việt năm học 2018-2019 của toàn tỉnh chiếm 33,1%; đạt phẩm chất, năng lực tốt chiếm 54,77%; học sinh THCS đạt loại giỏi chiếm 10,82%, hạnh kiểm tốt chiếm 80,45%...

Xây dựng đội ngũ nhà giáo đạt chuẩn

Không chỉ có sự tâm huyết, sự nỗ lực vượt qua những khó khăn bám trường, bám lớp của mỗi thầy giáo, cô giáo mà các cấp quản lý giáo dục của Cao Bằng cũng đưa ra các giải pháp tháo gỡ các khó khăn, nâng cao chất lượng giáo dục. Theo Giám đốc Sở GD và ĐT Cao Bằng Vũ Văn Dương, từ năm 2016, ngành giáo dục tỉnh đã thực hiện dồn dịch trường, điểm lẻ. Vì vậy, trước năm 2016, toàn tỉnh có khoảng 1.200 điểm trường thì đến năm học 2019-2020 giảm được hơn 300 điểm; số trường học từ 658 xuống còn còn 531 trường, tạo điều kiện thuận lợi cho việc dạy học. Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tốt việc dồn dịch điểm trường như tại huyện Bảo Lạc, theo Trưởng phòng GD và ĐT huyện Nông Thị Loan, năm học 2012-2013, toàn huyện có 133 điểm trường lẻ cấp tiểu học với 156 lớp ghép thì hết năm học 2018-2019 chỉ còn 81 điểm lẻ với 77 lớp ghép. “Nhờ dồn dịch, tạo thuận lợi trong dạy và học, cho nên nhiều trường học ở Bảo Lạc có điều kiện tổ chức cho học sinh ăn bán trú tại trường, học sinh đi học chuyên cần là điều đáng mừng”- cô giáo Loan tâm sự.

Cùng với việc tạo các điều kiện thuận lợi, ngành giáo dục Cao Bằng cũng đưa ra những giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ thông qua công tác bồi dưỡng năng lực chuyên môn giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu cập nhật kiến thức, đổi mới phương pháp dạy học và ứng dụng công nghệ thông tin. Đáng chú ý, đối với các thầy giáo, cô giáo cắm bản, bám trường, bám lớp phải chịu nhiều khó khăn, vất vả. Vì vậy, ngành giáo dục Cao Bằng đưa ra nhiều giải pháp nhằm tạo động lực khuyến khích các thầy giáo, cô giáo nỗ lực vươn lên. Trong đó, Sở GD và ĐT tham mưu UBND tỉnh trong đánh giá xếp hạng thi đua với đội ngũ thầy giáo, cô giáo vùng đặc biệt khó khăn không cần phải có sáng kiến kinh nghiệm như những cán bộ, công chức, viên chức khác. Những thầy giáo, cô giáo dạy học ở vùng đặc biệt khó khăn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sẽ được chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen. “Riêng năm học 2018-2019 vừa qua toàn tỉnh có gần 30 thầy giáo, cô giáo được nhận Bằng khen của UBND tỉnh. Đó là cách ghi nhận, động viên tinh thần đối với tâm huyết của mỗi thầy giáo, cô giáo với sự nghiệp giáo dục”, Giám đốc Sở GD và ĐT Vũ Văn Dương cho biết.

Với những nỗ lực chăm lo đội ngũ nhà giáo, tính đến tháng 9-2019, toàn tỉnh Cao Bằng có 11.113 cán bộ quản lý và giáo viên bảo đảm số lượng và đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định, phù hợp tình hình thực tế của địa phương với 100% giáo viên mầm non và phổ thông đạt trình độ đào tạo đạt chuẩn trở lên. Trong đó 61,3% số giáo viên mầm non, 71,4% số giáo viên tiểu học, 47,4% số giáo viên THCS, 8% số giáo viên THPT có trình độ đào tạo trên chuẩn. Đội ngũ nhà giáo cơ bản đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ đổi mới, mang lại kết quả tích cực. Toàn tỉnh Cao Bằng đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi, duy trì ở tất cả 13 huyện, thành phố. Đối với giáo dục tiểu học đạt chuẩn phổ cập mức độ 2; giáo dục THCS đạt chuẩn phổ cập mức độ 1. Toàn tỉnh có 129 trường đạt chuẩn quốc gia; trong đó có 36 trường mầm non, 54 trường tiểu học, 34 trường THCS, năm trường THPT.