Mô hình học tập trực tuyến tạo chuyển biến đào tạo không chính quy

NDO -

NDĐT - Sáng 1-11, tại Đà Nẵng, Hội nghị các đơn vị liên kết đào tạo năm 2016 có chủ đề “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả trong tuyển sinh và đào tạo không chính quy”, do Viện Đại học Mở Hà Nội tổ chức diễn ra với sự tham dự của các trung tâm giáo dục thường xuyên, trường cao đẳng nghề, các trường trung cấp, trung tâm bồi dưỡng… của cả nước. Trong đó, mô hình E-learning (học tập trực tuyến) đang được chú ý và phát triển mạnh do có nhiều ưu điểm vượt trội trong đào tạo.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Việc xây dựng xã hội học tập với sự kết nối, chung tay của toàn xã hội nhằm mang lại cho người dân cơ hội tiếp cận, học tập để đổi mới tư duy làm việc, trang bị tri thức tại chỗ cho người dân ở những vùng còn khó khăn,… đang ngày càng được chú trọng. Quá trình khuyến khích người dân học tập suốt đời có vai trò không nhỏ tạo nguồn lực dồi dào cho đất nước.

TS. Trương Tiến Tùng, Viện trưởng Đại học Mở Hà Nội cho biết, với triết lý mang cơ hội học tập đến cho mọi người, Viện Đại học Mở đã sử dụng những công cụ đào tạo từ xa hiệu quả nhất, tạo mạng lưới liên kết rộng lớn trên cả nước bằng cách tận dụng các cơ sở giáo dục sẵn có là những trung tâm giáo dục thường xuyên, trường trung cấp… để đầu tư cho xã hội học tập.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục, cá nhân hóa giấc mơ học tập đối với người Việt Nam.

TS Nguyễn Thị Thủy, Giảng viên Khoa Đào tạo từ xa, Viện Đại học Mở Hà Nội cho biết, trong hệ không chính quy, có sinh viên vừa học vừa làm, sinh viên từ xa, và hiện nay, sinh viên E-learning đang phát triển nhanh. Ngoài những đặc thù của sinh viên hệ không chính quy là đến từ nhiều nơi khác nhau, trình độ không đồng đều… thì đối với sinh viên hệ này, yêu cầu cao về khả năng tự học.

Bên cạnh việc xây dựng mạng lưới đào tạo truyền thống, mô hình E-learning đang được chú ý và phát triển mạnh do có nhiều ưu điểm vượt trội trong đào tạo.

TS. Trần Thị Lan Thu, Trung tâm Đào tạo E-learning, Viện Đại học Mở Hà Nội cho biết, tại Trung tâm, đang có gần 7.000 sinh viên theo học phương thức E-learning, hơn 4.000 sinh viên đã ra trường. Rất nhiều khóa đào tạo ngắn hạn kỹ năng CNTT và ngoại ngữ cho sinh viên đã được tổ chức với sự hưởng ứng nhiệt tình của người học hiện đại.

Từ những lớp học theo phương thức đào tạo trực tuyến đầu tiên năm 2008, đến năm 2013, Viện Đại học Mở Hà Nội đã chủ động hoàn toàn hệ thống công nghệ đào tạo trực tuyến, trở thành trường đại học đầu tiên tại Việt Nam cung cấp phương thức E-learning toàn phần cho đào tạo đại học. Hiện, Viện đã xây dựng môi trường đào tạo trực tuyến hiện đại giúp người học tiếp cận tri thức thuận lợi, phù hợp với điều kiện học tập, các yếu tố đặc điểm người học. Viện Đại học Mở Hà Nội đã xây dựng môi trường học tập trực tuyến gồm các thành phần: Môi trường công nghệ, kỹ thuật, môi trường nội dung, môi trường dịch vụ.

Môi trường học tập trực tuyến có nhiều ưu điểm tính an toàn, hấp dẫn, tương tác, cộng đồng, cá nhân hóa… đã làm thay đổi mạnh mẽ quá trình tự học, mang lại chất lượng đào tạo không thua kém so với các hệ đào tạo khác, thể hiện qua kết quả thi cuối khóa và ý kiến đánh giá của người học đối với khóa học trực tuyến của mình.

Mặc dù tỷ lệ bỏ học đối với khóa học trực tuyến của Viện Đại học Mở Hà Nội hiện đã ở mức dưới 30%, tuy nhiên, theo đánh giá của một lãnh đạo Viện, số lượng người tham gia các khóa học trực tuyến còn thấp, chưa tương xứng với quy mô và hiệu quả của mô hình này. Cần có sự tham gia của nhiều đơn vị liên kết để đa dạng hóa học liệu trực tuyến, đầu tư CNTT để có thể đa dạng môi trường học tập trực tuyến, mở rộng quy mô người học…

Trong thời gian tới, các nội dung giảng dạy trực tuyến sẽ được phát triển theo hướng ngày càng tiếp cận gần hơn với người học, có thể khai thác từ thiết bị di động, tiến tới xây dựng mô hình trường đại học ảo…

Bên cạnh đó, tại Hội nghị, các đại biểu đã tham luận về các vấn đề: Đổi mới và phương pháp hướng dẫn tự học cho sinh viên hệ đào tạo từ xa truyền thống; Xây dựng môi trường học tập trực tuyến hiện đại; Vai trò của giảng viên đối với quá trình tự học của sinh viên hệ không chính quy; Nâng cao chất lượng đào tạo hệ không chính quy; Kinh nghiệm tuyển sinh, đào tạo từ xa…