Linh hoạt các hình thức hướng dẫn tự học ở nhà

Trước diễn biến dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút corona (nCoV) gây ra, bên cạnh công tác khử khuẩn, vệ sinh, nhiều địa phương có văn bản yêu cầu các trường học xây dựng kế hoạch học bài, hướng dẫn học sinh tự ôn tập bài ở nhà, khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học.

Giáo viên Trường THCS Tân Thành (TP Thái Nguyên) xây dựng bài giảng dạy học trực tuyến.
Giáo viên Trường THCS Tân Thành (TP Thái Nguyên) xây dựng bài giảng dạy học trực tuyến.

Trường THCS Tân Thành (TP Thái Nguyên) là một trong những cơ sở giáo dục tại tỉnh Thái Nguyên đi đầu triển khai mạnh mẽ hình thức dạy học trực tuyến, bước đầu mang lại kết quả khá tốt, được phụ huynh học sinh đồng tình ủng hộ. Cô giáo Bùi Thị Thanh Hoàn, Hiệu trưởng Trường THCS Tân Thành cho biết, từ ngày 4-2, trường đã lập các "kênh" giáo dục thông qua mạng xã hội (trên Zalo, Facebook, Youtube, email…) yêu cầu các giáo viên thiết kế bài giảng. Các bài học phải do chính thầy giáo, cô giáo tự xây dựng, đánh giá học sinh, để giúp các em hứng thú và có động lực học tập hơn. Qua khảo sát, có khoảng 70% số cha, mẹ học sinh sử dụng điện thoại thông minh, hoặc sử dụng các thiết bị khác để nhận được bài tập của giáo viên. Chị Dương Thị Hương, phụ huynh một học sinh, lớp 7 A1, Trường THCS Tân Thành cho biết, hằng ngày, khoảng 16 giờ, cô giáo chủ nhiệm sẽ thông báo bài học và thời gian nộp bài của con qua điện thoại. Sau đó, bố, mẹ cho con mượn máy điện thoại hoặc máy tính để học, làm bài. Một số bài yêu cầu học thuộc, bố, mẹ phải hướng dẫn con quay vi-đê-ô để cô chấm; các bài tập khác có thể chụp lại bài làm để cô kiểm tra, đánh giá, chấm.

Tại Hà Nội, hình thức dạy học trực tuyến được nhiều trường phổ thông áp dụng mạnh mẽ. Theo cô giáo Lê Thị Chính, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Newton, nếu không có tình huống bắt buộc nghỉ học tạm thời, chưa chắc tất cả giáo viên, học sinh có trải nghiệm, thực hành hình thức dạy và học trực tuyến. Các thầy giáo, cô giáo vất vả hơn khi áp dụng phương pháp dạy học kiểu mới để đáp ứng tình hình thực tiễn, nhưng tất cả đều cố gắng, tâm huyết, nỗ lực, vừa làm vừa điều chỉnh cách dạy và học. Các thầy giáo, cô giáo thường xuyên đến trường, quay các bài giảng trực tiếp và gián tiếp cho học sinh; chuyển bài cho học sinh buổi sáng để buổi chiều các em có bài học tập, giải đáp các thắc mắc. Hiện nay, các thầy, cô giáo đang tích cực điều chỉnh bài tập giao cho học sinh theo hướng linh hoạt. Nếu sau này học bù, trường chỉ gút lại những kiến thức cơ bản chứ không dạy lại những bài học trực tuyến; việc kiểm tra cũng sẽ tương tự.

Ông Lý Tiến Hải, Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Thái Nguyên) cho biết, các trường học tại thành phố có máy tính kết nối in-tơ-nét đều áp dụng dạy học trực tuyến. Những trường ở các huyện không có điều kiện dạy trực tuyến chủ yếu hướng dẫn học sinh tự học ở nhà theo cách thông thường. Thời gian tới, bộ phận công nghệ thông tin của Sở sẽ liên tục cập nhật các cách làm thực tế, chia sẻ các ứng dụng công nghệ thông tin hữu ích để dạy học trực tuyến đạt hiệu quả cao. Theo Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở Giáo dục và Ðào tạo Phú Thọ) Lê Bá Việt Hùng, bên cạnh việc phòng, chống dịch bệnh, Sở hướng dẫn nhà trường tổ chức dạy học, tự học, học qua trang "Trường học kết nối" của Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT). Ðây là trang chính thống, mỗi giáo viên, học sinh đều có tài khoản truy cập các bài giảng, đã làm quen và biết sử dụng cho nên khá thuận lợi trong hoạt động giáo dục tại nhà cho học sinh.

Tại hai tỉnh Thái Bình và Bắc Giang, mặc dù chưa áp dụng hình thức dạy học trực tuyến, nhưng giáo viên thường xuyên hướng dẫn học sinh tự học ở nhà, có trường yêu cầu học sinh nộp kết quả học tập ở nhà để giáo viên chấm qua hệ thống thư điện tử. Giám đốc Sở GD và ÐT tỉnh Bắc Giang Trần Tuấn Nam cho biết, giáo viên chủ yếu giao bài tập cho học sinh qua thư điện tử và giao bài, nộp bài theo yêu cầu của từng trường, từng giáo viên. Ðiều quan trọng là các trường tăng cường hướng dẫn học sinh tự học và biết cách phòng, chống dịch bệnh hiệu quả. Ngành giáo dục Bắc Giang sẽ có kế hoạch dạy bù. TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho rằng, trong điều kiện khó khăn, trường nào làm tốt được hình thức dạy học trực tuyến thì nên phát huy. Trong quá trình thực hiện, sẽ có trường làm tốt, trường làm chưa tốt, nhưng cần tạo không khí chung để học sinh có ý thức tự học. Ðối với học sinh phổ thông, hai vấn đề cần quan tâm là tạo nền nếp, thói quen tốt, giúp các em ý thức được việc học tập của mình.

Thứ trưởng GD và ÐT Nguyễn Hữu Ðộ cho biết, trong thời gian cho học sinh tạm nghỉ học, các sở cần chỉ đạo các cơ sở giáo dục duy trì liên lạc giữa nhà trường với gia đình và sự liên lạc giữa giáo viên (nhất là giáo viên chủ nhiệm) với học sinh để giao nhiệm vụ học tập và hướng dẫn tự học phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, nhà trường; khuyến khích giáo viên giao cho học sinh các nhiệm vụ học tập có sự kết hợp giữa ôn tập, hệ thống hóa kiến thức và vận dụng kiến thức trong phòng, chống dịch bệnh do nCoV. Xây dựng kế hoạch học bù tại địa phương theo nguyên tắc thực hiện đầy đủ chương trình giáo dục theo quy định. Nếu cần thiết, các cơ sở giáo dục có thể tổ chức một số buổi học bù vào thứ bảy hoặc chủ nhật để bảo đảm chương trình giáo dục.