Lan tỏa phong trào hát then trong trường học

Hát then là thể loại dân ca mang tính tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái... vùng, miền núi phía bắc như: Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn... Năm 2019, hát then được tổ chức UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Để bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị sâu rộng trong cộng đồng, thời gian qua, hát then được đưa vào dạy ở một số trường học trong tỉnh Lạng Sơn.

Thầy giáo Phùng Văn Thời truyền dạy hát then, đàn tính cho học sinh Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Văn Quan (Lạng Sơn).
Thầy giáo Phùng Văn Thời truyền dạy hát then, đàn tính cho học sinh Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Văn Quan (Lạng Sơn).

Mới bước vào cổng Trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) THCS huyện Văn Quan, đã nghe tiếng đàn tính vọng ra từ dãy nhà công vụ giáo viên. Tiếng đàn và lời then vang vọng với ca từ tha thiết: “Ngồi xe về đến huyện Văn Quan: Mời bạn xuống Tu Đồn hãy chơi; Gió vọng về đàn tính ba dây...”. Trong câu chuyện, thầy giáo Phùng Văn Thời, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Xã Trấn Ninh (Văn Quan) là nơi có nhiều nghệ nhân biết nhiều làn điệu dân ca hát then, đàn tính của đồng bào các dân tộc: Tày, Nùng,... Nhưng hiện nay, những nghệ nhân tuổi ngày càng cao, cho nên văn hóa hát then đang có nguy cơ mai một, bởi vậy việc truyền dạy hát then cho thế hệ trẻ là rất cần thiết. 

Từ năm 2010, thầy giáo trẻ Phùng Văn Thời đang là Hiệu trưởng Trường THPT Lương Văn Tri (Văn Quan), với vốn hiểu biết về các làn điệu hát then đã quyết định tổ chức truyền dạy loại hình nghệ thuật này cho một số em học sinh học ngoài giờ. 

Trường mời các nghệ nhân hát then như: Bà Vi Thị Liên, Ngô Văn Đà... đến truyền dạy hát then, mỗi khóa học kéo dài hai tháng. Học sinh cơ bản đánh được những làn điệu then như: “Pây tàng”, “Múa Chầu”... Tại Trường THPT Lương Văn Tri từ năm 2010 đến năm học 2018 đã tổ chức được 16 lớp dạy hát then, với gần 300 học sinh biết hát.

Thầy giáo Phùng Văn Thời cho biết thêm: Cuối năm 2019, thầy được điều chuyển công tác đến Trường PTDTNT THCS, giữ chức Phó Hiệu trưởng. Với mong muốn tiếp tục truyền dạy hát then cho các em, từ đầu năm học 2020 - 2021 đến nay, nhà trường đã tổ chức  các buổi học hát then cho gần 80 học sinh biết đàn hát. Trong điều kiện còn thiếu nhạc cụ nhưng học sinh đã nỗ lực tập luyện, đàn hát được các làn điệu Then Lạng Sơn cho các khối lớp 6, 7, 8. Học sinh rất hào hứng và mong muốn tiếp tục duy trì hoạt động này lâu dài.  Em Triệu Tuấn Minh, học sinh lớp 7A, Trường PTDTNT THCS vui mừng nói: Ở làng bản em cũng có người biết hát then nhưng em chưa biết hát. Thật may là nhà trường đã tổ chức dạy cho chúng em.

Nghệ nhân Nhân dân Triệu Thủy Tiên, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) đàn và hát dân ca tỉnh Lạng Sơn cho biết, việc thành lập các CLB hát then ở cộng đồng và trong các nhà trường là hoạt động thiết thực để bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc. Các bài then cổ khi được bảo tồn, khai thác, sưu tầm cũng giúp các em hiểu ý nghĩa và vốn từ tiếng Tày, nhớ lời hát, tiếp thu lời ăn tiếng nói, hát đúng làn điệu then. Nghệ thuật hát then từ chỗ bị coi nhẹ và mai một trong cộng đồng, đến nay công tác giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống hát then đã có nhiều khởi sắc. Đây là một trong những giải pháp rất hữu hiệu để bảo tồn di sản hát then, góp phần làm thăng hoa làn điệu dân ca quê hương. 

Từ năm 2010, sau khi có CLB hát then đầu tiên được thành lập ở Trường THPT Lương Văn Tri, đến nay đã lan tỏa đến 14 trường học trên toàn tỉnh, ở các cấp học: Tiểu học, THCS và THPT, thu hút hàng nghìn em học sinh toàn tỉnh theo học. Các CLB mời từ một đến hai Nghệ nhân Ưu tú ở địa phương về giảng dạy, nội dung chủ yếu là những bài hát then, cách đệm đàn và một số điệu múa dân tộc cho học sinh và thầy cô phụ trách CLB. Các CLB thường sinh hoạt định kỳ mỗi lần một tuần và tham gia biểu diễn trong các chương trình của trường, của xã, huyện...

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) Lạng Sơn Hà Thị Khánh Vân khẳng định: Từ năm học 2008-2009 đến nay, ngành giáo dục đã phát động phong trào thi đua xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, trong đó chú trọng phát huy và bảo tồn giá trị văn hóa của các dân tộc. Các trường học đã  hưởng ứng rất tích cực với nhiều hình thức, trong đó có việc thành lập các CLB hát then, đàn tính đã lan tỏa mạnh mẽ, thu hút nhiều học sinh tham gia. Các em không chỉ học cho vui, cho biết mà còn tham gia biểu diễn tại nhiều sự kiện lớn của ngành, của địa phương. Những hoạt động văn hóa, văn nghệ này đã góp phần giáo dục toàn diện cho học sinh, thúc đẩy phong trào thi đua dạy tốt, học tốt trong các trường học. Thời gian tới, Sở GD và ĐT tỉnh sẽ tiếp tục tạo điều kiện để các CLB hát then, đàn tính phát triển cả về số lượng và chất lượng; liên hệ với các Nghệ nhân Ưu tú để truyền dạy cho học sinh; tổ chức thêm nhiều cuộc thi để các em được thể hiện tài năng của mình.