Kỷ niệm 60 năm Đoàn giáo viên năm 1959 lên công tác tại các tỉnh miền núi

NDO -

NDĐT - Nhân dịp kỷ niệm 37 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11), sáng nay 18-11, tại trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên tổ chức gặp mặt, tri ân các thầy, cô giáo Đoàn giáo viên năm 1959 và các thế hệ giáo viên đã công tác, cống hiến cho ngành giáo dục Điện Biên trong những năm qua.

Lãnh đạo Sở Giáo dục - Đào tạo Điện Biên tặng hoa, tri ân các thầy, cô Đoàn giáo viên năm 1959.
Lãnh đạo Sở Giáo dục - Đào tạo Điện Biên tặng hoa, tri ân các thầy, cô Đoàn giáo viên năm 1959.

19 thầy, cô giáo Đoàn giáo viên năm 1959 cùng đại diện hàng trăm cán bộ, giáo viên ngành giáo dục Điện Biên về dự lễ kỷ niệm trong niềm xúc động trào dâng.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng và Bác Hồ, năm 1959, 860 giáo viên các tỉnh miền xuôi: Hà Nam, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương… đã tình nguyện lên phục vụ giáo dục miền núi; trong đó, tỉnh Lai Châu cũ (nay là tỉnh Lai Châu và Điện Biên) được đón hơn 500 giáo viên.

Ngày đó, đường về Điện Biên, Lai Châu rất khó khăn, cuộc sống ở Lai Châu như một “vùng trời khác” bởi đầy rẫy hiểm nguy do thú dữ, thiên tai. Đồng bào các dân tộc thiểu số ở Lai Châu đói khổ, nheo nhóc, hủ tục đè nặng, 99% dân số toàn tỉnh là mù chữ. Vậy nhưng bằng tấm lòng, tình cảm thiết tha dành cho đồng bào các dân tộc ở Lai Châu, Điện Biên, hơn 500 thầy cô giáo đã ngày đêm vượt dốc, băng đèo đem theo cái chữ, ánh sáng văn hóa thắp lên khắp các bản mường, mở ra trang sử mới trong sự nghiệp giáo dục ở vùng cao Điện Biên, Lai Châu.

Những ngày đầu ở vùng cao biên giới, các thầy cô lặn lội đến từng bản tự tay dựng trường; thầy trò vừa học, vừa lao động để xây dựng lớp học, nơi ở. Khắc phục khó khăn do bất đồng ngôn ngữ, một phong trào nhỏ “Thầy dạy trò chữ quốc ngữ, trò dạy thầy tiếng của dân tộc mình” được phát động trong mỗi lớp học. Ngoài giờ lên lớp, thầy cô giáo lại cùng bà con lên nương, lên rẫy trồng khoai, sắn; vận động nhân dân diệt giặc dốt, xóa bỏ hủ tục. Sau một thời gian ngắn, nơi các thầy cô đến phong trào giáo dục đã bắt đầu có kết quả và ngày càng tốt hơn.

Trong chuỗi hành trình gian nan ấy, rất nhiều tấm gương của các thầy cô giáo trong Đoàn giáo viên năm 1959 đã cống hiến sức trẻ, tuổi thanh xuân của mình trên vùng cao Tây Bắc như các thầy Nguyễn Văn Bôn - Anh hùng lao động, người đã đặt nền móng cho giáo dục Mường Tè - Lai Châu; thầy Lê Thúc Kỷ, thầy Vũ Kim Thuần có nhiều đóng góp xây dựng phong trào giáo dục tại huyện Điện Biên; thầy Lô Kam Y Hiệp - người có công xây dựng Trường Sư phạm cấp I đầu tiên của tỉnh, đào tạo nhiều thế hệ giáo viên cho ngành; thầy Đoàn Tuấn Thanh tích cực tự học, tự nghiên cứu để giảng dạy bộ môn Tâm lý học trong trường Sư phạm tỉnh; thầy Lê Văn Nguyên luôn quan tâm động viên các em học sinh trong Ký túc xá Trường Thiếu niên dân tộc - tiền thân của Trường Dân tộc nội trú tỉnh ngày nay; thầy Phan Vũ Lân hết lòng vì sự nghiệp giáo dục vùng cao Sìn Hồ; thầy Mai Đình Phong gắn bó với giáo dục Tuần Giáo, thầy Nguyễn Minh Tranh có nhiều đóng góp cho giáo dục Mường Tè…

Phát biểu tại lễ gặp mặt, thầy Lê Thúc Kỷ, nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Điện Biên xúc động khi nhớ lại: 60 năm trước, đường từ thị trấn về xã, bản phải đi bộ ba đến năm ngày đường. Ban đầu mỗi xã cắm một giáo viên, hầu hết các giáo viên ăn, ở tại nhà dân, rồi vận động nhân dân dựng lớp, vận động các em đi học. Nói là lớp nhưng chỉ là gian nhà tạm lợp gianh, tre, nứa, bàn ghế của giáo viên, học sinh là tấm nứa mỗi lớp chỉ có từ 10, 15 học sinh đến lớp tay không, thầy cô giáo phải dùng lương để mua vở, giấy bút cho từng em một. Nghèo khó nhưng gắn bó, thầy thương trò và dân bản cũng hết mực thương thầy.

Nhờ sự cống hiến của các thầy cô, ngày 1-6-1963, Ty Giáo dục Lai Châu được thành lập đánh dấu bước chuyển mình lớn của ngành Giáo dục ở tỉnh nghèo miền núi trong khu vực Tây Bắc. Đến hết năm 1970, giáo dục Lai Châu đã phát triển khá mạnh, hoàn thành nhiệm vụ xóa mù chữ cho cán bộ, đảng viên, thanh niên vùng cao, nhân dân vùng thấp trong tỉnh. Cuối năm 1979, toàn tỉnh Lai Châu có 76,49% người dân được xóa mù chữ; 97/153 xã, phường được công nhận xóa xong nạn mù chữ. Hiện nay, toàn tỉnh Điện Biên có 532 trường, trung tâm phủ kín các bản làng xa xôi với tổng số hơn 200 nghìn học sinh, sinh viên. Kết thúc năm học này, Điện Biên đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 và chuẩn xóa mù chữ mức độ 2…

Cảm ơn những cống hiến, hy sinh của các thầy cô giáo thuộc Đoàn giáo viên năm 1959, lãnh đạo UBND tỉnh Điện Biên, Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên tặng hoa tri ân 19 thầy, cô giáo và mong muốn các thầy cô giữ gìn sức khỏe, tiếp tục truyền ngọn lửa nghề cho thế hệ giáo viên và học sinh hôm nay.