Không để mắc lỗi trong thẩm định sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6

Sách giáo khoa (SGK) lớp 2 và lớp 6 đang trong quá trình thẩm định để chuẩn bị đưa vào giảng dạy từ năm học 2021 - 2022. Ðiều dư luận quan tâm là quy trình thẩm định các bộ SGK này và các lớp còn lại được thực hiện ra sao để tránh lỗi.

Hội đồng thẩm định chất lượng các bộ Sách giáo khoa lớp 2. Ảnh: HÀ LINH
Hội đồng thẩm định chất lượng các bộ Sách giáo khoa lớp 2. Ảnh: HÀ LINH

Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) đang thẩm định lựa chọn SGK mới lớp 2 và lớp 6 nhằm tiếp nối triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Theo các chuyên gia giáo dục, quy trình thẩm định phải được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ và bài bản, tuyệt đối không “nể nang”, nhân nhượng trong quá trình đối thoại với nhóm tác giả. Chuyên gia giáo dục Giáp Văn Dương cho biết: Yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất chính là trình độ chuyên môn và tinh thần làm việc trách nhiệm, cầu thị của các tác giả. Thứ hai là tiến hành dạy thực nghiệm sách đúng và đủ, rút kinh nghiệm và hoàn thiện bản thảo. Thứ ba là việc thẩm định phải được tiến hành công tâm, khoa học bởi các chuyên gia uy tín và am hiểu giáo dục. Cuối cùng, lấy góp ý của giới chuyên gia ngoài nhóm tác giả và hội đồng thẩm định để có cái nhìn đa chiều hơn.

Nhiều giáo viên lớp 1 cũng chia sẻ, mặc dù trước đây, giáo viên đã có trong tay bộ sách do nhà trường lựa chọn, nhưng do thời gian nghiên cứu không nhiều cho nên khi vào thực tế dạy mới phát hiện ra những điểm bất hợp lý. Vì vậy, giáo viên một trường tiểu học ở thị trấn Diêm Ðiền, tỉnh Thái Bình mong muốn được kéo dài thời gian nghiên cứu bộ sách và có thời gian để giáo viên dạy thực nghiệm thay vì một số tiết dạy minh họa như trước đây. Ðồng thời, đề xuất Bộ GD và ÐT phân cho mỗi tỉnh nghiên cứu, dạy thực nghiệm theo từng tuần, như vậy việc tiếp cận sách sẽ sâu hơn và dễ dàng phát hiện những lỗi không đáng có. Ngoài ra, tổ chức trưng cầu ý kiến của giáo viên trực tiếp đứng lớp.

Ðồng quan điểm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Quyên Thanh đề nghị: Ðối với SGK lớp 2, lớp 6, ngoài lấy ý kiến của những chuyên gia đầu ngành về chuyên môn, giảng viên các trường đại học, giáo viên trong Hội đồng thẩm định quốc gia, Bộ cần lấy ý kiến của giáo viên, những người trực tiếp đứng lớp giảng dạy. Ðây là kênh thông tin quan trọng từ thực tế giúp cơ quan quản lý và hội đồng thẩm định có sự lựa chọn sát hơn. Phó Giám đốc Sở GD và ÐT Vĩnh Phúc, Phạm Khương Duy mong muốn các bộ SGK tới đây phải ưu việt hơn SGK hiện hành. Ðể làm được điều đó các tác giả cần đầu tư khoa học, chỉn chu về nội dung, chỉ chỉnh sửa, bổ sung một số môn học có những thay đổi cần thiết. Một số cần được mang tính cố định theo vòng đời của SGK. Ngoài ra, các tác giả thiết kế SGK bao trùm toàn bộ kiến thức và bài tập để tránh tình trạng phải mua thêm sách bài tập dẫn đến sự lãng phí không cần thiết, gây áp lực về tài chính cho phụ huynh học sinh.

Ðể quy trình biên soạn, thẩm định SGK chặt chẽ, công bằng, minh bạch hơn, Bộ GD và ÐT sẽ thực hiện những bước điều chỉnh quan trọng trong công tác thẩm định. Theo Thứ trưởng GD và ÐT Nguyễn Hữu Ðộ, nếu như trước đây, các nhà xuất bản phối hợp tác giả chủ động tổ chức việc thực nghiệm thì tới đây sẽ có sự tham gia chỉ đạo, phối hợp của Bộ. Bên cạnh đó, trước khi gửi lên Bộ để thẩm định, các nhà xuất bản phải tổ chức thẩm định sơ bộ tại đơn vị để đánh giá, rà soát chất lượng SGK, nhằm nâng cao chất lượng bản mẫu. Một điểm mới đáng chú ý sẽ mở rộng thêm đối tượng góp ý cho bản mẫu SGK. Theo đó, các sở GD và ÐT tổ chức cho giáo viên dạy các môn học, hoạt động giáo dục tham gia góp ý các bản mẫu SGK lớp 2 và lớp 6. Trong đó, đợt 1, mỗi sở GD và ÐT chọn cử 10 giáo viên/môn học để nghiên cứu, góp ý các bản mẫu SGK qua trang thông tin điện tử của các nhà xuất bản. Sau đó, các địa phương tổng hợp góp ý, báo cáo về Bộ GD và ÐT. Ở đợt 2, tất cả giáo viên được cử dạy lớp 2, lớp 6 sẽ tham gia góp ý cho bản mẫu SGK đã được các nhà xuất bản hoàn thiện sau góp ý đợt 1. Ðồng thời, các cơ sở giáo dục đưa việc tìm hiểu nội dung các bản mẫu SGK vào sinh hoạt tổ chuyên môn để nghiên cứu, góp ý. Ðợt 3, giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục tìm hiểu, góp ý một lần nữa các bản mẫu SGK đã được các nhà xuất bản hoàn thiện, đưa lên trang thông tin điện tử trước khi in và phát hành. Bộ GD và ÐT lưu ý hội đồng thẩm định cần nắm chắc, bám sát chương trình tổng thể, từng môn học và bảo đảm độ tương đồng giữa SGK và chương trình.