Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non

Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên mầm non

Tình trạng thiếu giáo viên ở bậc học mầm non diễn ra từ nhiều năm nay, đã gây áp lực cho đội ngũ giáo viên trong việc thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục trẻ. Để giải quyết triệt để tình trạng này, ngành giáo dục cần có những giải pháp căn cơ và có lộ trình để bảo đảm ổn định đội ngũ giáo viên trong các nhà trường.

Lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tủa Chùa (Điện Biên) tặng quà cho học sinh mầm non tại thôn Chéo Chử Phình.
Lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tủa Chùa (Điện Biên) tặng quà cho học sinh mầm non tại thôn Chéo Chử Phình.

Không đáp ứng đủ giáo viên/lớp

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT), kết thúc năm học 2019-2020, toàn quốc có 364.776 giáo viên mầm non (tăng 2.604), bình quân toàn quốc đạt 1,82 giáo viên/lớp (tăng 0,02 giáo viên/lớp), tỷ lệ giáo viên mầm non đạt trình độ chuẩn đào tạo trở lên theo Luật Giáo dục năm 2019 đạt 73,7%. Số giáo viên còn thiếu ở các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) công lập là 45.242 giáo viên. Đáng chú ý, tính đến tháng 3-2020, số giáo viên hợp đồng lao động tại các cơ sở GDMN công lập là hơn 48 nghìn người, gây khó khăn trong quá trình quản lý, không ổn định đội ngũ, khó khăn trong thực hiện chính sách đối với giáo viên. Một số tỉnh, thành phố có nhiều giáo viên hợp đồng lao động như Tuyên Quang 2.411, Thái Nguyên 1.533, Phú Thọ 2.368, Vĩnh Phúc 3.489, Nam Định 6.305, Thanh Hóa 4.260, Nghệ An 2.466, Đắk Lắk 1.178, Đồng Nai 1.212, Cần Thơ 1.482...

Phó Trưởng phòng GDMN (Sở GD và ĐT tỉnh Vĩnh Phúc) Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết: Những năm gần đây, số trẻ mầm non đến tuổi ra lớp liên tục tăng, nhất là ở ven các khu, cụm công nghiệp, trung tâm huyện, thành phố. Số lượng trẻ tăng đồng nghĩa phải gia tăng lớp học, nhu cầu bổ sung giáo viên cũng theo đó tăng lên. Theo quy định cần có tối đa 2,5 giáo viên/lớp nhà trẻ và 2,2 giáo viên/lớp mẫu giáo, thì hiện nay tỉnh Vĩnh Phúc còn thiếu từ 0,7 - 1 giáo viên/lớp. Việc thiếu giáo viên đã ảnh hưởng không nhỏ tới công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo đảm an toàn cho trẻ tại các cơ sở GDMN. Cô giáo Trần Thị Luyến (Trường mầm non xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc) cho biết, một ngày làm việc bắt đầu từ 6 giờ sáng và kết thúc khi trời nhá nhem tối. Được giao phụ trách lớp 5 tuổi của nhà trường với gần 40 học sinh, cô Luyến chia sẻ: Công việc hằng ngày của tôi vừa dạy, vừa chăm sóc trẻ, dù rất cố gắng nhưng do lớp đông mà chỉ có một giáo viên cho nên khó có thể quan tâm tường tận đến từng trẻ. Tương tự tại Trường mầm non Tân Phong, huyện Bình Xuyên có những lớp 40 đến 50 trẻ mà cũng chỉ có từ một đến hai giáo viên phụ trách chăm sóc, giáo dục, khiến công việc của các cô giáo rất vất vả.

Thực trạng thiếu giáo viên không chỉ xảy ra ở tỉnh Vĩnh Phúc mà còn xảy ra tại nhiều địa phương. Năm học 2020-2021, tỉnh Điện Biên còn thiếu hơn 1.000 giáo viên mầm non, tập trung chủ yếu ở các huyện như: Tủa Chùa, Nậm Pồ, Mường Nhé, Điện Biên Đông, Mường Chà, Mường Ảng… Trong đó, các huyện nhiều năm thiếu khoảng trên dưới 200 giáo viên như: Nậm Pồ, Tủa Chùa, Mường Nhé. Vì vậy, các huyện này thường chỉ đáp ứng được từ 1 đến 1,2 giáo viên/lớp. Trưởng phòng GD và ĐT huyện Tủa Chùa Nguyễn Hồng Sơn cho biết: Năm học 2020-2021, toàn huyện thiếu hơn 200 giáo viên mầm non cộng với số giáo viên nghỉ thai sản, vì vậy chỉ có 1 giáo viên mầm non/lớp, trong khi theo quy định đối với lớp mẫu giáo học 2 buổi/ngày phải bố trí tối đa 2,2 giáo viên/ lớp. Điều này rất khó khăn vì học sinh trên lớp đông nhất là ở các điểm bản thuộc các xã: Lao Xả Phình, Sín Chải, Tả Sìn Thàng, giáo viên phải đảm đương việc dạy dỗ, ăn và ngủ trưa tại lớp cho trẻ. Nói thêm về khó khăn trong việc đứng lớp, cô giáo Quàng Thị Anh, giáo viên mầm non ở thôn Chéo Chử Phình thuộc Trường mầm non xã Lao Xả Phình, huyện Tủa Chùa tâm sự: “Ngoài bảo đảm chương trình theo quy định, mỗi ngày giáo viên còn kiêm cả nấu bữa trưa cho các cháu, chỉ khi trẻ ngủ trưa em mới tranh thủ ăn bữa trưa của mình. Ngày nào cũng như thế, từ sáng sớm tinh mơ đến chiều muộn khi cháu học sinh cuối cùng rời lớp thì em mới hoàn thành việc của mình”.

Từng bước gỡ “nút thắt”

Trước thực trạng thiếu giáo viên mầm non, nhiều địa phương đã tích cực thực hiện xét tuyển số giáo viên đang thực hiện chế độ hợp đồng lao động theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ; tăng cường thực hiện tuyển mới giáo viên theo quy định, số giáo viên được tuyển trong năm học 2019-2020 là 17.605 người. Nhiều địa phương đã triển khai các giải pháp phù hợp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên và giảm áp lực lên đội ngũ hiện có. Trưởng phòng GD và ĐT huyện Tủa Chùa Nguyễn Hồng Sơn cho biết: Đã yêu cầu ban giám hiệu các trường rà soát chi tiết giáo viên, điều kiện, hoàn cảnh từng giáo viên để có phương án bố trí giáo viên đứng lớp phù hợp. Ngoài ra, tại các bản đông học sinh mà một giáo viên đứng lớp không thể kiêm cả nấu bữa trưa cho các cháu như ở các xã Sín Chải, Trung Thu thì ban giám hiệu các trường đã vận động hội phụ huynh tại các điểm bản cử người thay phiên nhau hỗ trợ cô giáo nấu ăn cho các cháu. Đối với huyện Nậm Pồ, một giáo viên không thể kiêm cả việc nấu ăn cho trẻ thì huyện cho chủ trương các trường vận động cha mẹ học sinh chuẩn bị thức ăn cho con em đem theo, đến bữa cô giáo sẽ cho các con ăn và ngủ lại trường. Tại Vĩnh Phúc, để bảo đảm hoạt động dạy và học tại các nhà trường, ngành giáo dục tỉnh Vĩnh Phúc đã tiến hành sáp nhập các cơ sở GDMN, phổ thông ở một số địa phương để tận dụng đội ngũ giáo viên thừa và thiếu cục bộ giữa các huyện, thành phố và giữa các trường.

Theo Vụ trưởng GDMN (Bộ GD và ĐT) Nguyễn Bá Minh, để giải quyết vấn đề thiếu giáo viên mầm non, các địa phương cần thực hiện sắp xếp mạng lưới trường lớp theo hướng giảm các điểm trường lẻ, tăng cường hiệu quả sử dụng nguồn lực. Bên cạnh đó, thực hiện tuyển dụng viên chức đối với giáo viên mầm non, không để kéo dài tình trạng hợp đồng nhiều năm và thiếu giáo viên mầm non trong khi vẫn còn nhiều chỉ tiêu tuyển dụng; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách đối với giáo viên mầm non theo quy định hiện hành. Ngoài ra, chủ động ban hành và tham mưu với UBND tỉnh, thành phố có các chính sách ưu đãi, tôn vinh, biểu dương đối với những nhà giáo tiêu biểu, có đóng góp tích cực hoặc có thành tích đột xuất trong ngành giáo dục, có chính sách thu hút giáo viên mầm non.