Hỗ trợ học sinh, sinh viên học tập trong giai đoạn chống dịch

NDO -

NDĐT- Ngày 26-3, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì lễ công bố cam kết đồng hành, hỗ trợ của ngành TT-TT với ngành GD-ĐT trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Hai Bộ trưởng chứng kiến việc ký kết các cam kết đồng hành, hỗ trợ.
Hai Bộ trưởng chứng kiến việc ký kết các cam kết đồng hành, hỗ trợ.

Theo đó, các doanh nghiệp và đơn vị trong ngành TT-TT chính thức cam kết có những hỗ trợ ngành GD-ĐT trong giai đoạn chống dịch Covid-19 như sau: Phát sóng miễn phí các bài giảng đã được Bộ GD-ĐT thẩm định lên truyền hình; miễn phí toàn bộ cước phí truy cập dữ liệu cho học sinh, sinh viên và giáo viên liên quan đến các chương trình học từ xa của ngành giáo dục và đào tạo.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp viễn thông, mạng xã hội Việt Nam hỗ trợ nhắn tin đến hàng chục triệu học sinh, sinh viên và thầy cô giáo cùng mọi người dân liên quan trên cả nước về các thông báo quan trọng của Bộ GD-ĐT; hỗ trợ miễn phí sử dụng giải pháp phục vụ đào tạo và quản lý giáo dục cho tất cả 43.000 trường học, miễn phí dịch vụ thuê máy chủ, băng thông phục vụ đào tạo từ xa cho các trường đại học; các doanh nghiệp viễn thông đầu tư mạnh mẽ để hướng đến mục tiêu mỗi hộ gia đình một đường cáp quang tốc độ cao, mỗi người dân một máy điện thoại thông minh kết nối 4G/5G.

Theo Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng, giá trị của gói hỗ trợ này, lên tới hàng nghìn tỷ đồng mỗi tháng. Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, đây mới chỉ là gói cam kết ban đầu của các doanh nghiệp viễn thông, CNTT Việt Nam với ngành GD-ĐT. Sẽ còn những nền tảng (platform) và các ứng dụng (application) khác tiếp tục cam kết hỗ trợ ngành GD-ĐT trong việc dạy và học từ xa.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chi biết thêm, Bộ TT-TT và Bộ GD-ĐT cũng sẽ hợp tác chặt chẽ để đưa ra các tiêu chuẩn về dạy học từ xa, công nghệ thông tin và an toàn thông tin nhằm đảm bảo chất lượng của hoạt động giáo dục từ xa, tính mở của các nền tảng, tính kết nối liên thông với các lĩnh vực khác, đảm bảo các ứng dụng sẽ được phát triển bởi mọi doanh nghiệp khác. Bảo đảm không có tình trạng độc quyền hoặc vi phạm các quy định pháp luật về bảo mật dữ liệu cá nhân.

Để ứng phó trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, học sinh sinh viên phải nghỉ học kéo dài, Bộ GD-ĐT đã triển khai việc dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình. Hiện có 14 kênh truyền hình đang phát sóng các bài giảng giáo dục phổ thông; 92/240 trường đại học đang áp dụng phương thức đào tạo trực tuyến.

Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, giai đoạn đầu phòng chống dịch Covid-19, ngành Giáo dục đã có giải pháp lùi thời gian năm học, nhưng đến giai đoạn này, với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngành Giáo dục không chỉ tính đến việc dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình, duy trì việc học tập của học sinh, sinh viên, mà còn tập trung rà soát để tinh giản nội dung chương trình của học kỳ 2.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ về những nỗ lực của ngành Giáo dục trong triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số, đặc biệt là việc thực hiện dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình trong thời gian dịch bệnh Covid-19, và cho rằng, nếu chỉ riêng ngành Giáo dục thì dù cố gắng đến mấy cũng sẽ khó thực hiện bởi hạn chế về điều kiện tài chính, hạ tầng… Do vậy, sự đồng hành, hỗ trợ của ngành Thông tin và Truyền thông là vô cùng quan trọng, thiết thực, đặc biệt ở thời điểm này.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết, tới đây, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục cùng với Bộ TT-TT thực hiện chiến lược dài hơn hơn để tạo ra những hiệu quả, đột phá trong chất lượng giáo dục.