Hai đại học lớn của Việt Nam lọt top 1.000 thế giới

NDO -

NDĐT – Chiều 6-6, trong phát biểu kết thúc phiên chất vấn nhóm vấn đề thứ tư đối với Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, hai trường Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh lọt top 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thông báo hai đại học của Việt Nam lọt top 1.000 thế giới.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thông báo hai đại học của Việt Nam lọt top 1.000 thế giới.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân kết luận, phiên chất vấn với Bộ trưởng GD-ĐT diễn ra với không khí tranh luận sôi nổi, sâu sắc, thẳng thắn. Tuy nhiên, có những câu hỏi nằm ngoài nhóm vấn đề cần chất vấn. Bộ trưởng trả lời đúng vấn đề, nhưng đôi chỗ còn hơi dài.

Thông qua phiên chất vấn, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao Bộ GD-ĐT đã đổi mới căn bản giáo dục đào tạo, đổi mới chương trình sách giáo khoa. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT vẫn còn những tồn tại hạn chế khiến các bậc phụ huynh chưa yên tâm với chất lượng chung của giáo dục; còn băn khoăn về giáo dục mầm non, hiện tượng vi phạm đạo đức của học sinh, giáo viên và phụ huynh….

Chủ tịch Quốc hội chúc mừng ngành giáo dục đào tạo khi vừa qua, hai trường Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh lọt top 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới.

Trước đó, trong phiên trả lời chất vấn sáng 6-6 về vấn đề giáo dục, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, từ ba năm trước, Việt Nam đã đặt mục tiêu năm nay có trường ĐH lọt top 1.000 thế giới.

Phó Thủ tướng thừa nhận, giáo dục đại học Việt Nam chưa tốt, đứng thứ khoảng 80(+-). Nhưng một điều rất đáng mừng là từ ba năm trở lại đây chúng ta đã quyết tâm đẩy mạnh tự chủ và đặt ra các chương trình rất quyết liệt để đổi mới giáo dục đại học.

Phó Thủ tướng cho rằng việc kiên trì mấy năm vừa rồi làm bắt đầu có kết quả. Các chỉ số về nghiên cứu của Việt Nam đã tốt lên rất nhiều, mặc dù so với thế giới chúng ta còn rất kém.

Tính ra theo châu Á thì một giáo viên đại học châu Á công bố trung bình trong giai đoạn 2011 - 2015 là 4,5 bài trên các tạp chí Scopus, tức là khoảng 20 nghìn tạp chí trên thế giới thì ở Việt Nam được 0,14 bài, chỉ bằng 1/32 so với trung bình các giảng viên ở các nước châu Á. Trường cao nhất được 0,7 bài là trường Tôn Đức Thắng.

Theo công bố 3 năm vừa rồi thì 10 đơn vị công bố nhiều nhất ở Việt Nam trong 3 năm trên các tạp chí ISI tức là 14 nghìn tạp chí hàng đầu thì Viện Hàn lâm Khoa học - Công nghệ là 2.396 bài, Đại học Tôn Đức Thắng 1.546 bài, Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh 1.373 bài, Đại học Quốc gia Hà Nội 1.234 bài, Đại học Bách khoa Hà Nội 1.015 bài và Đại học Duy Tân là 778 bài.

“Ba năm vừa qua, chúng ta bằng tự chủ và bằng đẩy mạnh nghiên cứu, đã có các kết quả ban đầu rất đáng khích lệ. Tôi cho rằng đây là điểm các nhà khoa học và các nhà chuyên sâu về giáo dục đánh giá rất cao nỗ lực của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong thời gian vừa qua”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.