Gian nan thầy đi tìm học trò

NDO -

NDĐT - Với mỗi giáo viên dạy học ở vùng sâu, vùng xa đều gặp nhiều gian nan, thử thách. Vượt lên tất cả đó, mỗi thầy, cô giáo ở vùng sâu tỉnh Quảng Bình đều nỗ lực vươn lên, ngày đêm thầm lặng mang cái chữ “gieo” trên miền đất khó. Câu chuyện thầy, cô giáo gian nan đi tìm học trò là tộc người Mã Liềng mà chúng tôi kể sau đây là minh chứng sinh động cho những nỗ lực đó.

Các thầy giáo đến từng nhà vận động học sinh đến lớp đầy đủ.
Các thầy giáo đến từng nhà vận động học sinh đến lớp đầy đủ.

Khi việc học chưa được coi trọng

Lâm Hóa là một trong ba xã của huyện miền núi Tuyên Hóa có đông bà con dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó chủ yếu là tộc người Mã Liềng và Sách thuộc dân tộc Chứt. Nhiều năm qua, dù đã có những kết quả bước đầu song hành trình đưa cái chữ lên vùng cao Lâm Hóa còn gặp nhiều khó khăn.

Với tộc người Mã Liềng, những năm gần đây, nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước nên đời sống đã có nhiều đổi thay. Bà con biết chăn nuôi, trồng rừng, ngô, lạc để tạo lập cuộc sống. Tuy nhiên, những tập tục lạc hậu đã hằn sâu vào tiềm thức của họ vẫn chưa thay đổi đáng kể, trong đó có việc học hành của con cái.

Tuổi lên 10, trẻ em đã nghỉ học để tập đi rừng với mẹ cha, lớn thêm vài tuổi nữa trở thành người đi rừng thực thụ. Công việc học bỏ dở.

Gian nan thầy đi tìm học trò ảnh 1

Thầy giáo Hoàng Ngọc Lâm trò chuyện với một gia đình người Mã Liềng về việc học của con em.

Thầy Nguyễn Hữu Tâm, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở (PTDTBT TH và THCS) Lâm Hóa chia sẻ, giáo dục ở vùng sâu, Lâm Hóa khó khăn nhất là việc duy trì sĩ số. Thời gian qua, Trường PTDTBT TH và THCS Lâm Hóa đã nỗ lực huy động học sinh ra lớp, đồng thời áp dụng nhiều biện pháp để duy trì sĩ số học sinh. Biện pháp như thế nào thì thầy Tâm mời chúng tôi một lần ghé thăm trường để được mục sở thị.

Theo thầy Tâm, công tác vận động học sinh đến lớp đều đặn mất khá nhiều thời gian của giáo viên nhưng điều đó giáo viên không quản ngại, mà buồn nhất là việc phụ huynh học sinh chưa hợp tác để động viên con em đi học đầy đủ. Nhiều người còn tỏ ra thờ ơ, xem như việc đưa học sinh đến trường là của nhà trường, giáo viên phải làm. “Nhiều lúc mình đi gọi học trò và vận động phụ huynh để con đến trường mà họ cứ lần lừa mãi. Nhiều phụ huynh không muốn cho con em đi học, họ nói con họ đau ốm để không đến trường mà đi rừng hái măng, lấy lá nón. Có trường hợp thấy thầy đến là bỏ chạy, thầy phải đi vận động nhiều lần mới trở lại trường”, thầy Tâm chia sẻ.

Hằng ngày thầy đi tìm trò

Gần ngày 20-11, chúng tôi gọi cho thầy Nguyễn Hữu Tâm. Dù tín hiệu từ đầu dây bên kia không thật rõ nhưng vẫn nghe được lời mời chúng tôi lên cùng đi tìm học trò với các thầy.

Gian nan thầy đi tìm học trò ảnh 2

Một giờ học của học sinh người Mã Liềng tại Trường PTDTBT TH và THCS Lâm Hóa.

Ngay đầu giờ chiều một ngày đầu đông nắng nhạt, vượt quãng đường gần 200 km từ thành phố Đồng Hới, chúng tôi có mặt tại trường. Sau cái bắt tay thật chặt, chúng tôi cùng thầy giáo Hoàng Ngọc Lâm đến bản Cáo để tìm học sinh. Thầy Lâm kể, nếu muốn sáng mai học sinh đến lớp đầy đủ, từ chiều hôm nay, giáo viên phải đến từng nhà vận động các em. Em nào vắng nhà, biết là lên rẫy thì thầy phải đến tận nơi để tìm.

Rất may lúc chúng tôi đến, nhiều học sinh có nhà, chỉ duy nhất ở nhà chị Hồ Lan thì em Cao Huy đi vắng. Ngồi bên bậu cửa, Hồ Lan nói trống không: “Các cháu không có ăn, phải đi bẻ đót, lấy măng nên không đi học. Thầy muốn thì đi mà tìm nó”.

Tôi nghĩ, phen này chắc mấy anh em chúng tôi được đi rẫy tìm học trò với thầy Lâm rồi. Lúc này, trời về chiều, phía đằng tây mây kéo đến dày đặc trên đỉnh núi, tôi lo cơn mưa rừng tới. Nhưng rồi hành trình lên rẫy bất đắc dĩ này đã không xảy ra khi qua một số thông tin từ bạn bè, thầy Lâm thông báo là cậu học trò lớp 5 này chỉ sang nhà người bà con ở bản bên chứ không lên rẫy.

Thầy Lâm chia sẻ, để vận động các em trở lại trường lớp sau các ngày nghỉ, các thầy cô giáo không chỉ đến nhà trao đổi với phụ huynh mà có khi phải lên tận rẫy, vào đến rừng để tìm học trò, đưa các em trở lại trường. Thậm chí, có khi thầy phải đi rẫy đến vài ngày mới “bắt” được học trò đưa về lớp.

Chưa hết, vận động từ chiều hôm trước có em đồng ý tới lớp, nhưng sáng hôm sau gần đến giờ học chưa thấy đâu, thầy phải lấy xe máy chạy vòng quanh bản để thồ về trường hai, có khi là ba học sinh phía sau.

Trường PTDTBT TH và THCS Lâm Hóa có ba điểm trường lẻ đóng ở bản. Cứ 6 giờ 30 phút sáng, giáo viên đánh kẻng để học sinh nội trú trở dậy, vệ sinh thân thể, ăn sáng và học bài. Song tiếng kẻng này cũng là tiếng kẻng báo thức cho toàn bộ học sinh trong bản chuẩn bị đến trường. Có lúc, sau tiếng kẻng hai giờ đồng hồ mà chưa thấy học sinh có mặt trên lớp, thầy cô chạy vào bản đến nhà tìm học trò.

Với các thầy cô tại Trường PTDTNT TH và THCS Lâm Hóa, việc giữ học trò là nhiệm vụ không kém phần quan trọng bên cạnh công tác nâng cao chất lượng dạy học. Không chỉ đầu năm học, dịp sau Tết Nguyên đán mà ngay cả giữa năm học, chuyện học sinh bỏ lớp vào rừng không quay lại thường xuyên xảy ra. Mỗi lần như vậy, các thầy, cô giáo lại khăn gói tìm đến tận nơi đưa trò về lớp.

Thầy Nguyễn Hữu Tâm chia sẻ, thiếu học sinh, đặc biệt là các em học sinh Mã Liềng không chỉ ảnh hưởng đến công tác phổ cập mà thiếu một em là những em khác cũng rất dễ bỏ học theo. Vì thế, trường có 34 giáo viên thì phần lớn đều được phân công vào các tổ vận động học sinh ra lớp. Tổ tự nhiên phụ trách vận động học sinh khối THCS tại Bản Kè; tổ xã hội được giao tại bản Chuối và bản Cáo.

Gian nan thầy đi tìm học trò ảnh 3

Giáo viên ở Lâm Hóa dạy học sinh người Mã Liềng nắn nót từng con chữ.

Giáo viên dạy tiểu học cũng vậy. Phụ trách bản Kè là thầy Hùng, cô Oanh, cô Phương; bản Chuối là thầy Thành, thầy Du, cô Yến; bản Cáo xa hơn giao thầy Tu, thầy Minh. Việc vận động thực hiện thường xuyên, từ sáng thứ 2 đến thứ 6 hằng tuần.

Công việc gian nan là vậy song tập thể sư phạm nhà trường đã nỗ lực để duy trì sĩ số với 128 học sinh người Mã Liềng trong tổng số 213 học sinh toàn trường. Trường cũng thực hiện chế độ bán trú cho các em với ba bữa ăn/ngày để hỗ trợ và khuyến khích học sinh đến lớp chuyên cần.

Thầy Tâm thông tin thêm là trường đang xin cấp trên và các nhà hảo tâm trợ giúp để tới đây tổ chức cho học sinh tiểu học các bản ăn sáng, ăn trưa nhằm động viên các em đến lớp.

Có thể nói, hành trình “gieo chữ” nơi vùng cao Lâm Hóa tuy gặp nhiều gian nan song đã mang lại nhiều kết quả bước đầu. Các thầy cô giáo chưa ai nản lòng vì công việc. Hằng ngày, họ vẫn phải băng rừng, lội suối, bám bản làng để làm công tác vận động học sinh đến trường đầy đủ, để bài giảng được liền mạch và bản làng rộn tiếng ê, a của con trẻ.