Dấu ấn sáng tạo khoa học kỹ thuật trong trường học ở Thừa Thiên Huế

Cuộc thi khoa học kỹ thuật (KHKT) dành cho học sinh trung học toàn quốc năm 2020 - 2021, tỉnh Thừa Thiên Huế có bốn dự án dự thi; trong đó, có một giải nhất, hai giải ba và một giải tư. Thành quả này đánh dấu sự trưởng thành, ngày càng lớn mạnh của học sinh vùng đất Cố đô Huế trong hoạt động nghiên cứu KHKT ở trường học.
 

Sản phẩm bảo vệ môi trường của học sinh Trường THPT A Lưới (Thừa Thiên Huế) tham gia trưng bày tại cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh.
Sản phẩm bảo vệ môi trường của học sinh Trường THPT A Lưới (Thừa Thiên Huế) tham gia trưng bày tại cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh.

Dự án “Kích thích tư duy toán học thông qua hệ thống bài tập hình học và trò chơi được thiết kế bằng phần mềm Scratch” của hai em Huỳnh Đăng Khoa và Lê Anh Châu, học sinh Trường THCS Nguyễn Tri Phương (TP Huế) đã đoạt Giải nhất tại Cuộc thi KHKT cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2020-2021 do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) tổ chức. Đây là một trong bảy dự án được ban tổ chức chọn tham dự cuộc thi KHKT quốc tế thời gian tới.
 
 Dành bảy tháng lên ý tưởng, tìm kiếm các bài toán, thiết kế một số trò chơi vận dụng kiến thức môn toán…, hai em Khoa và Châu đã thiết kế một hệ thống bài tập hình học (lớp 8 và 9) bằng Scratch. Các bài toán được thiết kế dưới dạng câu chuyện trực quan sinh động, khơi gợi sự hứng thú của học sinh với phân môn hình học, giúp củng cố kiến thức môn học, nhất là hình học, vận dụng kiến thức để giải quyết các bài toán nhanh, chính xác… Huỳnh Đăng Khoa chia sẻ: “Em thấy nhiều bạn tỏ ra chán nản môn toán, thấy nó tẻ nhạt, vì thế em và Châu đã nghĩ ra ý tưởng làm gì đó để toán học “mềm mại” hơn”.
 
 Trong khi đó, dự án “Thiết bị kiểm tra và giám sát sức khỏe thông minh phòng chống Covid-19 theo công nghệ IOT và diệt khuẩn NANO” của em Lê Ngọc Thanh Mai, học sinh lớp 9/1 Trường THCS Nguyễn Tri Phương đã giành giải cao tại cuộc thi sáng tạo KHKT cấp quốc gia. Sản phẩm giúp phát hiện, nhắc nhở người không đeo khẩu trang, rửa tay, kiểm tra nhiệt độ cơ thể, đo nồng độ ô-xy trong máu mà không cần tiếp xúc trực tiếp với người kiểm tra sức khỏe. Cô giáo Nguyễn Thị Thương Huyền (Trường THCS Nguyễn Tri Phương), cùng nghiên cứu với học sinh Thanh Mai chia sẻ: “Mai rất chịu khó học hỏi, biết lắng nghe lại có khả năng thẩm thấu vấn đề nhanh, đó chính là tố chất của người làm khoa học”.
 
 Đánh giá về bốn dự án tham gia của học sinh Thừa Thiên Huế, Giám đốc Sở GD và ĐT Nguyễn Tân cho rằng, các sản phẩm thể hiện ý tưởng mới mẻ của học sinh, phù hợp hoàn cảnh, điều kiện tăng cường các hoạt động về giáo dục môi trường, phòng, chống Covid-19 và ứng dụng công nghệ thông tin trong thời kỳ chuyển đổi số. Các đề tài gắn đến đời sống hằng ngày nếu được đưa vào thực tiễn sẽ rất khả thi, giúp các doanh nghiệp có hướng đi, đổi mới phương thức trong cách quản lý.
 
 Hưởng ứng cuộc thi quốc gia, ngay từ năm học 2009 - 2010, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức cuộc thi KHKT cấp tỉnh. Cuộc thi nhằm khuyến khích học sinh nghiên cứu, sáng tạo khoa học, công nghệ kỹ thuật, vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn. Không chỉ các trường ở TP Huế mà các địa phương vùng sâu, miền núi điều kiện phát triển kinh tế - xã hội khó khăn cũng hưởng ứng tích cực, rộng khắp của học sinh toàn tỉnh.
 
 “Câu lạc bộ nhà khoa học trẻ” tại Trường THCS Phong Hòa (huyện Phong Điền) được thành lập cách đây vài năm, là một trong số những nhân tố nổi bật qua phong trào hưởng ứng cuộc thi KHKT. Thầy giáo Nguyễn Văn Khuyên, Chủ nhiệm Câu lạc bộ cho biết: Các em đăng ký tham gia khá đông, đơn giản là đam mê nghiên cứu khoa học, muốn khám phá những gì đang diễn ra chung quanh bởi phòng thực hành thường thiếu trang thiết bị. Từ những cô cậu khá rụt rè, các em chủ động đề xuất đề tài, xây dựng định hướng nghiên cứu, thu thập, xử lý dữ liệu… gắn với thực tiễn và phù hợp điều kiện nghiên cứu trong trường học.
 
 Giám đốc Sở GD và ĐT Nguyễn Tân cho biết thêm: Cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học thật sự là một sân chơi khoa học, trí tuệ hết sức bổ ích, hấp dẫn, thu hút sự chú ý của đông đảo học sinh và giáo viên đam mê khoa học. Đối với học sinh, sản phẩm dự thi KHKT là sự cụ thể hóa xu hướng “học đi đôi với hành”, là năng lực vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết các vấn đề thực tiễn, nhân rộng các mô hình, giải pháp khoa học, công nghệ tiên tiến có tính ứng dụng cao phục vụ nhu cầu thiết thực trong học tập và đời sống. Đáng nói, sản phẩm của các em có thể ứng dụng với giá thành thấp, phù hợp túi tiền khách hàng. Từ các đề tài nghiên cứu khoa học trong nhà trường, nhiều nhóm học sinh ở Thừa Thiên Huế đã tập làm dự án khởi nghiệp.