Đào tạo tiến sĩ cần đi vào thực chất

Những năm qua, quy mô đào tạo tiến sĩ (TS) ở nước ta ngày càng lớn, số người có học vị TS ngày càng nhiều. Tuy nhiên, chất lượng đào tạo cũng như trình độ, năng lực của một số TS không bảo đảm khiến dư luận xã hội băn khoăn, lo lắng. Điều này đòi hỏi cần siết chặt và có những quy định cụ thể trong tuyển sinh, đào tạo, thẩm định luận án TS nhằm tăng cường chất lượng đào tạo TS.

Giờ thực hành của nghiên cứu sinh Trường đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội.
Giờ thực hành của nghiên cứu sinh Trường đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội.

Trình độ chưa tương xứng học vị

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) cho biết, hiện nay, cả nước đang triển khai đào tạo 971 ngành TS tại 158 cơ sở đào tạo trong đó có 114 trường đại học, 43 viện nghiên cứu và một trung tâm nghiên cứu thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Kết thúc năm học 2015-2016, quy mô của các cơ sở đào tạo trên cả nước là 13.598 nghiên cứu sinh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy một số cơ sở đào tạo chỉ chạy theo số lượng, tỷ lệ nghiên cứu sinh/người hướng dẫn cao; tổ chức đào tạo các học phần bổ sung và các học phần của chương trình TS chủ yếu triển khai vào các ngày thứ bảy, chủ nhật hoặc vào các buổi tối trong tuần. Việc tổ chức cho nghiên cứu sinh báo cáo kết quả nghiên cứu theo tiến độ cũng như quản lý nghiên cứu sinh còn lỏng lẻo. Nhiều thầy hướng dẫn ít hoặc không có đề tài, dự án nghiên cứu để hỗ trợ nghiên cứu sinh làm luận án. Cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm nhiều cơ sở đào tạo lạc hậu, thư viện nghèo nàn, không đáp ứng được yêu cầu nghiên cứu và thực hiện luận án theo hình thức chính quy của nghiên cứu sinh. Trong khi đó, hội đồng chuyên môn các cấp vẫn có tình trạng nể nang, dễ dãi về học thuật, thông tin kém minh bạch, để xảy ra hiện tượng đạo văn, dẫn đến trình độ của người tốt nghiệp chưa tương xứng với học vị được cấp, gây nghi ngờ trong xã hội về công tác đào tạo TS. Mặt khác, trong đào tạo TS hiện nay, kinh phí đào tạo cho một nghiên cứu sinh chỉ 15 triệu đồng/năm (tương đương khoảng 700 USD, trong khi nghiên cứu sinh ở nước ngoài khoảng 15 nghìn USD/năm). Nhận thức xã hội về việc coi bằng TS là tiêu chuẩn để cất nhắc và bổ nhiệm các chức vụ quản lý của công chức ở nhiều cơ quan cũng ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo TS.

Ở góc độ thực tiễn cơ sở đào tạo, GS, TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội nhìn nhận: Cách đây mấy chục năm, mặc dù khó khăn nhưng chất lượng đào tạo TS vẫn tốt vì chất lượng đầu vào tốt. Thời điểm đó, có 30 đến 40 người dự thi nhưng chỉ vài ba người đỗ. Trong quá trình đào tạo, mỗi người phải thi ba chuyên đề cho nên phải học rất chắc chắn. Quá trình đào tạo, ngoài kết quả thông qua chất lượng của luận án, hội đồng còn xem xét người đó có xứng đáng không mới trao quyết định công nhận; có khi phải mất từ năm đến bảy năm mới đào tạo được một TS. Trong khi đó hiện nay, nhiều TS có luận án bảo vệ rồi nhưng kiểm tra lại chất lượng thì không đạt do cơ sở quản lý lỏng lẻo, quy mô đào tạo quá lớn…

Trong giai đoạn từ đầu tháng 1-2014 đến hết tháng 4-2015, Bộ GD và ĐT đã thẩm định 185 luận án và 288 hồ sơ trong tổng số 1.387 nghiên cứu sinh đã bảo vệ luận án cho thấy có 21% số hồ sơ thẩm định cần bổ sung, rút kinh nghiệm, trong đó có một luận án bị đánh giá không đạt yêu cầu phải chỉnh sửa. Theo Thứ trưởng Bộ GD và ĐT Bùi Văn Ga, chất lượng đào tạo TS tại một số cơ sở chưa bảo đảm, đề tài nghiên cứu, không xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, kết quả nghiên cứu không có điểm mới...

Quan trọng nhất là khâu thẩm định luận án

Theo GS, TSKH Nguyễn Đình Đức, vấn đề đặt ra trong nâng cao chất lượng đào tạo TS là trách nhiệm của người hướng dẫn. Vì người hướng dẫn có trình độ, khắt khe trong công việc thì mới nâng cao chất lượng luận án TS. “Thẩm định luận án trong điều kiện hiện nay là cần thiết. Tại Đại học Quốc gia Hà Nội, có ngành phải thẩm định độc lập, có trường hợp một trong hai phản biện không đồng ý, cũng có trường hợp cả ba phản biện đều cho trượt. Có như vậy mới cảnh tỉnh người hướng dẫn và nghiên cứu sinh làm luận án bảo đảm chất lượng". Đồng quan điểm, GS, TSKH Trần Văn Nhung, Tổng thư ký Hội đồng chức danh GS Nhà nước cho rằng: Một trong những yêu cầu đặt ra trong nâng cao chất lượng đào tạo TS là thẩm định luận án. Ở nhiều nước phát triển vẫn cần phải có phản biện kín cho nên ở nước ta cần duy trì phản biện kín nhưng chọn người thế nào phải thật khách quan và có giá trị.

Trong khi đó, một số chuyên gia giáo dục cho rằng, Bộ GD và ĐT cần rà soát, kiểm tra các điều kiện bảo đảm chất lượng tại các cơ sở đào tạo TS và kiên quyết đình chỉ đào tạo các ngành hoặc những cơ sở đã được cấp phép đào tạo TS nhưng không bảo đảm chất lượng. Cần đưa ra yêu cầu cao hơn về điều kiện ngoại ngữ ngay từ đầu vào. Có như vậy, nghiên cứu sinh mới có thể sử dụng công cụ này để thực hiện tốt hoạt động nghiên cứu, bảo đảm chất lượng luận án. PGS, TS Vũ Lan Anh, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Luật Hà Nội nêu quan điểm: Cần có quy định cụ thể về điều kiện dự tuyển đầu vào trong đào tạo TS chặt chẽ hơn, nhất là bảo đảm yếu tố khả năng ngoại ngữ, khả năng nghiên cứu, căn cứ vào bài báo nghiên cứu, những gì nghiên cứu sinh đã làm trước khi đăng ký dự tuyển. Có tuyển được người giỏi thì quá trình đào tạo, nghiên cứu mới bảo đảm chất lượng.

Theo Bộ GD và ĐT, để nâng cao chất lượng đào tạo TS, cần tăng chi phí đào tạo bảo đảm tương đương với một số nước trong khu vực. Việc mở ngành đào tạo TS, tổ chức đào tạo và cấp bằng thời gian tới sẽ áp dụng theo các chuẩn khu vực và quốc tế, tăng hàm lượng khoa học (như tăng số lượng công bố quốc tế của thầy hướng dẫn và nghiên cứu sinh…). Xây dựng cơ chế để tạo điều kiện và khuyến khích các cơ sở đào tạo mời các nhà khoa học nước ngoài tham gia đào tạo TS trong nước. Hiện nay, Bộ GD và ĐT đang hoàn thiện phần mềm quản lý dữ liệu đào tạo TS trong toàn hệ thống và sẽ công khai để tăng cường giám sát của xã hội đối với chất lượng đào tạo. Mặt khác, Bộ cũng tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo phát huy tính tự chủ trên cơ sở điều kiện đặc thù của từng trường và từng ngành; tăng trách nhiệm giải trình, công khai thông tin minh bạch của cơ sở đào tạo với xã hội nhằm nâng cao chất lượng đào tạo TS.