Đào tạo gắn ứng dụng phục vụ nhu cầu thực tiễn của Tây Nguyên

NDO -

NDĐT - Được thành lập năm 2007, sau hơn 13 năm phát triển, Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum đã từng bước lớn mạnh, đóng góp thiết thực cho công cuộc đào tạo nhân lực chất lượng cao, phục vụ sự phát triển của khu vực Tây Nguyên và nước bạn Lào, Campuchia.

Sinh viên ngành Kỹ thuật điện, Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum tham quan trạm 220kV Kon Tum.
Sinh viên ngành Kỹ thuật điện, Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum tham quan trạm 220kV Kon Tum.

Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum (UD-CK) là thành viên của Đại học Đà Nẵng, Đại học vùng lớn nhất khu vực miền trung Tây Nguyên. Phân hiệu hiện có hơn 100 giảng viên và nhân viên với một phó giáo sư, bốn tiến sĩ, 56 thạc sĩ được đào tạo bài bản ở trong và ngoài nước.

Cơ sở vật chất được xây dựng khang trang với 11.565 m2 diện tích sàn xây dựng, nhà thi đấu đa năng 800 m2, ký túc xá có hơn 600 chỗ ở, thư viện có 9.190 đầu sách, các phòng thí nghiệm tiên tiến trong lĩnh vực Công nghệ sinh học diện tích 650 m2 đủ sức đáp ứng nhu cầu học tập và rèn luyện cho hơn 1.000 học viên, sinh viên. Phân hiệu thực hiện hoạt động đào tạo với 19 chuyên ngành trình độ Đại học, bốn chuyên ngành trình độ cao đẳng, ba chuyên ngành liên thông từ cao đẳng, trung cấp lên đại học, năm chuyên ngành đại học văn bằng 2.

PGS, TS Lê Quang Sơn, Giám đốc UD-CK, chia sẻ với phóng viên Nhân Dân điện tử về mô hình đào tạo theo định hướng ứng dụng mà nhà trường đã và đang thực hiện: “Một trong các định hướng lớn trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học của trường là định hướng giải quyết các vấn đề thực tiễn của khu vực Tây Nguyên. Với hướng đi này, các chương trình đào tạo tại trường được định hướng vào lĩnh vực ứng dụng, chú trọng tính thực hành, thực tế, quan tâm hình thành hệ thống kỹ năng cứng và mềm, chuẩn hóa các kỹ năng có tính công cụ như kỹ năng tiếng Anh, tin học. Chương trình đào tạo đòi hỏi sinh viên có được các năng lực cốt lõi của ngành nghề, khả năng từng bước tự lực phát triển năng lực nghề nghiệp, khả năng làm việc độc lập, khả năng phân tích, phát hiện vấn đề mà thực tiễn đặt ra”.

Bạn A Taih, sinh viên năm 3, ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, cho biết, từ năm thứ 2, chúng em đã bắt đầu được đi thực tập, thực tế. Em được tham quan Ngày hội các sản phẩm đặc trưng tại huyện Đăk Hà, các mô hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, homestay ở Măng Đen, huyện Kon Plông, mô hình trồng rau, củ, quả công nghệ cao, nuôi cá tầm, cơ sở sản xuất và chế biến cà-phê… Được tiếp cận và hiểu được hoạt động của các doanh nghiệp giúp em củng cố thêm kiến thức, kỹ năng từ đó định hướng tốt cho vị trí công việc sau này. Trường còn có câu lạc bộ du lịch, chúng em được tự mình thiết kế các tour du lịch trong tỉnh cho các thầy, cô giáo và các bạn sinh viên trong trường. Qua những chuyến đi thực tế, em cảm thấy tiềm năng tuyển dụng việc làm ở Tây Nguyên đang rất lớn, ở cả nhiều lĩnh vực, ngành nghề.

Đào tạo gắn ứng dụng phục vụ nhu cầu thực tiễn của Tây Nguyên ảnh 1

Sinh viên ngành Kỹ thuật điện, Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum tham quan trạm 220KV Kon Tum.

Tính đến nay, UD-CK đã đào tạo được gần 10.000 cử nhân, kỹ sư và hơn 1.500 thạc sĩ, 15,2% trong tổng số sinh viên đang theo học là người dân tộc thiểu số. Nhờ công tác đào tạo gắn với ứng dụng thực tiễn, hằng năm, có hơn 93% sinh viên, học viên ra trường có việc làm. Bên cạnh đó, UD-CK còn chú trọng đến hoạt động khởi nghiệp trong sinh viên.

Hằng năm, nhà trường đều tổ chức đào tạo sinh viên về khởi nghiệp; tổ chức các cuộc thi xây dựng ý tưởng khởi nghiệp với quy mô lớn nhỏ khác nhau, mời các chủ doanh nghiệp, doanh nhân đến chia sẻ về những mô hình khởi nghiệp hiệu quả. Nhiều ý tưởng khởi nghiệp từ chính sinh viên đã được đánh giá cao. Năm 2018 ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên UD-CK đã xuất sắc vượt qua các đội thi đến từ các trường đại học khác tại khu vực miền trung để giành giải Nhì tại đêm chung kết Cuộc thi Startup Runway, do Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng tổ chức với sự hỗ trợ của Học viện Công nghệ Cork (CIT) và chính phủ Ireland.

Nhiều cựu sinh viên của UD-CK sau khi ra trường đã tự lập nghiệp, vừa làm chủ vừa tạo việc làm cho người khác. Bạn Phùng Văn Hùng, cựu sinh viên ngành Kinh doanh thương mại đã bắt tay khởi nghiệp bằng công việc đặt hàng và giao hoa lan ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Sau năm năm ra trường, Hùng hiện đã là ông chủ của một vườn lan nổi tiếng ở Kon Tum, với diện tích hơn 1.000 m2 cùng 3.000 chậu lan thuộc 50-60 loại lan khác nhau. Lợi nhuận hằng năm thu về lên đến hàng trăm triệu đồng.

Chia sẻ về cơ ngơi hiện tại, Hùng cho biết, đến với việc trồng lan và chơi lan như một cơ duyên rồi mê luôn lúc nào không hay. Từ sự đam mê cùng với những kiến thức chuyên ngành, kỹ năng học tại trường đã giúp Hùng tự tin trên con đường khởi nghiệp, giúp em giải được những bài toán quản lý khâu đầu vào, đầu ra, cách mở rộng thị trường, tiếp cận thị trường mục tiêu… Mong muốn của Hùng lúc này là mở rộng vườn lan để đông đảo khách hàng yêu thích lan có thể thỏa mãn đam mê giống như em.

Đào tạo gắn ứng dụng phục vụ nhu cầu thực tiễn của Tây Nguyên ảnh 2

Sinh viên Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum tham gia Ngày hội các sản phẩm đặc trưng tại huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum.

Trong thời gian giãn cách xã hội bởi đại dịch Covid-19, UD-CK cũng đã triển khai đồng bộ việc dạy và học trực tuyến cho học kỳ 2 năm học 2019-2020, giúp sinh viên không bị gián đoạn học tập do ảnh hưởng của đại dịch đồng thời cũng đã mở ra hình thức đào tạo mới cho trường trong thời gian tới.

Thạc sĩ Nguyễn Tố Như, Phó Giám đốc UD-CK, cho biết, hiện nay, sau khi hết giãn cách xã hội, sinh viên Việt Nam đã quay trở lại học tập, nhưng các giảng viên trong trường vẫn phải tiếp tục dạy trực tuyến cho các bạn lưu học sinh Lào và Campuchia. Một số em chưa thật sự giỏi tiếng Việt và đường truyền kết nối tương đối yếu nên các thầy, cô giáo sau khi dạy trực tuyến phải ghi âm, quay hình bài giảng để đưa lên hệ thống, nhằm giúp các em có thể tự nghe, tự học lại ở nhà.

Không dừng lại với những thành tích đã đạt được, UD-CK cũng đặt ra nhiều mục tiêu dài hơi nhằm giúp nhà trường ngày càng phát triển và vững mạnh hơn trong công cuộc giải quyết các vấn đề thực tiễn cho khu vực Tây Nguyên như: Xây dựng mới năm đến bảy chương trình đào tạo thạc sĩ, đại học, đào tạo ngắn hạn đáp ứng nhu cầu học tập của cộng đồng địa phương; tổ chức ít nhất một khóa đào tạo/năm về khởi nghiệp nhằm tạo cơ hội cho các học viên và sinh viên học tập, trau dồi kỹ năng, hình thành ý tưởng khởi nghiệp; hình thành chương trình nghiên cứu và nhóm đề tài nghiên cứu liên quan đến hoạt động khởi nghiệp và sản xuất, kinh doanh…