Công bố danh mục sách giáo khoa lớp 1 mới: Nhiều vấn đề chưa rõ ràng

Chiều tối 22-11, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) họp báo công bố quyết định phê duyệt danh mục 32 sách giáo khoa (SGK) lớp 1 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông, bắt đầu từ năm học 2020 - 2021. Tại buổi họp báo nhiều vấn đề dư luận xã hội quan tâm về biên soạn, thẩm định SGK được Bộ GD và ĐT lý giải chưa thuyết phục, rõ ràng.

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam giới thiệu các bản mẫu sách giáo khoa mới do đơn vị này biên soạn.
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam giới thiệu các bản mẫu sách giáo khoa mới do đơn vị này biên soạn.

77,7% sách thẩm định được thông qua

Theo TS Thái Văn Tài, Vụ trưởng Giáo dục tiểu học, quá trình xây dựng chương trình, SGK mới, Bộ GD và ĐT đã ban hành các quy định và thông báo về việc tổ chức thẩm định SGK. Kết quả có 49 bản mẫu sách của ba nhà xuất bản đề nghị thẩm định. Bộ trưởng GD và ĐT đã thành lập chín Hội đồng quốc gia thẩm định SGK các môn học và hoạt động giáo dục lớp 1 gồm các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhà khoa học có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục, đại diện cơ quan, tổ chức có liên quan. Trong đó, có ít nhất 1/3 tổng số thành viên thẩm định là nhà giáo đang giảng dạy ở cấp học tương ứng. Sau hai vòng thẩm định, kết quả có 38/49 bản mẫu SGK lớp 1 (chiếm 77,7%) được đánh giá mức “đạt”; có 11/49 bản mẫu SGK (chiếm 22,3%) được đánh giá ở mức “không đạt”.

Trong quyết định lần này, Bộ GD và ĐT công bố 32 bản SGK thuộc các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc gồm năm bản sách tiếng Việt, năm bản sách Toán, năm bản sách Đạo đức, ba bản sách Tự nhiên và xã hội, năm bản sách Âm nhạc, năm bản sách Mỹ thuật, một bản sách Giáo dục thể chất, ba bản sách Hoạt động trải nghiệm. Riêng sáu bản SGK của các môn học tự chọn sẽ được công bố sau. Kết quả thẩm định cho thấy, nhiều bản mẫu SGK được các tác giả xây dựng công phu, cẩn thận, tâm huyết trên cơ sở tuân thủ định hướng đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông với trọng tâm là chuyển mục tiêu giáo dục từ chú trọng truyền thụ kiến thức sang giúp học sinh hình thành, phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực. Nhiều bản mẫu SGK có quan điểm biên soạn riêng, cấu trúc mới, hiện đại, tiếp cận với cách biên soạn sách của các nước tiên tiến trên thế giới nhưng vẫn bảo đảm phù hợp với điều kiện nhà trường và học sinh tiểu học Việt Nam; bảo đảm tính “mở”, linh hoạt, tạo điều kiện cho giáo viên phát huy tính chủ động, sáng tạo theo định hướng và quy định của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Bộ GD và ĐT cũng đang xây dựng thông tư quy định việc lựa chọn SGK sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông theo từng môn học, hoạt động giáo dục ở các cấp học. Bộ GD và ĐT không quy định UBND các tỉnh, thành phố chọn một bộ sách mà có thể nhiều bộ sách hoặc chọn nhiều cuốn trong các bộ sách khác nhau.

Bộ “giẫm chân” địa phương?

Mặc dù, Bộ GD và ĐT có những lý giải nhưng một số vấn đề liên quan biên soạn, thẩm định SGK chưa rõ ràng. Theo Bộ GD và ĐT, danh mục SGK lớp 1 công bố lần này là nhiều bộ, nhiều tác giả khác nhau thể hiện sự đa dạng. Vì vậy, tính độc quyền sẽ được hạn chế tối đa trong thời gian tới. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra vì sao, trong số 32 bản sách được công bố thì có tới 24 bản sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chưa được giải thích rõ.

Mặt khác, Bộ GD và ĐT cho biết quy định hội đồng thẩm định là các nhà khoa học được lựa chọn ở những nơi có truyền thống, bề dày thành tích, kinh nghiệm, chuyên môn sâu và 1/3 là giáo viên phổ thông các vùng miền. Tuy nhiên, thực tế cho thấy có những môn học cả người chủ trì biên soạn chương trình, người chủ trì thẩm định chương trình đều tập trung ở Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội). Đây là cơ sở có nhiều chuyên gia nhưng nặng về nghiên cứu hàn lâm, không gắn với thực tiễn giáo dục phổ thông như các trường sư phạm, cũng là điều khiến dư luận băn khoăn.

Đáng chú ý, TS Thái Văn Tài cho rằng “chương trình tổng thể quy định, nội dung Giáo dục địa phương và Hoạt động trải nghiệm ở tiểu học được tích hợp với nhau và tích hợp trong các môn học khác” cho nên Bộ GD và ĐT đã thẩm định SGK Hoạt động trải nghiệm của các nhà xuất bản. Tuy nhiên, theo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể Hoạt động trải nghiệm ở cấp tiểu học chính là “các hoạt động xã hội và tìm hiểu một số nghề nghiệp gần gũi với học sinh”…

Trong khi đó, nội dung Giáo dục địa phương cũng có nội dung về hoạt động xã hội và “tìm hiểu một số nghề nghiệp gần gũi với học sinh”. Như vậy, hoạt động trải nghiệm và giáo dục địa phương trùng lặp về nội dung. Theo quy định, UBND các tỉnh, thành phố sẽ tổ chức biên soạn, thẩm định nội dung giáo dục địa phương nhằm bảo đảm sự đa dạng, phù hợp với đặc điểm tự nhiên, văn hóa, con người, gắn với thực tế nơi đang sống của học sinh. Như vậy, việc Bộ GD và ĐT thẩm định SGK Hoạt động trải nghiệm của các nhà xuất bản để dùng chung chẳng khác nào “giẫm chân” lên các địa phương. Mặt khác, “Hoạt động trải nghiệm” là để học sinh làm thật, gắn với thực tế cuộc sống nhưng lại bị coi như một môn học và bắt buộc phải có SGK viết theo tiêu chí chung thì tính chất “trải nghiệm thực tế” sẽ không còn.

Ngoài các vấn đề nêu trên, việc Bộ GD và ĐT có công khai ý kiến hội đồng thẩm định trong việc đánh giá các bản mẫu SGK hay không; giá SGK mới so với giá SGK hiện hành ra sao? Lo ngại có thể nảy sinh nhóm lợi ích khi giao cho các địa phương lựa chọn SGK, giải pháp ngăn ngừa… cũng là những vấn đề được nêu ra để Bộ GD và ĐT lý giải.

Tại buổi họp báo, Bộ GD và ĐT cũng trả lời câu hỏi chung quanh ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về rà soát lại việc thẩm định SGK nói chung và đánh giá lại “Chương trình thực nghiệm” nói riêng; tổ chức đối thoại, tiếp thu trên tinh thần cầu thị, xây dựng, đúng pháp luật. Bộ GD và ĐT cho biết, các bản mẫu SGK liên quan chương trình thực nghiệm đã được thẩm định và chỉ phù hợp với chương trình hiện hành. Bộ GD và ĐT đã từng đối thoại với các tác giả hai lần. Tới đây nếu các tác giả yêu cầu Bộ GD và ĐT tiếp tục tổ chức đối thoại thì Bộ GD và ĐT sẽ sẵn sàng đối thoại.