Chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11)

Chú trọng bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên

Giáo viên là nhân tố, quyết định sự thành công khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới. Nhận thức rõ về tầm quan trọng này, ngành giáo dục các địa phương ưu tiên chuẩn bị đội ngũ giáo viên, trong đó chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình GDPT.

Giờ học môn tiếng Việt của học sinh Trường tiểu học Trần Nhân Tông (Nam Định).
Giờ học môn tiếng Việt của học sinh Trường tiểu học Trần Nhân Tông (Nam Định).

Là một trong những đơn vị được đánh giá chủ động, sáng tạo khi triển khai chương trình GDPT mới, cho nên dù ở địa bàn biên giới, đặc biệt khó khăn song việc triển khai dạy và học lớp 1 theo chương trình mới của Trường tiểu học Thanh Hưng (xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) đã nhận được sự đồng tình của phụ huynh và nhân dân. Thầy Trần Văn Xuyên, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Để chuẩn bị cho chương trình GDPT mới, từ những năm học trước, trường đã chủ động bồi dưỡng đội ngũ, bố trí cơ sở vật chất phù hợp trong giảng dạy; cử giáo viên tham gia đầy đủ các lớp tập huấn nghiệp vụ. Để tăng cường bồi dưỡng cho đội ngũ nhà giáo về chuyên môn, từ đầu năm đến nay, Trường tiểu học Thanh Hưng đã tổ chức bốn chuyên đề cấp trường tập trung vào phương pháp dạy học và cách thức điều chỉnh nội dung bài học, phương pháp xây dựng kế hoạch giảng dạy.

Tại tỉnh Điện Biên, trước khi triển khai chương trình GDPT mới, ngành giáo dục đã định hướng cho các trường tiểu học những giải pháp về xây dựng chương trình giáo dục nhà trường, nhất là xây dựng chương trình môn học, tách tiết đối với những bài có nội dung kiến thức dài và khó, sao cho phù hợp với đối tượng học sinh. Giáo viên được hướng dẫn sử dụng các thiết bị, đồ dùng dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình soạn bài, giảng bài trên lớp... Đối với ban giám hiệu các trường, chủ động trong công tác chỉ đạo chuyên môn dạy học. Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) tỉnh Điện Biên Cù Huy Hoàn, đến thời điểm này, toàn bộ giáo viên dạy lớp 1 trong tỉnh đều được bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn dạy và học theo chương trình GDPT mới. Việc bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ giáo viên dạy lớp 1 được các phòng GD và ĐT huyện tổ chức bằng nhiều hình thức theo nhóm cụm trường. Qua đó, giúp giáo viên tự tin tiếp cận chương trình, đồng thời tháo gỡ được những băn khoăn vướng mắc và có giải pháp trong việc xây dựng chương trình dạy học nhà trường sát với thực tiễn đơn vị trường mình.

Phó Giám đốc Sở GD và ĐT tỉnh Nam Định Nguyễn Xuân Hồng cho biết: Từ năm học 2019 - 2020, ngành giáo dục tỉnh đã chỉ đạo các phòng GD và ĐT lựa chọn đội ngũ giáo viên năng động, nhiệt tình, đầy đủ kiến thức, kỹ năng để thực hiện chương trình GDPT mới. Đội ngũ giáo viên này đã được tập huấn kỹ từ chương trình tổng thể đến tập huấn về chuyên môn. Đồng thời, Sở GD và ĐT Nam Định chỉ đạo các nhà trường tập trung sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học, tập thể giáo viên nhà trường cùng nhau hỗ trợ giáo viên dạy lớp 1 để giải đáp thắc mắc, kịp thời xử lý những tình huống khi giáo viên gặp khó khăn. Để chuẩn bị đội ngũ giáo viên đáp ứng chương trình GDPT mới ở lớp 2 và lớp 6, Sở GD và ĐT Nam Định đã giao cho các phòng GD và ĐT chỉ đạo các nhà trường lựa chọn giáo viên, đồng thời tham gia tập huấn, nghiên cứu chương trình tổng thể, sách giáo khoa lớp 1 để có những kết nối, xuyên suốt để không gặp bỡ ngỡ và khó khăn khi áp dụng chương trình.

Theo Bộ GD và ĐT, kết thúc năm học 2019 - 2020, toàn quốc có 403 nghìn giáo viên tiểu học, tăng so với năm học trước gần 5.000 giáo viên; tỷ lệ trung bình giáo viên/lớp ở cấp tiểu học là 1,41 (năm học trước là 1,38) cơ bản đáp ứng dạy học hai buổi/ngày. Trong năm học vừa qua, các địa phương đã cơ bản thực hiện xét tuyển số giáo viên đang thực hiện chế độ hợp đồng lao động, đồng thời tăng cường tuyển mới giáo viên và tập trung vào giáo viên các môn học mới ở cấp tiểu học khi thực hiện chương trình mới như môn tiếng Anh, Tin học.

Vụ trưởng Giáo dục trung học (Bộ GD và ĐT) Nguyễn Xuân Thành cho biết: Những hoạt động bồi dưỡng, đón đầu chương trình GDPT mới đã được Bộ GD và ĐT tổ chức một cách bài bản nhằm chuẩn hóa, nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu của chương trình mới. Tính đến tháng 5-2020, Bộ GD và ĐT đã tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình GDPT mới cho bốn nhóm đối tượng chính, gồm: Giảng viên sư phạm chủ chốt, giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông, lãnh đạo sở, phòng GD và ĐT. Ngành giáo dục đã bồi dưỡng cho khoảng 200 báo cáo viên nguồn để phát triển tài liệu; khoảng 800 giảng viên sư phạm chủ chốt; 1.028 cán bộ quản lý cấp sở, phòng GD và ĐT; 4.000 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán; 15.500 tổ trưởng chuyên môn và 28 nghìn giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán. Bên cạnh đó, Bộ GD và ĐT đã thực hiện mô hình bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, tại chỗ. Theo đó, hệ thống quản lý học tập qua mạng bảo đảm cung cấp học liệu tới tất cả giáo viên (cốt cán và đại trà). Trong đó, đội ngũ cốt cán được bồi dưỡng theo hình thức học kết hợp giữa qua mạng và trực tiếp; đội ngũ đại trà tự học qua mạng với sự hỗ trợ thường xuyên, liên tục, tại chỗ. Bộ GD và ĐT đã phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông và Tập đoàn Viettel cung cấp miễn phí đường truyền, tài khoản để toàn bộ giáo viên lớp 1 được tập huấn mô-đun “Tìm hiểu Chương trình giáo dục phổ thông mới” nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ thực hiện chương trình GDPT mới.