Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Không để sơ suất nhỏ ảnh hưởng kỳ thi tốt nghiệp THPT

NDO -

Ngày 4-7, tại Hà Nam, Đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) do Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tỉnh Hà Nam. 

Toàn cảnh buổi làm việc của Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ với Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tỉnh Hà Nam. (Ảnh: Quỳnh Trang)
Toàn cảnh buổi làm việc của Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ với Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tỉnh Hà Nam. (Ảnh: Quỳnh Trang)

Phân công cán bộ làm thi không lặp lại năm trước

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tỉnh Hà Nam, Đinh Thị Lụa cho biết: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tỉnh Hà Nam dự kiến có 33 điểm thi, 368 phòng thi với tổng số thí sinh đăng ký dự thi là 8.603 thí sinh. Dự kiến, số lãnh đạo điểm thi, thanh tra, thư ký, cán bộ coi thi, cán bộ giám sát phòng thi là 1.271 người. Trên cơ sở kết quả tổ chức và triển khai kỳ thi THPT quốc  gia những năm trước, tỉnh Hà Nam sẽ chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 diễn ra công bằng, khách quan, an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, đáp ứng được yêu cầu và mong mỏi của dư luận nhân dân. 

Theo Phó Giám đốc phụ trách Sở GD-ĐT Hà Nam Phạm Anh Tuấn, việc lựa chọn, phân công cán bộ coi thi, chấm thi được tỉnh Hà Nam đặc biệt quan tâm, bảo đảm những người được lựa chọn có phẩm chất, năng lực tốt. Đối với việc phân công coi thi, tỉnh Hà Nam sẽ thực hiện không chỉ phân công chéo trường mà còn chéo huyện, bảo đảm người được phân công coi thi tại điểm thi năm nay không lặp lại phân công năm trước.

Tổ chức kỳ thi khách quan tạo niềm tin cho nhân dân

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu rõ để chuẩn bị tốt cho kỳ thi, từng đơn vị, từng người tham gia vào kỳ thi phải cố gắng thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ và có sự phối hợp nhịp nhàng. Tổ chức một kỳ thi khách quan, nghiêm túc chính là tạo niềm tin cho nhân dân, công bằng cho học sinh. Bộ trưởng lưu ý Ban Chỉ đạo thi của tỉnh cần có sự phân công, phân nhiệm cụ thể, để từng người biết rõ chức năng, nhiệm vụ; các đơn vị khi cử người tham gia phải là những người có trách nhiệm, chuyên tâm. Sở GD-ĐT được giao là đơn vị thường trực cho Ban Chỉ đạo để điều phối, tư vấn triển khai các nhiệm vụ chứ không phải làm thay các đơn vị khác, vì vậy, Sở GD-ĐT phải làm tốt vai trò cầu nối này. 

Đồng thời, Bộ trưởng đề nghị Sở GD-ĐT cần xây dựng một kế hoạch “tầm soát” để phân công trong Ban Chỉ đạo, trong đó có tiến độ thời gian để làm căn cứ thực hiện, đôn đốc và nhắc nhở. Một việc giao cho một người chịu trách nhiệm, tránh giao 2-3 người cùng một việc dẫn tới không ai chịu trách nhiệm. Việc “tầm soát” cũng sẽ giúp dự báo được những vấn đề có thể xảy ra để phòng ngừa trước, không để xảy ra rồi mới tìm cách khắc phục.

"Dù làm tốt đến mấy nhưng chỉ cần sơ sẩy một chút là hỏng, vì thế quá trình chuẩn bị phải được Ban Chỉ đạo các cấp tiến hành thận trọng, từng bước một. Chúng ta không để vì một sơ suất nhỏ mà ảnh hưởng tới chất lượng của cả kỳ thi", Bộ trưởng nêu rõ.

Năm nay là năm đầu tiên sau khi có kết quả kỳ thi, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức so sánh phổ điểm thi tốt nghiệp với điểm học bạ của học sinh. Đây là cơ hội để các địa phương khẳng định chất lượng giáo dục, song cũng đặt ra vấn đề về sự đánh giá thực chất. Vì vậy, các địa phương cần chỉ đạo các nhà trường thực hiện đánh giá đúng, thực chất kết quả học tập của học sinh.

* Chiều 4-7, tại trụ sở UBND tỉnh Hưng Yên, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo  (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ làm việc với tỉnh về công tác chỉ đạo tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. 

Thực hiện các văn bản chỉ đạo về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành Chỉ thị số 14/CT-CT UBND ngày 26-6-2020 về việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tại tỉnh Hưng Yên; UBND tỉnh ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tỉnh Hưng Yên (Ban Chỉ đạo). 

Ban Chỉ đạo chỉ đạo cơ quan thường trực, các thành viên ban chỉ đạo xây dựng kế hoạch cụ thể chuẩn bị các điều kiện, lực lượng và tổ chức các khâu của kỳ thi theo quy chế và các văn bản hướng dẫn của Bộ GD-ĐT; ban hành lịch công tác của ban chỉ đạo và tổ chức các đoàn kiểm tra các khâu của kỳ thi. Công tác tuyên truyền kịp thời, đầy đủ, chính xác các quy định, thông tin cần thiết và những vấn đề mới trong kỳ thi. Các huyện, thị xã, thành phố thành lập ban chỉ đạo thi cấp huyện và xây dựng kế hoạch của ban chỉ đạo về công tác tham gia phối hợp tổ chức thi. 

Sở GD-ĐT tỉnh Hưng Yên đã tổ chức tập huấn quy chế thi và quán triệt công tác chuẩn bị, tổ chức cho thí sinh đăng ký dự thi, thành lập Hội đồng thi và các ban của hội đồng thi, chuẩn bị lực lượng tham gia tổ chức thi... 

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và các thành viên trong đoàn công tác của Bộ GD-ĐT trao đổi, góp ý một số nội dung: tổ chức ôn tập hiệu quả cho học sinh; lưu ý bảo đảm an toàn các khâu in sao, vận chuyển, lưu trữ đề thi, bài thi; rà soát thiết bị giám sát camera ở các điểm thi, địa điểm in sao đề thi, lưu trữ bài thi; tập huấn nghiệp vụ thi cho lực lượng tham gia làm thi; chú trọng công tác kiểm tra trong kỳ thi; hỗ trợ tâm lý cho học sinh, học sinh khuyết tật…

Bộ trưởng GD-ĐT đánh giá cao những kết quả nổi bật của giáo dục Hưng Yên nói chung và ghi nhận công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tại tỉnh Hưng Yên đến thời điểm này là chu đáo, bám sát sự chỉ đạo, các văn bản hướng dẫn và quy chế. Đồng thời đề nghị, thời gian tỉnh tiếp tục công tác chỉ đạo cả kỳ thi; quan tâm công tác quán triệt sâu rộng cho những người tham gia kỳ thi nắm chắc quy định, quy trình về kỳ thi để phối hợp nhịp nhàng, nghiêm túc trong quá trình tổ chức thi; tránh lơ là, chủ quan trong mọi khâu của kỳ thi. Cung cấp đầy đủ thông tin để phụ huynh học sinh, học sinh yên tâm về kỳ thi; đặc biệt vai trò các thầy cô giáo rất quan trọng tạo sự yên tâm cho học sinh. Tiếp tục làm tốt công tác truyền thông về kỳ thi để đến cán bộ, giáo viên, phụ huynh học sinh, học sinh và toàn xã hội để kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 trên địa bàn đạt kết quả cao.