Bất cập trong xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới

Chương trình giáo dục phổ thông mới (gồm chương trình tổng thể, chương trình môn học và hoạt động giáo dục) được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) triển khai theo Nghị quyết 88/2014/QH13 (Nghị quyết 88) của Quốc hội. Ngày 27-7-2017, Ban chỉ đạo đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông chính thức thông qua Chương trình tổng thể (CTTT), xác định Chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) gồm hai giai đoạn: Giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp. Tuy nhiên, nội dung CTTT cũng như quá trình triển khai còn nhiều bất cập, hạn chế.

Lớp học tạm của Trường phổ thông Dân tộc bán trú THCS Trà Thanh, huyện Tây Trà (Quảng Ngãi). Ảnh: QUÝ TRUNG
Lớp học tạm của Trường phổ thông Dân tộc bán trú THCS Trà Thanh, huyện Tây Trà (Quảng Ngãi). Ảnh: QUÝ TRUNG

Chưa bám sát thực tiễn

Ngay sau khi CTTT chính thức được thông qua, nhiều ý kiến băn khoăn vì điều kiện thực hiện chương trình mới đòi hỏi nhiều, nhưng cơ sở vật chất, giáo viên đang thiếu. Điển hình tại Hà Nội, theo báo cáo của HĐND thành phố tháng 6-2017, vẫn còn thiếu 17 trường tiểu học, 38 trường THCS công lập so với yêu cầu, mục tiêu đặt ra. Trong khi đó, tại tỉnh miền núi Điện Biên, kết thúc năm học 2016-2017, bậc tiểu học vẫn có 641 trong tổng số 3.378 phòng học (chiếm 18,9%) là phòng học tạm. Như vậy, khi trường lớp còn thiếu nhiều thì việc quy định bắt buộc hoạt động trải nghiệm và trải nghiệm, hướng nghiệp ở giai đoạn giáo dục cơ bản (tiểu học và THCS) lên đến 105 tiết/năm học sẽ khá khó khăn. Lý giải vấn đề trên, đại diện Bộ GD và ĐT cho biết, mặc dù quy định 105 tiết/năm nhưng trong đó có khoảng 70 tiết/năm dành cho các hoạt động giáo dục giống như chương trình hiện nay, gồm: Sinh hoạt dưới cờ; sinh hoạt lớp; sinh hoạt đội… Như vậy, nội dung mới trong hoạt động trải nghiệm và hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp chỉ chiếm khoảng 35 tiết/năm, nhằm góp phần khắc phục lối giáo dục nặng về lý thuyết lâu nay.

Tuy nhiên, tại buổi tổng kết năm học 2016-2017 và triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018 được Bộ GD và ĐT tổ chức ngày 21-8 vừa qua, ý kiến từ các địa phương đều băn khoăn về các điều kiện bảo đảm khi thực hiện chương trình mới. Giám đốc Sở GD và ĐT Nghệ An Nguyễn Thị Kim Chi cho rằng, với cơ sở vật chất (nhất là vùng núi), đội ngũ giáo viên như hiện nay khó có thể triển khai được CTGDPT mới. Trong khi đó, Giám đốc Sở GD và ĐT Kiên Giang Nguyễn Thị Minh Giang thì băn khoăn, với thực tế hiện nay, thì ngay cả việc lùi một năm cũng chưa chắc đã đáp ứng các điều kiện để triển khai CTGDPT mới. Giáo sư, Viện sĩ (GS,VS) Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, Nghị quyết 88 đưa ra ba yêu cầu chương trình mới phải phù hợp: Điều kiện thực tiễn về đội ngũ giáo viên; cơ sở vật chất, kỹ thuật của nhà trường; khả năng tiếp thu của học sinh, bởi đó là kinh nghiệm xương máu được rút ra từ những thất bại trong các lần làm chương trình trước đây. Vì vậy, cần đáp ứng được ba yêu cầu trên thì mới có thể yên tâm CTGDPT thật sự phù hợp thực tiễn và đáp ứng được yêu cầu nghị quyết Trung ương, Quốc hội và quyết định của Chính phủ.

Đối với giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (THPT), dự thảo CTTT công bố công khai lần đầu lấy ý kiến dư luận xã hội, tháng 8-2015, môn Lịch sử bị xếp vào nhóm môn tự chọn, cho nên dư luận xã hội phản ứng gay gắt. Nghị quyết số 113/2015/QH13, sau đó khẳng định “Tiếp tục giữ môn học Lịch sử trong chương trình, sách giáo khoa mới”. Lần công khai dự thảo tiếp theo, môn Lịch sử trở thành môn bắt buộc ở lớp 10 và tự chọn bắt buộc ở lớp 11, lớp 12. Tuy nhiên, khi CTTT chính thức được thông qua, môn Lịch sử lại trở thành môn lựa chọn. GS, TSKH Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: “Những người có trách nhiệm về mặt quản lý và những người được mời tham gia soạn thảo CTTT chưa hiểu hết ý nghĩa môn Lịch sử đối với CTGDPT. Có lẽ những người biên soạn cho rằng, nhiều người không coi trọng cho nên chán, ghét học môn Lịch sử. Nhưng thực tế mọi người không chán, ghét và quay mặt với lịch sử dân tộc; mà là chán ghét kiểu học, kiểu dạy như hiện nay”. Mặt khác, CTTT xây dựng môn Giáo dục thể chất là môn học bắt buộc. Theo lý giải của Bộ GD và ĐT, do Luật Thể dục thể thao quy định việc học giáo dục thể chất trong nhà trường, cho nên môn học này được thiết kế là môn bắt buộc. Tuy nhiên, CTTT định hướng nội dung: “tiếp tục phát triển ở học sinh kỹ năng chăm sóc sức khỏe, vệ sinh cá nhân...”, khiến nhiều chuyên gia giáo dục băn khoăn, giai đoạn định hướng nghề nghiệp nhưng lại giống như dạy trẻ mầm non.

Đáng chú ý, trong số chín môn lựa chọn ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp được chia làm ba nhóm, gồm: Nhóm Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật), nhóm Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và nhóm Công nghệ và nghệ thuật (công nghệ, tin học và nghệ thuật) và yêu cầu học sinh phải chọn đều cả ba nhóm môn học (mỗi nhóm ít nhất một môn). Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên CTGDPT, việc yêu cầu học sinh phải chọn ít nhất một môn trong mỗi nhóm nhằm giúp học sinh không “học lệch” quá nhiều ở nhà trường phổ thông. Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia lo ngại, với cách chia như trên sẽ dẫn đến việc lặp lại cách phân ban, học dàn trải mà ngành giáo dục đã thất bại ở chương trình hiện tại.

Cần tránh nguy cơ chồng chéo

Quá trình tìm hiểu về triển khai đổi mới CTGDPT, chúng tôi nhận thấy, tháng 8-2016, sau khi có hiệp định vay vốn của nước ta với Ngân hàng Thế giới, Bộ GD và ĐT đã triển khai dự án “Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông”, gồm bốn thành phần. Trong đó, thành phần một và hai là những nhiệm vụ: Xây dựng, thử nghiệm chương trình; biên soạn thử nghiệm một bộ sách giáo khoa; thẩm định chương trình và thẩm định sách giáo khoa; tập huấn, bồi dưỡng giáo viên để thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới; cung cấp sách giáo khoa cho các trường miền núi, hải đảo, dân tộc ít người, học sinh khuyết tật… Các thành phần còn lại là quản lý dự án, hỗ trợ phát triển CTGDPT đánh giá phân tích kết quả học tập, để liên tục cải tiến chương trình và chính sách giáo dục phổ thông… Dự án có tổng kinh phí là 80 triệu USD nhưng có những thành phần chưa được thể hiện rõ trong khái toán. Trong đó, dự án sẽ chi 4,5 triệu USD để cung cấp khoảng 50 nghìn bộ sách giáo khoa cho học sinh diện hộ nghèo, miền núi, hải đảo, dân tộc ít người. Như vậy, 4,5 triệu USD tương ứng gần 100 tỷ đồng, nếu tính theo cách thông thường thì trung bình, mỗi bộ sách giáo khoa có giá khoảng hai triệu đồng. Trong khi một bộ sách giáo khoa hiện tại của học sinh khoảng 200 nghìn đồng. Lý giải vấn đề trên, Bộ GD và ĐT cho biết, mỗi bộ sách giáo khoa trong dự án được khái toán cho 12 lớp, do đó sẽ được tính khoảng 2 triệu đồng/bộ/12 lớp; trong quá trình triển khai cung cấp sách giáo khoa sẽ được thực hiện theo phương thức đấu thầu theo quy định. Tuy nhiên, trong các văn bản triển khai hiện tại chưa thể hiện rõ, cho nên Bộ GD và ĐT cần rõ ràng về việc khái toán bộ sách giáo khoa được tính cho 12 lớp (từ lớp 1 đến lớp 12), tránh gây nên những băn khoăn trong dư luận.

Bên cạnh chi phí về cung cấp sách giáo khoa, Dự án Hỗ trợ đổi mới GDPT xác định “xây dựng Trung tâm quốc gia phát triển bền vững chất lượng giáo dục phổ thông và Trung tâm khảo thí ngoại ngữ” với kinh phí hơn 18,5 triệu USD. Điều đó gây nên những lo ngại về nguy cơ chồng chéo với Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020 (Đề án ngoại ngữ 2020). Theo đại diện Bộ GD và ĐT, Đề án ngoại ngữ 2020 không có hoạt động nào trùng với việc đầu tư xây dựng Trung tâm khảo thí ngoại ngữ quốc gia. Mặc dù vậy, việc đã có Đề án ngoại ngữ 2020, nhưng lại tiếp tục xây dựng Trung tâm khảo thí ngoại ngữ quốc gia, mà không phải là trung tâm khảo thí cho những môn học khác, là vấn đề cần được cân nhắc.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày 30-9-2016, Bộ GD và ĐT ký quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu 18 tháng thuộc Dự án giáo dục THCS vùng khó khăn nhất, giai đoạn 2, trong đó có nhiệm vụ tuyển đơn vị biên soạn sách giáo khoa với số tiền 1,72 triệu USD. Nhiệm vụ trên không hợp lý vì chồng chéo với Dự án Hỗ trợ đổi mới GDPT. Do đó, ngày 4-7-2017, Bộ GD và ĐT ban hành kế hoạch điều chỉnh hoạt động biên soạn sách giáo khoa trên thành hoạt động biên soạn tài liệu hướng dẫn dạy học các môn học và tài liệu giáo dục địa phương theo CTGDPT đối với các khu vực khó khăn nhất. Tuy nhiên, Dự án hỗ trợ đổi mới GDPT đã có nội dung biên soạn tài liệu hướng dẫn dạy học theo CTGDPT mới, cho nên Bộ GD và ĐT cần rà soát lại các dự án.

Có thể nói, với quá trình triển khai xây dựng CTGDPT của ngành giáo dục cho thấy nhiều bất cập. Điều đó đòi hỏi Bộ GD và ĐT cần rà soát toàn bộ quá trình và nội dung triển khai. Cần xây dựng chương trình vừa bảo đảm chất lượng, hiệu quả đồng bộ, không để xảy ra chồng chéo, hạn chế tối đa nguy cơ lãng phí có thể xảy ra.