Bất cập trong quy hoạch mạng lưới trường học ở Hà Nội

Từ năm 2011 đến nay, TP Hà Nội dành gần 28 nghìn tỷ đồng để sửa chữa, xây dựng 881 trường học, trong đó xây mới 250 trường, nhưng mạng lưới trường học trên địa bàn vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Giờ học tại Trường THCS Thái Thịnh, quận Ðống Ða (Hà Nội). Ảnh: ÐĂNG ANH
Giờ học tại Trường THCS Thái Thịnh, quận Ðống Ða (Hà Nội). Ảnh: ÐĂNG ANH

Nhiều khu vực đông dân cư, khu đô thị mới vẫn thiếu trường, thiếu lớp, sĩ số học sinh bình quân mỗi lớp quá cao. Những bất cập này đòi hỏi cần điều chỉnh, sửa đổi và thực hiện quy hoạch mạng lưới trường học phù hợp, hiệu quả hơn.

Thiếu trường công lập tại khu vực nội thành

Tháng 4-2012, HÐND thành phố Hà Nội ban hành Nghị quyết 05/2012/NQ-HÐND thông qua Quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên, chuyên nghiệp Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch mạng lưới trường học TP Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Sau 5 năm thực hiện, thành phố đã đạt và vượt chín trong số 16 tiêu chí. Tuy nhiên, một tiêu chí rất quan trọng là sĩ số bình quân học sinh trên một lớp, số lớp trên một trường chưa đạt và dự báo, rất khó để đạt đúng thời hạn đã đề ra.

Theo quy hoạch mạng lưới trường học, mỗi xã, phường, thị trấn, khu đô thị mới phải có ít nhất một trường mầm non, một trường tiểu học, một trường THCS công lập. Sĩ số trung bình từ 30 đến 35 học sinh/lớp. Khu vực có từ 30 đến 50 nghìn dân có một trường THPT công lập, sĩ số trung bình 40 học sinh/lớp. Thế nhưng, nhiều năm qua, tại các trường trong khu vực nội thành, sĩ số học sinh trung bình luôn từ 50 đến 60 học sinh/lớp.

Ðiển hình như quận Cầu Giấy, hiện có 14 trường mầm non công lập, sĩ số bình quân hơn 60 trẻ/lớp, 11 trường tiểu học có sĩ số bình quân 56 học sinh/lớp. Quận Hoàng Mai có 21 trường mầm non bình quân 47 trẻ/lớp, 17 trường tiểu học công lập, bình quân gần 52 học sinh/lớp... Bình quân diện tích đất/học sinh cũng rất thấp so với quy định. Ðáng chú ý, tất cả các khu đô thị mới, khu chung cư đã đi vào hoạt động trên địa bàn quận chưa xây dựng được một trường công lập nào, trong khi mỗi khu đô thị đi vào hoạt động lại thu hút thêm khoảng 20 nghìn cư dân mới, tương đương số dân của một phường.

Nguyên nhân của tình trạng nêu trên là do công tác quy hoạch chưa sát thực tế. Quy hoạch về phát triển giáo dục Thủ đô và Quy hoạch mạng lưới trường học được lập theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 do Chính phủ phê duyệt vào năm 2011. Theo đó, quy hoạch chung dự báo tổng dân số Hà Nội tới năm 2020 vào khoảng 7,3 đến 7,9 triệu người. Trong đó, dân số tại khu vực nội đô sẽ giảm, còn dân số tại các đô thị vệ tinh, các huyện sẽ tăng lên. Tuy nhiên, trên thực tế, dân số Hà Nội đã tăng với tốc độ nhanh, hiện là 7,7 triệu người, tập trung chủ yếu ở khu vực nội thành như các quận: Long Biên, Hà Ðông, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Cầu Giấy…

Theo quy chuẩn xây dựng Việt Nam năm 2008, mỗi phường không quá 20 nghìn người, nhưng hiện nhiều phường đã có 30 đến 40 nghìn dân như phường: Ðịnh Công, Hoàng Liệt, Ðại Kim (quận Hoàng Mai), phường Mai Dịch, Yên Hòa, Trung Hòa (quận Cầu Giấy)… Trong khi đó, dân số tại các huyện, thị xã lại không biến động nhiều. Trưởng Ban Pháp chế HÐND thành phố Hà Nội Nguyễn Hoài Nam cho rằng: Sự bất hợp lý trong quy hoạch trường học dẫn đến tình trạng nơi thiếu trường, nơi thừa chỗ học. Tổng số lượng trường học trên địa bàn thành phố thì không thiếu, nhưng nội thành là khu vực cần đầu tư trường lại không xây, mà chúng ta ưu tiên phát triển hệ thống trường học mới ở khu vực ngoại thành. Ở khu vực này, một số trường chỉ cần cải tạo, sửa chữa là được, nhưng lại được xây mới rồi sử dụng không hết, gây lãng phí.

Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô cũng chỉ ra, quỹ đất của các khu cụm công nghiệp, trụ sở cơ quan… thuộc diện phải di dời khỏi khu vực nội đô sẽ dành để xây dựng các trường phổ thông và mầm non. Thế nhưng thời gian qua, Hà Nội chưa nhận được quỹ đất này để thực hiện xây dựng trường. Thậm chí, một số cơ sở sản xuất, nhà máy trên địa bàn các quận Thanh Xuân, Hai Bà Trưng... sau khi di dời đều được cấp phép xây dựng các khu đô thị, gây gia tăng áp lực dân số. Việc thu hồi quỹ đất này để xây dựng trường theo quy hoạch được duyệt đã không thực hiện được.

Rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch

Theo Nghị quyết 05/2012/NQ-HÐND thì từ nay tới năm 2020, Hà Nội còn thiếu 314 trường công lập. Tuy nhiên, đoàn giám sát của HÐND thành phố Hà Nội cho rằng, cần rà soát việc triển khai thực hiện Nghị quyết, chỉ đúng nơi nào cần, nơi nào thiếu trường và triển khai xây dựng cho phù hợp với nhu cầu. Thực tế thời gian qua cho thấy, do dân số tăng nhanh, số học sinh tăng, việc đầu tư hệ thống trường học chưa trúng, chưa đủ, cho nên không đáp ứng được yêu cầu.

Từ năm 2011 tới nay, số học sinh đã tăng 400 nghìn em, trong khi mới có thêm 250 trường học, quy mô trung bình 17 lớp/trường, mỗi lớp có 40 chỗ thì số trường học đó chỉ đáp ứng chỗ học cho 170 nghìn học sinh. Chưa kể, việc tăng dân số không đồng đều ở các khu vực. Nhiều khu vực trong nội thành có quy mô dân số lớn cần tới ba, bốn trường. Ngược lại, như ở huyện Ba Vì, theo quy hoạch sẽ có thêm hai trường THPT nhưng dân số không tăng thì liệu có cần thiết?

Ông Hoàng Trọng Quyết, thành viên Ban Văn hóa - Xã hội HÐND thành phố Hà Nội cho rằng, các giải pháp liên quan tới quỹ đất cần quyết liệt, mang tính chất pháp quy, yêu cầu trách nhiệm cao của chính quyền quận, huyện và chủ đầu tư. Nhiều chủ đầu tư chỉ lo xây nhà để bán mà không quan tâm tới việc xây dựng trường học, hoặc chỉ phát triển mô hình trường dân lập. Do đó, thành phố cần giám sát việc các khu đô thị dành quỹ đất phù hợp để xây dựng trường học, yêu cầu tiến độ xây trường song song với xây nhà. Nếu chủ đầu tư không triển khai được dự án trường học thì cần kêu gọi xã hội hóa hoặc thành phố thu hồi đất để đầu tư xây dựng trường công lập.

Chủ tịch HÐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị UBND thành phố Hà Nội và các sở, ngành, địa phương phải chỉ rõ được "nơi thừa, nơi thiếu" để điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, phù hợp thực tiễn và nhu cầu của người dân. Các địa phương phải căn cứ trên quy mô dân số, tính toán, chỉ ra địa điểm, quỹ đất phù hợp để xây dựng trường, đề xuất thành phố cho phép và bố trí vốn đầu tư xây dựng.

Sở Xây dựng nghiêm túc rà soát lại quy hoạch các khu đô thị, chỉ rõ bao nhiêu khu đã xây dựng trường học, bao nhiêu khu chưa xây; có giải pháp với những khu đã đi vào hoạt động nhưng thiếu trường học. Ðồng thời, làm rõ trách nhiệm của từng sở, ngành trong thực hiện quy hoạch; hoàn thiện các cơ chế, chính sách để phát triển giáo dục. Mục tiêu trong thời gian tới sẽ phát triển hệ thống giáo dục, mạng lưới trường lớp của Thủ đô cả về quy mô và chất lượng, bảo đảm cơ cấu hợp lý, từng bước hiện đại hóa, chuẩn hóa đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân.