Bảo đảm cơ sở vật chất trường học ở Thừa Thiên - Huế

Năm học 2019-2020, tại Thừa Thiên - Huế, nhiều ngôi trường mới được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp hơn từ ngân sách cùng nhiều nguồn kinh phí xã hội hóa. Điều này góp phần bảo đảm đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ tốt dạy và học trong năm học mới.

Đến cuối năm học 2018-2019, toàn huyện A Lưới có tám trường học cần nâng cấp, sửa chữa do hầu hết các phòng học đều bị bong tróc vôi vữa; hệ thống tường rào, sân trường, cửa và khung sắt hư hỏng; mái nhà, cột kèo mục nát. Vì vậy, ngành giáo dục huyện A Lưới được đầu tư hơn sáu tỷ đồng để nâng cấp sửa chữa các công trình, như: bếp ăn bán trú, phòng học, nhà vệ sinh, trang trí trường học, xây dựng khu vui chơi, nhà để xe… góp phần nâng cao chất lượng cơ sở vật chất (CSVC), bảo đảm giảng dạy và học tập, phục vụ kế hoạch xây dựng các trường đạt chuẩn quốc gia trong năm 2019. Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) huyện Trần Duy Nguyên cho biết: CSVC trường lớp ở A Lưới đang ngày một ổn định, đáp ứng nhu cầu học tập của con em trên địa bàn, từng bước đáp ứng phòng học để sớm đạt mục tiêu 100% học sinh cấp tiểu học được học hai buổi/ngày.

Từ cuối năm 2018 đến nay, nhiều trường trên địa bàn huyện Quảng Ðiền được đầu tư xây dựng trường lớp, phòng chức năng, trang thiết bị, chỉnh trang sân trường, tường rào, sân bóng… nhằm nâng cao chất lượng dạy và học. Nhờ đó, năm học vừa qua, trên địa bàn huyện có thêm bốn trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Tuấn Anh, từ cuối năm 2018 đến nay, toàn huyện đầu tư hơn 100 tỷ đồng xây dựng bảo đảm CSVC cho năm học mới. Ngoài nguồn ngân sách nhà nước, các trường huy động nguồn kinh phí khác từ ngân sách địa phương và xã hội hóa để đầu tư trang thiết bị dạy và học; xây dựng cổng trường, tường rào, quy hoạch sân, đường nội bộ, xây mới nhà vệ sinh, nhà xe, bếp ăn, làm nhà vòm, mái che,... với tổng kinh phí hơn 17,5 tỷ đồng. Nhiều trường tranh thủ mọi nguồn lực tài trợ để tu sửa, chống xuống cấp, quét vôi phòng học, phòng chức năng, công trình kiến trúc; tu sửa, bảo dưỡng trang thiết bị phục vụ dạy và học với tổng kinh phí hơn 10,5 tỷ đồng.

Ðại diện Sở GD và ÐT tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, để chuẩn bị cho năm học 2019 - 2020, ngân sách tỉnh cấp cơ bản bảo đảm cho hoạt động giáo dục trên địa bàn. Toàn tỉnh có 585 trường học từ mầm non đến phổ thông trung học với 266.178 học sinh theo học. Việc đầu tư sửa chữa, xây dựng trường lớp và các hạng mục sân tường rào, công trình vệ sinh tiếp tục được quan tâm. Năm 2019, ngành giáo dục tỉnh được đầu tư 105 tỷ đồng, trang thiết bị dạy học mua sắm kịp thời, ngày càng hiện đại đã đáp ứng nhu cầu dạy và học.

Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của Sở GD và ÐT, toàn tỉnh còn 287 phòng học xuống cấp (chiếm tỷ lệ 4,08%); tỷ lệ học sinh học hai buổi/ngày bậc tiểu học mới đạt 89% do vẫn còn thiếu 208 phòng học. Ngoài ra, có 382 phòng học bộ môn (chiếm tỷ lệ 26%) chưa đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ GD và ÐT và 505 nhà vệ sinh (chiếm tỷ lệ 16,8%) chưa đạt chuẩn, cần cải tạo, sửa chữa…

Giám đốc Sở GD và ÐT Nguyễn Tân cho rằng: Các cơ sở giáo dục cần chủ động lập đề án, bố trí nguồn lực để xóa bỏ phòng học xuống cấp và đầu tư phòng học bộ môn đạt chuẩn. Ngành giáo dục tỉnh đề nghị các địa phương chú trọng việc quy hoạch sử dụng đất dành cho giáo dục, xây dựng trường khang trang trên nguyên tắc gom các điểm trường nhỏ lẻ lại, tránh tình trạng thiếu trường, lớp học, bảo đảm các điều kiện phục vụ dạy và học tốt nhất. Ngoài ra, các địa phương cần huy động nguồn lực, lồng ghép nguồn vốn, phát huy sức mạnh tổng hợp trong việc thực hiện xã hội hóa giáo dục.