Luyện thi đại học: "Ảo" nhộn nhịp, "thực" thưa thớt

Lò luyện "thực" mất mùa

"Căn" theo các thông báo chiêu sinh mở lớp luyện trên báo, chúng tôi làm một chuyến khảo sát các lò luyện thi có tiếng ở TP Hồ Chí Minh.

Thực tế thật đáng buồn cho các "chủ" lò: số thí sinh đăng ký luyện quá ít. Trung tâm luyện thi ĐH số 45 Đinh Tiên Hoàng (Quận 1) ra Tết năm ngoái có khoảng 10 lớp luyện nhưng năm nay dự kiến chỉ có... hai lớp. Lò luyện thuộc hàng uy tín trong khuôn viên ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh trước đây trung bình có 20 lớp thì nay dự kiến cũng chỉ mở 5-6 lớp. Số lượng thi sinh đăng ký giảm mạnh, có nơi giảm 20-50%.

Trung tâm luyện thi An pha ngay từ đợt khai giảng tháng 9-2007 đã giảm 80%, đợt ra Tết này cả bốn cơ sở đang đếm thí sinh... trên đầu ngón tay. Lỗ nặng do không có người học đang là thách thức với trung tâm này.

Tình trạng sụt giảm thí sinh đăng ký luyện thi cũng diễn ra phổ biến với các trung tâm khác như ĐH Kinh tế, ĐH Nông lâm, TT luyện thi ĐH QG TP Hồ Chí Minh... Một số lò luyện tư giảm từ 50-80% lượng sĩ tử và nhiều nơi ra Tết đến giờ vẫn chưa có thí sinh đăng ký học!

Theo chủ nhân một số lò luyện thì việc giảm lượng luyện thi có nguyên nhân đầu tiên xuất phát từ việc Bộ GD-ĐT thay đổi chủ trương thi cử, như thay đổi cách thức thi. Đề thi ĐH ngày càng sát với chương trình học phổ thông khiến các học sinh chỉ cần tập trung học kỹ kiến thức ngay trong năm học là đủ. Việc xuất hiện nhiều môn thi trắc nghiệm trong mùa tuyển sinh 2008 cũng "bắt buộc" người học phải luyện toàn diện và học thật sự chứ không thể luyện tủ.

Ngoài ra, thông tin về đề án đổi mới thi và tuyển sinh theo hướng giảm từ hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và ĐH xuống còn một kỳ thi duy nhất làm nhiều thí sinh lo lắng, nên ngay sau khi không trúng tuyển ĐH, CĐ năm trước, nhiều học sinh đã chọn học trung cấp chuyên nghiệp... để sau này liên thông lên ĐH. Vì thế, số lượng TS thi lại năm hai (là đối tượng chính của các lò luyện ra Tết) cũng hạn chế. Bên cạnh đó, những thay đổi về cách tổ chức học ở bậc THPT cũng làm ảnh hưởng đến việc đến lò luyện thi của học sinh 12. Nhiều trường tổ chức học 2 buổi/ngày hoặc tổ chức lớp luyện thi ĐH ngay trong trường, vì thế, HS lớp 12 không có thời gian để đến lò ngoài. Ấy là còn chưa kể sự ra đời của các trường ĐH ở các địa phương đã hút thí sinh học luyện thi và thi vào các ĐH địa phương, giảm lượng thí sinh đổ dồn lên TP Hồ Chí Minh.

"Ảo" lên ngôi

Trong lúc các lò luyện truyền thống đang rơi vào cảnh chợ chiều thì trái ngược lại, phương thức luyện thi qua các kênh ảo lại hấp dẫn thí sinh. Mấy năm trước, nếu như trên mạng chỉ có www.truongthi.com.vn (có phí), www.edu.net.vn có phần đề thi đáp án tuyển sinh ĐH (miễn phí), www.tuoitre.com.vn/tuyensinh (miễn phí) thì nay, lò luyện ảo nhan nhản. Mạng ôn thi trực tuyến www.quickhelp.vn do TS toán học Lê Thống Nhất và công ty đào tạo phát triển CNTT Hà Nội cùng nhiều giảng viên uy tín khác hiện có khá đông sĩ tử theo học, cho dù lò này có thu phí hẳn hoi.

Tiếp đó là các lò miễn phí giúp luyện đủ tám môn thi như www.onthi.com; www.onbai.com; www.hocmai.vn... Ngoài ra, các trang web chuyên về từng môn cũng khá hút học sinh đăng ký thành viên học tập như http://www.hoahocphothong.com/; www.hocngoaingu.com.vn; www.ephisicvn.com; www.toanthpt.net; www.sinhhocvietnam.com...

CNTT và Internet đã phủ sóng hầu hết các trường THPT trên cả nước đã và đang trở thành điều kiện tốt nhất cho việc tự học trực tuyến một cách chủ động. Người học không phải cơm đùm gạo bới lên thành phố trọ luyện thi mà vẫn có thể luyện thi với chất lượng cao qua mạng ngay tại nhà, tại địa phương. Lợi thế khác của các lò luyện ảo là chi phí khá rẻ.

Chẳng hạn như để trở thành thành viên của lớp học trực tuyến của mạng Quickhelp, học sinh chỉ cần khai báo thông tin cá nhân và nhập mã qua tin nhắn. Mệnh giá nộp qua tin nhắn khá rẻ với hai loại thẻ 15.000 đồng và 30.000 đồng. Hệ thống tự động trừ tiền tương ứng với thời gian học. 1 block (tương ứng với 1 phút) có giá 33 đồng, nếu downloadvideo bài giảng thi 2000 đồng. Các học sinh vùng sâu vùng xa có thể thành lập một nhóm học trực tuyến sử dụng mạng Internet tại các điểm Bưu điện Văn hóa xã hoặc góp tiền trang bị máy tính, modem, điện thoại v.v...

Trịnh Ngọc Bình (một thí sinh đang luyện thi với Quickhelp) cho biết: "Chi phí trên tính ra còn rẻ hơn so với các khoản chi phí cộng lại như tiền đi lại tàu xe, tiền thuê nhà trọ, tiền ôn thi và chi phí sinh hoạt ở thành phố. Cái lợi lớn nhất là mình được học các giáo viên giỏi, có uy tín, có chất lượng của các trường đại học và không bị mất tiền oan ở các điểm ôn thi trực tiếp kém chất lượng - điều mà hiện nay nhiều học sinh đang gặp phải. Ngoài ra, dù học ảo nhưng học sinh vẫn có cơ hội giao lưu trao đổi bài vở với thầy, với bạn bè khác như... thực. Chỉ cần có ý tự học, luyện thi ảo hiệu quả hơn rất nhiều".