Xây dựng sản phẩm du lịch sau đại dịch

Chịu nhiều tác động tiêu cực từ dịch Covid-19, ngành du lịch cần sớm chuẩn bị cho sự phục hồi và phát triển sau dịch. Trong đó có việc xây dựng các sản phẩm du lịch, gia tăng sức đề kháng cũng như khả năng thích ứng với các thay đổi về xu hướng, nhu cầu du lịch và “kích hoạt” tư duy sáng tạo trong kinh doanh du lịch.

Tại tọa đàm “Tư duy đột phá cho du lịch hậu corona”.
Tại tọa đàm “Tư duy đột phá cho du lịch hậu corona”.

Theo các chuyên gia du lịch, sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội, nhu cầu được đi du lịch trở lại của người dân sẽ tăng cao hơn, nhưng thay vì tự do lựa chọn những điểm đến theo sở thích như trước, du khách sẽ để tâm hơn đến yếu tố an toàn. Nắm bắt được sự thay đổi trong nhu cầu của du khách chính là cách để các doanh nghiệp du lịch có thể thiết kế những gói sản phẩm phù hợp, giúp du khách yên tâm về tâm lý và thoải mái khi trải nghiệm dịch vụ. Ðây cũng là cách giúp doanh nghiệp thích ứng trong tình hình mới. Giám đốc điều hành Công ty Lux Travel Ngô Tiến Ðức cho biết: Trước ảnh hưởng của đại dịch, khách sẽ có sự thay đổi về cả thói quen tiêu dùng, ăn uống và mua sắm. Do khả năng tài chính bị hạn chế hơn cho nên những lựa chọn du lịch sẽ hướng đến tiêu chí tiết kiệm với những dịch vụ có giá rẻ. Vấn đề sức khỏe, an toàn được đặt lên hàng đầu khiến du khách cũng có xu hướng lựa chọn những điểm đến có đồ ăn bảo đảm, bổ dưỡng, tránh tụ tập đông người. Các hình thức mua sắm lại hướng đến hình thức mua bán trực tuyến thay vì đến tận nơi như trước. Ðiều này đòi hỏi các doanh nghiệp du lịch phải thay đổi về loại hình, cấu trúc sản phẩm du lịch cũng như cách vận hành, phục vụ du khách. Chẳng hạn, thay vì để khách chấm chung một bát gia vị theo thói quen của người Việt như trước, giờ doanh nghiệp cần bố trí thành những suất ăn cá nhân riêng. Các hoạt động sinh hoạt tập thể (team building) cũng cần có sự tính toán lại trong tổ chức để bảo đảm khoảng cách an toàn…

Nhận định về những hình thức du lịch phổ biến sau dịch, PGS, TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Ðại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: Sau đại dịch sẽ là thời điểm lên ngôi của du lịch cá nhân, du lịch theo gia đình, theo những nhóm nhỏ để hạn chế sự tập trung đông người. Theo đó, các hình thức du lịch được lựa chọn phổ biến sẽ là du lịch sức khỏe, du lịch nghỉ dưỡng ở những nơi có không gian tương đối độc lập và không phải di chuyển nhiều. Do đó, các doanh nghiệp du lịch cần tính đến xây dựng và cung ứng những sản phẩm du lịch nội địa theo hướng này để phục vụ du khách. Ðồng thời, kênh kinh doanh online càng cần phải đẩy mạnh để đáp ứng xu hướng mua hàng trực tuyến ngày càng tăng… Từ đại dịch này, các doanh nghiệp du lịch cần tính đến bài toán nên có một quỹ dự phòng riêng dành cho khủng hoảng. Ngành du lịch cũng cần chuẩn bị một quỹ dự phòng lớn để có nguồn kinh phí khắc phục rủi ro trong khủng hoảng.

Mới đây, để tìm cách tháo gỡ những khó khăn, thách thức cho du lịch hậu Covid-19, Liên hiệp khoa học phát triển du lịch bền vững (STDe) đã tổ chức chương trình tọa đàm "Tư duy đột phá cho du lịch hậu corona". Trên cơ sở phân tích những xu hướng du lịch sau đại dịch, STDe đã mạnh dạn đề xuất một sản phẩm du lịch hoàn toàn mới mà các doanh nghiệp có thể tổ chức ngay mang tên "Tour du lịch hậu corona". Tiếp cận bằng tư duy sáng tạo, tua du lịch được xây dựng từ chính những "chất liệu" trong mùa dịch nhằm giúp du khách tìm thấy sự bình tĩnh, lạc quan và thái độ sống tích cực trước những thách thức, cam go của đại dịch Covid-19 cũng như nhiều biến động thiên nhiên, xã hội khác. Theo đó, du khách sẽ được tham gia loại hình du lịch cách ly ở những khu du lịch, nhà nghỉ độc lập, nhà nghỉ nông thôn, khu du lịch sinh thái… để trải nghiệm cuộc sống cách ly trong đại dịch với nhiều hoạt động tự cung tự cấp, theo dõi sức khỏe, tìm hiểu về vi-rút corona… Du khách cũng được sử dụng công nghệ 4.0 để tham quan bệnh viện dã chiến và tìm hiểu cuộc chiến đấu với tử thần của các anh hùng áo trắng, tìm hiểu về những tấm gương con người tỏa sáng trong đại dịch. Ðồng thời, được thưởng thức những món ăn đặc biệt giúp tăng cường sức khỏe phòng, chống vi-rút, được học cách kết nối và đối thoại với thế giới đồ vật chung quanh, học cách tự sáng tạo các hoạt động vui chơi giải trí trong nhà, học cách nấu ăn, chơi đàn, vẽ tranh, làm đồ thủ công (handmade), tham gia các điệu nhảy corona và các trò giải trí hài hước, thú vị chỉ có trong đại dịch…

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, đây là sản phẩm du lịch mang tính sáng tạo và thực tiễn, cũng không tốn quá nhiều chi phí để triển khai. Không chỉ áp dụng được với du khách trong nước, tua du lịch này được dự báo còn có sức hấp dẫn cao với du khách nước ngoài, có thể áp dụng khi du lịch được đón khách quốc tế trở lại. Bởi với thế giới, Việt Nam đang là tấm gương về phòng, chống dịch, nhiều du khách quốc tế cũng tò mò muốn được tìm hiểu về cách thức đẩy lùi dịch bệnh của Việt Nam. Ðây cũng là cơ hội tốt để quảng bá và lan tỏa về tình đoàn kết, tinh thần kiên cường, bất khuất, truyền thống văn hóa của người Việt Nam tới bạn bè quốc tế…