Tổng giá trị doanh thu dịch vụ tại Đà Lạt đạt hơn 61 nghìn tỷ đồng

NDO -

Du lịch, dịch vụ được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, quyết định sự tăng trưởng GRDP của thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), với tỷ trọng 67,5% trong cơ cấu kinh tế. Chiều 30-7, UBND thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) cho biết, tổng giá trị doanh thu dịch vụ trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2015-2020, đạt 61.649 tỷ đồng. 

Dịch vụ xe đạp nước trên hồ Xuân Hương - Đà Lạt hấp dẫn du khách.
Dịch vụ xe đạp nước trên hồ Xuân Hương - Đà Lạt hấp dẫn du khách.

Những năm gần đây, Đà Lạt được các tạp chí, tổ chức du lịch uy tín trên thế giới bình chọn là một trong những điểm du lịch hấp dẫn, là thành phố đáng đến, đáng sống của thế giới. Năm 2017, Đà Lạt được Hiệp hội các nước ASEAN trao giải thưởng “Thành phố bền vững về môi trường ASEAN”, sau đó một năm tiếp tục được tôn vinh “Thành phố du lịch sạch ASEAN”. 

Theo thống kê, lượng du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng hằng năm tại thành phố ngàn hoa tăng hơn 9%. Năm 2019, Đà Lạt thu hút hơn 6,3 triệu lượt du khách, trong đó khách quốc tế hơn 14%. Hiện thành phố có hơn 2.130 cơ sở lưu trú, với 37 khách sạn từ ba đến năm sao, 348 khách sạn từ một đến hai sao, hơn 600 khách sạn đạt chuẩn và nhà nghỉ, 150 biệt thự du lịch, với tổng số hơn 26 nghìn phòng; 22 khu, điểm tham quan du lịch, 24 điểm du lịch canh nông và 20 điểm tham quan công trình kiến trúc, danh lam thắng cảnh; 44 đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa và quốc tế.

Nguồn nhân lực phục vụ du lịch và dịch vụ phát triển tốt về chất và lượng, hơn 9.700 lao động. Trong đó, 90% được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ chuyên môn và ngoại ngữ.

Với cơ sở hạ tầng và dịch vụ, các khu tham quan đa dạng, phong phú về sản phẩm du lịch, Đà Lạt hình thành các tuyến du lịch mới, theo hướng mở rộng không gian du lịch, như du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, hội nghị, hội thảo, thể thao mạo hiểm, văn hóa bản địa và nông nghiệp công nghệ cao…