Tiền Giang khai thác thế mạnh các loại hình du lịch

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang, giai đoạn 2016 - 2019, tổng lượng khách du lịch tới tỉnh tăng trung bình 8%/năm. Năm 2019, ước đạt hơn 2,1 triệu lượt khách đến Tiền Giang.

Khách du lịch đi đò tham quan cù lao Thới Sơn, xã Thới Sơn, TP Mỹ Tho (Tiền Giang). Ảnh: NHỰT THƯỜNG
Khách du lịch đi đò tham quan cù lao Thới Sơn, xã Thới Sơn, TP Mỹ Tho (Tiền Giang). Ảnh: NHỰT THƯỜNG

Đặc thù của Tiền Giang là sản phẩm du lịch tham quan sông nước, miệt vườn và nghỉ dưỡng, du lịch tìm hiểu văn hóa bản địa, du lịch cộng đồng. Trong đó, phần lớn khách du lịch có nhu cầu đến những địa điểm nổi tiếng như cù lao Thới Sơn, làng cổ Đông Hòa Hiệp, chợ nổi, làng nghề truyền thống và vườn cây ăn trái, nghe đờn ca tài tử… Để thu hút khách du lịch tới Tiền Giang, các địa phương đã có nhiều nỗ lực trong cải tạo, nâng cấp và đầu tư xây dựng thêm các khu, điểm du lịch, tôn tạo các khu di tích lịch sử - văn hóa. Đồng thời, khai thác các thế mạnh về du lịch sinh thái, sông nước miệt vườn, du lịch văn hóa - di tích lịch sử.

Ngành du lịch Tiền Giang đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hà Tĩnh, tiểu vùng Đồng Tháp Mười… Các sở, ngành phối hợp tổ chức lễ hội văn hóa - du lịch làng cổ Đông Hòa Hiệp, hỗ trợ đơn vị tư vấn hoàn thiện ý kiến đóng góp thẩm định đề án quy hoạch phát triển du lịch cù lao Tân Phong; hỗ trợ đề án TP Mỹ Tho - đô thị thông minh, trong đó có bộ sản phẩm du lịch thông minh như wifi thông minh, cổng thông tin du lịch tỉnh Tiền Giang.

* Bạc Liêu kiểm soát nguồn nước vùng nuôi tôm

Trước tình hình môi trường nước ở một số vùng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn ô nhiễm nặng, UBND tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo lực lượng cảnh sát môi trường và ngành môi trường tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm xả thải trái phép ra môi trường, đồng thời khuyến khích người nuôi tôm áp dụng quy trình nuôi công nghệ cao khép kín, tiết kiệm nước, tái sử dụng nguồn nước.

Tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức các lớp tập huấn nuôi tôm theo mô hình công nghệ cao; hướng dẫn người dân áp dụng quy trình xử lý nước thải, chất thải theo quy định. Cụ thể, ao nuôi phải có hai hệ thống ao xử lý nước thải; lắp đặt hệ thống xử lý nước thải từ lỗ thoát đáy ao và có nơi chứa, xử lý an toàn trước khi thải ra môi trường. Cơ quan chuyên môn cũng khuyến khích các cơ sở nuôi trồng thủy sản tái sử dụng lượng nước thải, bằng cách thả các loại cá, nhuyễn thể hai mảnh vỏ… để cải thiện môi trường nước, hạn chế dịch bệnh.

Gần đây, tại Bạc Liêu, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh phát triển mạnh nhưng việc đầu tư quy trình xử lý nước thải rất thô sơ, xử lý không triệt để, thậm chí xả thải trực tiếp ra sông, kênh, rạch, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Mô hình nuôi này có mật độ và năng suất rất cao, cho nên lượng chất thải xả ra môi trường rất lớn, nếu không được đầu tư xử lý đúng quy trình sẽ gây ô nhiễm vùng nuôi rất nghiêm trọng.

Theo ngành nông nghiệp Bạc Liêu, nguồn nước ô nhiễm, thời tiết bất lợi, con giống nhiễm bệnh là nguyên nhân dẫn đến diện tích tôm nuôi thiệt hại đang có chiều hướng tăng. Theo ghi nhận, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn có hơn 8.000 ha tôm nuôi bị thiệt hại, trong đó diện tích nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh hơn 4.700 ha. Do đó, các biện pháp bảo vệ nguồn nước vùng nuôi trồng thủy sản cần được thực hiện nghiêm ngặt.