Tăng tính chuyên nghiệp trong quảng bá, xúc tiến du lịch

Trong phát triển du lịch, xúc tiến quảng bá được coi là hoạt động then chốt để thu hút du khách trải nghiệm sản phẩm. Nhờ đẩy mạnh hoạt động này, ngành công nghiệp không khói Việt Nam vài năm gần đây đã có những bước tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, công tác xúc tiến, quảng bá vẫn là "điểm nghẽn" của du lịch Việt Nam vì thiếu nguồn lực và tính chuyên nghiệp.

Gian hàng quảng bá du lịch Việt Nam tại Hội chợ du lịch ITB Béc-lin (Ðức) năm 2019. Ảnh: MINH HƯƠNG
Gian hàng quảng bá du lịch Việt Nam tại Hội chợ du lịch ITB Béc-lin (Ðức) năm 2019. Ảnh: MINH HƯƠNG

Đánh giá diện mạo công tác xúc tiến, quảng bá du lịch thời gian qua, Vụ trưởng Vụ Thị trường - Tổng cục Du lịch Ðinh Ngọc Ðức cho rằng, có thể gói gọn trong hai từ: phấn khởi nhưng vất vả. Phấn khởi vì gần đây, với sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước, bộ, ngành và sự vận động của các doanh nghiệp, công tác xúc tiến, quảng bá đã góp phần đưa lượng khách quốc tế và nội địa tăng trưởng tốt, doanh thu và đóng góp vào GDP của ngành du lịch tăng. Nhưng vất vả vì hiện tại, công tác này vẫn thiếu tính chuyên nghiệp, bị hạn chế về kinh phí, con người, nguồn lực. Trong khi các quốc gia trong khu vực chi trung bình từ 60 đến 100 triệu USD cho xúc tiến, quảng bá du lịch thì con số này của nước ta chỉ là hai triệu USD. Ðã thế, chi tiêu lại bị phân tán, xé lẻ, dẫn đến khó có thể thực hiện hoạt động nào cho "ra tấm, ra món".

Bên cạnh đó, theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng, xét về tổng thể, công tác xúc tiến, quảng bá du lịch của Việt Nam chưa được triển khai thực hiện trong chiến lược dài hạn. Qua nhiều năm, hình ảnh nhận diện của du lịch nước ta vẫn chưa rõ ràng. Thí dụ, nói đến Ba-li người ta nhớ ngay đến In-đô-nê-xi-a, nói đến tháp đôi Pê-trô-nát nghĩ ngay đến Ma-lai-xi-a, hay nhắc tới những ngôi đền Ăng-co hình dung ngay tới Cam-pu-chia…; nhưng Việt Nam chưa tạo được hình ảnh du lịch mang tính nhận diện như vậy. Thêm nữa, quảng bá xúc tiến du lịch của nước ta cũng chưa có sự đồng bộ trong chiều dọc từ cơ quan quản lý nhà nước tới địa phương, và trong chiều ngang là giữa ngành du lịch với các ngành khác để tạo nên sức mạnh tổng thể. Ðồng thời, việc triển khai xúc tiến song song giữa sản phẩm du lịch và chương trình quảng bá còn yếu. Ðây chính là những hạn chế cần được khắc phục để nâng cao hiệu quả thu hút khách du lịch.

Mới đây, tại tọa đàm trực tuyến "Quảng bá du lịch: Cần những bước đột phá" do Báo Nhân Dân tổ chức, nhiều giải pháp đã được các chuyên gia đề xuất nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch của nước ta. Ðể giải quyết bài toán kinh phí, các doanh nghiệp du lịch đang kỳ vọng vào sự ra đời và vận hành của Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo quy định, Quỹ có số vốn ban đầu là 300 tỷ đồng được đầu tư từ Nhà nước. Sau khi thành lập, Quỹ có thể tạo các nguồn thu từ visa, điểm đến, nhất là từ nguồn xã hội hóa để có nguồn chi cho công tác xúc tiến, quảng bá. Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ Thị trường Ðinh Ngọc Ðức cho biết, Quỹ là mô hình chưa có tiền lệ ở nước ta cho nên việc thực hiện gặp khá nhiều khó khăn, nhất là về mặt con người, bộ máy và cơ chế. Ðể Quỹ có thể phát triển và hoạt động bền vững, vai trò "nhạc trưởng" của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch đặc biệt quan trọng. Trưởng Ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch quốc gia Hoàng Nhân Chính cho hay, đến nay, Hội đồng đã thành lập được một quỹ xúc tiến với kinh phí 45 tỷ đồng được đóng góp từ các nhà tài trợ là các doanh nghiệp du lịch tiên phong. Ðể các doanh nghiệp tin tưởng, Hội đồng sử dụng nguồn kinh phí dựa trên ba tiêu chí: minh bạch, chuyên nghiệp, hiệu quả. Trước khi kêu gọi góp quỹ, Hội đồng đã xây dựng chiến lược ma-két-ting đến năm 2020. Hội đồng không thu toàn bộ tiền ngay từ đầu, mỗi nhà tài trợ chỉ nộp một phần ba số tiền dự kiến tài trợ trong năm đầu tiên, nếu không thấy hiệu quả có thể dừng lại. Toàn bộ chi tiêu đều được công bố cho các nhà tài trợ với sự làm việc của kiểm toán. Mô hình này có thể được nghiên cứu để ứng dụng cho hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch.

Cùng với yêu cầu mở rộng kinh phí thì mô hình, cách thức tiếp cận thị trường cũng cần được thay đổi trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch. Theo ông Phùng Quang Thắng, trong bối cảnh các nguồn lực của nước ta còn hạn hẹp, nên chọn một đại diện làm điểm đến quốc gia để xúc tiến du lịch cho đất nước. Chẳng hạn, nếu chọn tập trung quảng bá cho Hạ Long (Quảng Ninh), sẽ không chỉ hút khách đến Hạ Long mà còn hút khách tới nhiều điểm đến khác bởi khách đến đây đi bằng nhiều tua - tuyến khác nhau. Từ Hạ Long, cũng có thể kết nối Hà Nội, Ninh Bình, tạo động lực lan tỏa du lịch tới các địa phương khác… Bên cạnh đó, ông Thắng cũng cho rằng cần thành lập cơ quan xúc tiến du lịch quốc gia để có thể thu hút các nguồn lực và tiến hành các hoạt động xúc tiến một cách chuyên nghiệp. Ngay từ năm 1964, Xin-ga-po đã có Hội đồng xúc tiến du lịch. Năm 1952, hội đồng này được thành lập ở Ma-lai-xi-a và tại Thái-lan là năm 1979. Không thể phủ nhận, sự chuyên nghiệp trong xúc tiến, quảng bá du lịch của những cơ quan này đã mang đến lượng khách lớn cho những đất nước nêu trên. Từ kinh nghiệm phát triển du lịch ở các quốc gia khác, du lịch Việt Nam cũng cần thành lập các văn phòng đại diện du lịch ở những thị trường trọng điểm để có thể thực hiện những chiến dịch mục tiêu mang tính thường xuyên, rộng rãi nhằm đẩy mạnh thu hút du khách đến từ những thị trường tiềm năng.

Phó Giám đốc Công ty Du lịch TransViet Nguyễn Tiến Ðạt cho rằng, trong bối cảnh công nghệ thông tin đang từng bước thay đổi thói quen tìm kiếm, lựa chọn dịch vụ, sản phẩm du lịch của du khách, những người làm du lịch trong nước cần ứng dụng công nghệ 4.0 để thực hiện quảng bá, xúc tiến du lịch. Cần tuyển dụng được những chuyên gia là những người trẻ giỏi về công nghệ để thực hiện xây dựng những chiến dịch quảng bá trên các công cụ mạng phổ biến như: Facebook, Twitter, Instagram, Wechat… Hướng đi này không những tiết kiệm được chi phí quảng bá mà còn tạo được tính tương tác, độ lan tỏa cao, tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng. Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng quảng bá, xúc tiến, ông Ðạt cũng đề xuất cần xây dựng bộ chỉ số đo lường, đánh giá hiệu quả của từng chiến dịch quảng bá để sau đó, có những điều chỉnh phù hợp và có chính sách "bám đuổi", chăm sóc khách hàng…