Quảng Trị hướng đến du lịch hòa bình và biển đảo

NDO -

Mỗi năm khi tháng bảy về, du khách trong và ngoài nước đều hướng đến mảnh đất lửa Quảng Trị với sự chờ mong những đổi thay, hồi sinh kỳ diệu. Ngoài những di tích nổi tiếng, du lịch Quảng Trị đang hướng đến sản phẩm du lịch Festival vì Hòa bình và du lịch biển đảo Cồn Cỏ.

Gary Canant cùng cựu chiến binh Quảng Trị thắp hương trước phần mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn.
Gary Canant cùng cựu chiến binh Quảng Trị thắp hương trước phần mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn.

Tôn vinh giá trị hòa bình

Cách đây chưa lâu chúng tôi may mắn được gặp Gary Canant, một cựu chiến binh Mỹ, từng tham chiến ở Quảng Trị vào năm 1968-1969. Gary Canant trở lại Quảng Trị lần này cùng vợ và con trai. Ông quá đỗi bất ngờ trước sự đổi thay của đất nước Việt Nam. Ông đến để được hiểu rõ hơn về đất nước và con người nơi đây.

Hôm ấy, bản nhạc Tiến Quân Ca được cha con cựu binh người Mỹ chọn biểu diễn giữa Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn thiêng liêng, nhằm bày tỏ lòng tôn kính đối với những chiến sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc. Gary Canant cùng vợ con đi thắp hương trên từng nấm mộ. Ông cho biết, lần này sang Việt Nam cũng không ngoài mục đích kêu gọi một thế giới không có chiến tranh.

Cùng trong dòng suy nghĩ xây dựng, vun đắp nền hòa bình, mới đây, Đại sứ Mỹ Daniel Kritenbrink cũng đến Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn, nơi có hơn một vạn liệt sĩ đang yên nghỉ để thắp hương. Chiều cùng ngày, ông lại đến thăm Di tích lịch sử cầu Hiền Lương, bắc qua con sông Bến Hải - Vĩ tuyến 17.

Khi được biết tỉnh Quảng Trị chuẩn bị tổ chức Festival vì Hòa bình, mang biểu tượng một vùng đất hòa bình của đất nước Việt Nam, Đại sứ Daniel Kritenbrink cho rằng, đây là một ý tưởng rất tuyệt vời, ông rất ủng hộ và mong sớm trở thành hiện thực; nếu được mời ông sẽ vào dự lễ.

Qua những thông điệp ấy ngày càng có nhiều du khách quốc tế đến Quảng Trị du lịch vì hòa bình. Tôi còn nhớ trong một lần trao đổi với đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị, về tìm hướng đột phá tạo ra cho Quảng Trị một thương hiệu lớn để phát triển, suốt buổi trò chuyện, đồng chí luôn nhắc đến ý tưởng xây dựng vùng đất này thành bảo tàng sinh động về hòa bình, hay tổ chức lễ hội hòa bình để tạo ra cái mới, cái độc đáo thu hút khách du lịch quốc tế và trong nước.

Ý tưởng này rất thuyết phục vì vùng đất Quảng Trị từng bị chia cắt thành hai miền nam - bắc hơn 20 năm chiến tranh giành độc lập, là nơi điển hình khát vọng thống nhất của dân tộc Việt Nam. Người dân vùng đất này lại có truyền thống hòa hiếu, khoan dung, yêu chuộng hòa bình cho nên Quảng Trị luôn được ví như gương mặt của hòa bình. Quảng Trị xưa là chiến trường ác liệt bậc nhất Việt Nam nay đang trở thành điểm đến của hòa hợp dân tộc.

QT_hoa_binh_2-1594028360453.JPG
Học sinh Quảng Trị thể hiện tiết mục nguyện cầu hòa bình tại di tích cầu Hiền Lương.

Mới đây, trên cơ sở Đề án của tỉnh Quảng Trị gửi lên, Chính phủ đã đồng ý cho Quảng Trị tổ chức Festival vì Hòa bình. Theo Đề án, sẽ được tổ chức vào tháng 7, định kỳ hai năm một lần có quy mô quốc gia và quốc tế; nằm trong danh mục các sự kiện văn hóa lớn của quốc gia, nhằm tôn vinh giá trị của hòa bình, kêu gọi mọi người chung tay đấu tranh, gìn giữ, xây dựng cuộc sống hòa bình, thịnh vượng, bền vững cho quê hương, đất nước và nhân loại.

Festival còn để tưởng niệm, tri ân các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì sự trường tồn của Tổ quốc; tưởng niệm các nạn nhân chiến tranh, những mất mát đau thương do chiến tranh gây ra. Việc tổ chức lễ hội nhằm xây dựng Quảng Trị trở thành một không gian văn hóa vì hòa bình, là biểu tượng sức sống mãnh liệt của nhân loại ngay trên mảnh đất bị hủy diệt do chiến tranh; sẽ là nơi hội ngộ của bạn bè bốn phương; nơi họp mặt, chia sẻ của những thành phố, những dân tộc từng chịu chung số phận như Quảng Trị trên toàn thế giới như thành phố Rotterdam (Hà Lan); Dresden, Cologne, Berlin (Đức); London (Anh); Stalingrad (Nga); Hiroshima, Nagasaki (Nhật Bản).

Ngoài ra, lễ hội nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh về đất nước, con người Việt Nam và mảnh đất, con người Quảng Trị, thu hút du khách trong nước và quốc tế; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Quảng Trị. Không gian Festival vì Hòa bình là các điểm nhấn như: Cụm di tích lịch sử quốc gia đặc biệt “Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải”; thành cổ Quảng Trị; biển Cửa Việt, làng Vây, Tà Cơn…Tỉnh Quảng Trị cũng đang tất bật triển khai công việc mới mẻ này để cho ra đời những sản phẩm du lịch hấp nhất phục vụ du khách.

Cần có cách làm mới hơn

Những ngày tháng 7, du khách tấp nập đến với di tích lịch sử quốc gia đặc biệt đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, tận mắt chứng kiến sự thay đổi của vùng đất này. Công viên xinh xắn mang tên Thống Nhất, biến nơi ghi dấu nỗi đau chia cắt thành khát vọng hòa bình được Chính phủ đồng ý cho xây dựng ngay cụm di tích này. Hai hàng dừa phía bắc di tích đã được trồng lại, nâng cấp bến đua thuyền, đường đi dạo; xây dựng tượng đài chiến sĩ Công an vũ trang. Ở bờ nam hệ thống kè chống xói lở cũng được xây lại cũng như phục dựng một số hạng mục. Tuy nhiên, để công viên được hoàn chỉnh như ý nguyện hòa bình lớn lao ấy thì tỉnh Quảng Trị đang kêu gọi cả nước cùng chung sức xây dựng ngang tầm với ý nghĩa thời đại.

Tỉnh Quảng Trị khát vọng không chỉ trở thành một trung tâm du lịch hòa bình mà còn là biểu tượng khát vọng hòa bình, thống nhất, đoàn kết của cả nước. Chiến tranh đi qua để lại trên mảnh đất Quảng Trị nhiều di tích nổi tiếng như Địa đạo Vịnh Mốc, Thành cổ Quảng Trị, Sân bay Tà Cơn… Bây giờ thêm sản phẩm của Festival vì Hòa bình cùng với du lịch biển đảo Cồn Cỏ hy vọng mang đến nhiều điều thú vị cho du khách.

QT_Hoa_binh_3-1594028360938.jpg
 Khách quốc tế đến Quảng Trị bằng đường biển.

Để thúc đẩy du lịch phát triển, HĐND tỉnh Quảng Trị đã có Nghị quyết số 35/2017/NQ-HĐND thông qua Đề án “Quy hoạch tổng thể phát du lịch tỉnh Quảng Trị đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Theo đó, mục tiêu phát triển chung nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch, phấn đấu đến năm 2025, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, tạo bước đột phá trong phát triển cho giai đoạn tiếp theo. Đồng thời, xây dựng thương hiệu điểm đến du lịch Quảng Trị là “Ký ức chiến tranh - khát vọng hòa bình”; “Cửa ngõ du lịch Hành lang kinh tế Đông - Tây”, liên kết du lịch “Con đường di sản”, “Con đường huyền thoại”… của khu vực.

Đồng chí Nguyễn Văn Hùng cho rằng, dư địa phát triển du lịch Quảng Trị còn rất lớn. Tuy nhiên, đồng chí cũng thẳng thắn chỉ ra nút thắt trước tiên cần phải tháo gỡ để du lịch phát triển lên tầm cao hơn là tư duy của con người và cách ứng xử của con người với di tích, di sản; vốn đầu tư tôn tạo di tích. Để du lịch Quảng Trị tăng tốc, trước hết cần thay đổi suy nghĩ, cần có cách làm mới hơn, độc đáo hơn để thu hút du khách ngày càng nhiều. Trước hết phải quy hoạch Cồn Cỏ thành đảo du lịch sinh thái đúng nghĩa, quy định lượng khách tham quan trong ngày và lưu trú để đảm bảo chất lượng "tua" tuyến.

Các tuyến khách châu Âu, Mỹ; khách Lào, Thái Lan qua cửa khẩu quốc tế La Lay và Lao Bảo, khách hành hương về La Vang, khách tham quan di tích lịch sử, văn hóa là nguồn du khách chính nên cần có sản phẩm và dịch vụ tương thích. Cần cam kết khách lưu trú Quảng Trị sẽ được hưởng dịch vụ rẻ hơn các địa phương khác. Điều quan trọng nhất là cần có con người làm du lịch tương xứng với tiềm năng để cạnh tranh được với các tỉnh thành trong nước. Mọi chuyện không dễ nhưng cần phải bắt tay thực hiện ngay bằng những việc làm cụ thể.