Phản hồi bài báo “Nhếch nhác các làng tranh 3D ở Quảng Ngãi”

NDO -

NDĐT - Báo Nhân Dân điện tử vừa nhận được Công văn số 2635-CV/HU của Huyện ủy Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi phản hồi nội dung bài báo “Nhếch nhác các làng tranh 3D ở Quảng Ngãi” đăng ngày 20-10-2019 trên Nhân Dân điện tử.

Phản hồi bài báo “Nhếch nhác các làng tranh 3D ở Quảng Ngãi”

Theo nội dung công văn, Ban Thường vụ Huyện ủy Bình Sơn chân thành cảm ơn các cơ quan báo chí luôn đồng hành cùng địa phương trong thời gian qua. Những thông tin báo chí phản ánh đã giúp địa phương chỉ đạo kịp thời các vấn đề dư luận quan tâm; đồng thời khắc phục những hạn chế, góp phần phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, công tác điều hành của chính quyền, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Ban Thường vụ Huyện ủy Bình Sơn cũng đã có những trao đổi để làm rõ thêm nội dung bài báo.

Theo Công văn 2635, thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 19-10-2016 của Tỉnh ủy Quảng Ngãi về phát triển dịch vụ, du lịch tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2016-2020, ngày 28-3-2017, huyện có Kế hoạch số 45/KH-UBND về phát triển du lịch huyện Bình Sơn giai đoạn 2017-2020. Mục đích xây dựng huyện Bình Sơn là điểm đến an toàn, thân thiện và chất lượng. Việc tạo các làng bích họa ở thôn Thọ An, xã Bình An và ở Gành Yến là một trong những nội dung của kế hoạch, mục đích kết nối du khách đến để giới thiệu các cảnh đẹp hiện có của địa phương.

Tại Thọ An, không chỉ vẽ tranh mà kết quả ban đầu đã có nhiều khởi sắc: Đầu tư phát triển hệ thống giao thông thuận lợi phục vụ cho việc đi lại của nhân dân và du khách đến tham quan; nhân dân đã nhận thức và thực hiện việc giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Cor, tập luyện các loại hình dân ca, dân vũ của đồng bào dân tộc Cor…; phát huy được việc tôn tạo, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, nhất là qua các hoạt động tổ chức Lễ hội dưa hấu (là lễ hội đầu tiên của cả nước); Tết Ngã rạ và Ngày hội Văn hóa - Thể thao truyền thống lần thứ VI của huyện tại Thọ An; được nhiều du khách biết và đến tham quan. Bà con biết nhân giống hoa để trồng tại nhà, trồng cây dược liệu (ba kích); rừng tre (hộ cá nhân dự kiến làm rượu tre); nuôi heo dược liệu, gà Đông Tảo, trồng bưởi, mặc trang phục truyền thống vào dịp lễ hội… làm cho mối quan hệ giữa đồng bào dân tộc thiểu số và cấp ủy, chính quyền địa phương ngày càng khăng khít.

Tính từ tháng 9-2018 đến nay, Thọ An đã đón khoảng hơn 30 nghìn lượt khách đến tham quan. Tuy mới đầu tư, nhưng bước đầu đã thu hút được khách du lịch, được già làng và bà con nhân dân đồng tình ủng hộ.

Theo nội dung công văn, “Thời điểm phóng viên của các báo đến Thọ An để viết bài không phải là mùa du lịch, đường đang thi công, các công trình chưa hoàn thành, các cây lâu năm như phượng vàng, phượng đỏ chưa ra hoa… nên việc ít du khách đến tham quan là điều dễ hiểu”. Hiện nay, huyện đang tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch và chính quyền chỉ đầu tư chủ yếu vào các hạng mục để tạo điểm nhấn thu hút khách tham quan. Đặc biệt, không chỉ phát triển du lịch mới đầu tư đường, điện, nhà sàn, vườn hoa mà Ban Thường vụ Huyện ủy mong muốn thôn Thọ An, xã Bình An ngày càng phát triển và nhân dân được thụ hưởng các công trình này (thôn có đồng bào dân tộc Cor).

Ban Thường vụ Huyện ủy Bình Sơn cũng cho biết, tổng mức đầu tư phát triển du lịch tại thôn Thọ An, xã Bình An từ năm 2017 – 2019 là 1.739.944.000 đồng, bố trí kinh phí xây dựng nhà sàn để tôn tạo bảo sắc văn hóa dân tộc và làm điểm sinh hoạt văn hóa cho nhân dân Thọ An là 1,8 tỷ đồng.

Trong thời gian đến, huyện sẽ tiếp tục tập trung đầu tư phát triển làng bích họa Thọ An và thắng cảnh Gành Yến theo kế hoạch. Ban Thường vụ Huyện ủy Bình Sơn cũng đề nghị Báo Nhân Dân tiếp tục phản ánh toàn diện, chân thực, khách quan nhằm động viên tinh thần nỗ lực, sáng tạo địa phương vì sự phát triển.

* Nhếch nhác các làng tranh 3D ở Quảng Ngãi