“Mùa hè trong em” với nhiều hoạt động hấp dẫn tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam

NDO -

Trong tháng 7 này, với chủ đề “Mùa hè trong em”, tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ diễn ra nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa cho trẻ em nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, đồng thời hưởng ứng chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”.

“Mùa hè trong em” với nhiều hoạt động hấp dẫn tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam (Ảnh: Chụp màn hình)
“Mùa hè trong em” với nhiều hoạt động hấp dẫn tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam (Ảnh: Chụp màn hình)

Các hoạt động diễn ra xuyên suốt tháng có sự tham gia của hơn 100 đồng bào từ 16 dân tộc (Tày, Dao, H'Mông, Nùng,  Thái, Mường, Khơ Mú, Ơ Đu, Tà Ôi, Cơ Tu, Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai, RagLai, Ê Đê, Khmer); với sự tham gia của 12 địa phương, gồm các điểm nhấn của các địa phương có đồng bào hoạt động hằng ngày.

Đặc biệt trong tháng này, có sự tham gia của khoảng 12 nghệ nhân đồng bào dân tộc Chăm làng gốm Bàu Trúc tỉnh Ninh Thuận và khoảng 25 - 30 sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Tây Bắc.

Điểm nhấn của chuỗi các hoạt động là tiếp tục chương trình “Tuổi thơ của chúng em”. Đồng bào các dân tộc đang hoạt động hàng ngày tại làng sẽ giới thiệu, tham gia, tương tác với các em thiếu niên, nhi đồng thông qua nhiều trò chơi dân gian truyền thống các dân tộc: Ném pao, đánh yến, đánh tu lu của dân tộc H'Mông, đẩy gậy của dân tộc Mường, tó má lẹ của dân tộc Thái, ném vòng dân tộc Cơ Tu; đi cà kheo, đánh quay, kéo co…

Ban tổ chức thực hiện trưng bày, giới thiệu hình ảnh các hoạt động trẻ thơ tại Làng của các hoạt động ấn tượng mùa hè năm 2016, 2017, 2018, 2019; tổ chức không gian đọc sách, truyện cho thiếu nhi và du khách. Đồng thời phát huy kết quả phong trào “chống rác thải nhựa” từ cảm hứng các tác phẩm được giải năm 2019, lan tỏa phong trào năm 2020 để giữ gìn môi trường xanh tại “ngôi nhà chung”, đẩy mạnh phong trào “làng bản văn hóa xanh - sạch - đẹp”…

Bên cạnh đó, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam còn xây dựng các gói sản phẩm du lịch đặc thù thu hút du khách đến với Làng trong bối cảnh bình thường mới sau dịch Covid-19. Gói sản phẩm du lịch đặc thù này hướng đến các đối tượng khách nhóm gia đình dịp cuối tuần, hội nhóm, đoàn thể tiếp đến là nhóm học sinh, sinh viên…đồng thời tăng cường chủ động liên kết với các công ty lữ hành, trường học thường xuyên đưa khách tới Làng. 

Cùng với đó, ban tổ chức tiến hành  hoạt động chuyên đề “Giai điệu từ đất” nhằm giới thiệu hành trình của gốm Bàu Trúc, tỉnh Ninh Thuận. Các nghệ nhân đồng bào dân tộc Chăm giới thiệu đến công chúng quy trình làm gốm Bàu Trúc từ khâu chọn đất, làm đất, nặn, xoay bàn xoay, nung gốm và  giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của gốm Bàu Trúc. Du khách sẽ được trải nghiệm và thao tác cùng các nghệ nhân.

Các nghệ nhân đồng bào dân tộc Chăm (làng Gốm Bàu Trúc) không chỉ là những nghệ nhân thực hành nghề gốm mà còn rất yêu âm nhạc dân tộc Chăm. Một không gian âm nhạc nghe thấy cả một nền văn hóa Chăm giàu đẹp và một tình yêu cháy bỏng của quê hương và dân tộc với những bài hát về làng Chăm, về tình làng gốm, tiếng trống paranưng… sẽ tạo nên âm nhạc đặc trưng của đồng bào dân tộc Chăm và một số điệu múa đền tháp.

Trong các ngày cuối tuần trong tháng, sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Tây Bắc trình diễn chương trình ca múa nhạc tổng hợp “Mùa hè yêu thương”.

Bên cạnh đó là các hoạt động hoạt động hằng ngày, cuối tuần của 16 cộng đồng dân tộc, chương trình du lịch trải nghiệm, giới thiệu làm bánh, gói bánh phục vụ du khách, trò chơi dân gian; hoạt động cầu an, chúc phúc tại các không gian tâm linh chùa Khmer, tháp Chăm... nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.