Mô hình quản lý Khu du lịch quốc gia

NDO -

Ngày 24-10, tại thành phố Phan Thiết (Bình Thuận), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TTDL) phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận tổ chức hội thảo “Mô hình quản lý Khu du lịch quốc gia”. Ông Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng VH-TTDL, cùng đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận và Tổng Cục Du lịch Chủ trì hội thảo.  

Hội thảo Mô hình quản lý Khu du lịch quốc gia do Bộ VH-TTDL phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức.
Hội thảo Mô hình quản lý Khu du lịch quốc gia do Bộ VH-TTDL phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức.

Cùng tham dự hội thảo còn có đại diện các cơ quan trực thuộc Bộ VH-TTDL, các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các Sở Du lịch, Sở VH-TTDL lịch trên cả nước.

Mô hình quản lý Khu du lịch quốc gia -0
 Thứ trưởng VH-TTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu khai mạc tại hội thảo, Thứ trưởng VH-TTDL Nguyễn Văn Hùng nêu rõ: “Hiện nay, trên địa bàn 43 tỉnh, thành phố cả nước có 49 địa điểm tiềm năng phát triển khu du lịch quốc gia. Mô hình quản lý có nhiều cách thức, chủ thể quản lý khác nhau: chính quyền, ban quản lý, doanh nghiệp. Trên cơ sở thực tiễn mà chúng ta đang trải nghiệm thời gian qua, chúng tôi mong muốn nhận được những ý tưởng sáng tạo, khoa học, trí tuệ để đề xuất những mô hình quản lý khu du lịch quốc gia phù hợp, hiệu quả, có trách nhiệm. Trong đó, yếu tố quản lý giữ vai trò quan trọng. Có thể không tìm được mô hình quản lý hoàn hảo, đúng với tất cả nhưng phải tạo được mô hình khung. Cũng không phải cái gì cũng quản lý hoặc quản lý một cách máy móc mà phải kiến tạo được hệ sinh thái du lịch, những chính sách phù hợp để tiềm năng được phát huy, có chức năng, mục tiêu và tầm nhìn để phát triển du lịch bền vững”.

Ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, đến tháng 10-2020, cả nước đã có 22 địa điểm lập quy hoạch phát triển thành Khu du lịch quốc gia đã được phê duyệt. Trong đó, có sáu địa điểm được công nhận là khu du lịch quốc gia gồm: khu du lịch quốc gia Hồ Tuyền Lâm (Lâm Đồng), khu du lịch quốc gia Sa Pa (Lào Cai), khu du lịch quốc gia Núi Sam (An Giang), khu du lịch quốc gia Trà Cổ (Quảng Ninh) và khu du lịch quốc gia Mũi Né (Bình Thuận) và Khu Du lịch quốc gia Đền Hùng (Phú Thọ).

Về thực trạng công tác quản lý các Khu du lịch quốc gia và các địa điểm tiềm năng phát triển khu du lịch quốc gia phân loại theo chủ thể quản lý được chia làm hai nhóm. Nhóm 1 gồm các khu du lịch do nhà nước quản lý (47 khu). Nhóm 2 gồm các khu du lịch do khu vực tư nhân đầu tư xây dựng và quản lý (hai khu là khu du lịch Bà Nà - Đà Nẵng và khu du lịch Xứ sở hạnh phúc -Long An).

Trong số 47 khu du lịch do nhà nước quản lý có hai khu du lịch nằm trong địa giới hành chính của 2 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên là khu du lịch Vịnh Hạ Long (thuộc tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng), Khu du lịch Thới Sơn (thuộc tỉnh Tiền Giang và Bến Tre).

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Luật Du lịch, do Chính phủ chưa quy định về mô hình quản lý khu du lịch quốc gia nên các địa phương, nhất là các địa phương đã có Khu du lịch quốc gia được công nhận đang gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong việc triển khai. Hiện tại, mỗi địa phương có một mô hình quản lý riêng. Cụ thể: Khu du lịch quốc gia Hồ Tuyền Lâm đã thành lập Ban Quản lý (BQL) khu du lịch quốc gia Hồ Tuyền Lâm là đơn vị sự nghiệp công lập, tự đảm bảo một phần chi phí thường xuyên, trực thuộc UBND tỉnh Lâm Đồng. 

Khu du lịch quốc gia Sapa đã thành lập BQL du lịch tỉnh Lào Cai là đơn vị sự nghiệp công lập, trực thuộc UBND tỉnh, làm việc theo chế độ kiêm nhiệm và kinh phí chi hoạt động thường xuyên do ngân sách nhà nước cấp. 

Khu du lịch quốc gia Núi Sam (An Giang) đang hoàn thiện hồ sơ đề án thành lập BQL khu du lịch quốc gia trên cơ sở tái cơ cấu BQL khu Di tích Văn hóa Lịch sử và Du lịch Núi Sam. Khu du lịch quốc gia Trà Cổ (Quảng Ninh) do UBND thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) quản lý, hiện đang xây dựng đề án thành lập BQL khu du lịch quốc gia. Khu du lịch quốc gia Mũi Né (Bình Thuận) hiện do hai đơn vị cùng quản lý là BQL khu du lịch Hàm Tiến - Mũi Né (thành phố Phan Thiết) và BQL điểm du lịch sinh thái Bàu Trắng (huyện Bắc Bình).

Đối với các địa điểm tiềm năng phát triển khu du lịch quốc gia, do chưa có những quy định cụ thể về mô hình quản lý khu du lịch quốc gia nên mỗi địa phương, mỗi khu du lịch, tùy điều kiện tình hình thực tế có những mô hình quản lý khác nhau, như: Ban quản lý là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND cấp tỉnh; Ban quản lý là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc các Sở Du lịch, Sở VH-TTDL, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… ; Ban Quản lý là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND cấp huyện; UBND cấp xã quản lý trực tiếp và mô hình do doanh nghiệp quản lý và điều hành.

Như vậy, có thể thấy mô hình quản lý các khu du lịch quốc gia hiện nay rất đa dạng. Từ thực tiễn trên cho thấy, mỗi mô hình đều có những thuận lợi và khó khăn riêng. Một số mô hình đã đi vào hoạt động và mang lại hiệu quả trong công tác quản lý hoạt động du lịch. Tuy nhiên, một số mô hình hiện nay còn chưa xác định được chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn hoặc chồng chéo trong quá trình quản lý gây ra những khó khăn trong thực thi nhiệm vụ.

Từ những thực trạng trên, Tổng cục Du lịch đã đề xuất thành lập đơn vị quản lý khu du lịch quốc gia với các đặc điểm: Là đơn vị sự nghiệp công lập có thu, tự  bảo đảm một phần chi phí hoạt động thường xuyên. Tên gọi Ban Quản lý khu du lịch quốc gia gắn tên gọi của khu du lịch. Tùy vào đặc điểm của khu du lịch quốc gia và loại hình của tổ chức quản lý khu du lịch quốc gia, có vị trí khác nhau như trực thuộc UBND cấp tỉnh; trực thuộc các Sở chuyên ngành; trực thuộc UBND cấp huyện và do các doanh nghiệp quản lý và điều hành. Về chức năng, nhiệm vụ: Tham mưu giúp chính quyền địa phương thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với các khu du lịch quốc gia; thực hiện chức năng phát triển du lịch. Về cơ cấu tổ chức, tùy điều kiện thực tế, cơ quan chủ quản sẽ quy định cơ cấu tổ chức phù hợp. Về cơ chế tài chính, tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động thường xuyên.

Đồng thời cũng đề xuất một số mô hình quản lý: BQL khu du lịch trực thuộc UBND cấp tỉnh; BQL khu du lịch trực thuộc các Sở chuyên ngành; BQL khu du lịch quốc gia trực thuộc UBND cấp huyện; các khu du lịch do khu vực tư nhân đầu tư xây dựng và khai thác thì do chủ đầu tư quy định mô hình, thành lập và điều hành.

Hội thảo đã chia làm ba nhóm thảo luận, gồm: nhóm các Khu du lịch có Ban Quản lý trực thuộc UBND cấp tỉnh; nhóm các Khu Du lịch dó Ban Quản lý chuyên ngành và nhóm các Khu du lịch có loại hình Ban Quản lý khác. 

Tham luận của các đại biểu tại hội thảo đã tập trung phân tích, đánh giá về mô hình quản lý khu du lịch quốc gia, địa điểm tiềm năng phát triển khu du lịch quốc gia trên địa bàn quản lý. Phân tích những thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện chức năng quản lý và phát triển khu du lịch. Đồng thời tham gia đóng góp ý kiến đối với đề xuất về nội dung những yêu cầu cơ bản đối với mô hình quản lý khu du lịch quốc gia; mô hình quản lý khu du lịch quốc gia do Tổng cục Du lịch đề xuất hoặc đề xuất mới những mô hình quản lý Khu du lịch quốc gia phù hợp, cũng như  đề xuất những giải pháp áp dụng mô hình quản lý khu du lịch quốc gia.

Hội thảo là cơ sở để Bộ VH-TTDL đề xuất mô hình quản lý Khu du lịch quốc gia phù hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý Khu du lịch quốc gia cũng như chất lượng sản phẩm du lịch, góp phần đưa du lịch Việt Nam sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.