Kích cầu du lịch cần đồng bộ và hiệu quả

Ngày 18-9, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã chính thức phát động Chương trình kích cầu du lịch nội địa lần hai, được triển khai vào những tháng cuối năm 2020, với chủ đề “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”. Để đồng bộ và hiệu quả, Bộ VHTTDL cũng đã đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ bốn nhóm giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động ngành du lịch bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Du khách tham quan hang động trên vịnh Lan Hạ (Cát Bà, Hải Phòng) trước khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Ảnh: VIỆT ĐÔNG
Du khách tham quan hang động trên vịnh Lan Hạ (Cát Bà, Hải Phòng) trước khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Ảnh: VIỆT ĐÔNG

Tiếp tục kích cầu du lịch đợt hai

Bằng Công văn số 3455/BVHTTDL-TCDL gửi các sở quản lý du lịch, các hiệp hội du lịch và các doanh nghiệp du lịch, Bộ VHTTDL đã chính thức tiếp tục phát động Chương trình kích cầu du lịch nội địa lần hai với mục tiêu xây dựng sản phẩm du lịch vừa an toàn vừa hấp dẫn để tạo động lực thúc đẩy du lịch hồi phục.

Việc phát động thị trường, giới thiệu điểm đến, thu hút khách trên cơ sở liên minh kích cầu giai đoạn trước, khuyến  khích hình thành các liên minh kích cầu mới dựa trên sản phẩm phù hợp nhu cầu du lịch tham quan, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng ngắn ngày, chăm sóc sức khỏe,... Các doanh nghiệp du lịch, lưu trú, vận chuyển, hãng hàng không, cơ sở dịch vụ và khu vui chơi giải trí phải xây dựng các sản phẩm mới, chương trình kích cầu, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ; đồng thời có những chính sách hoàn hủy, hoán đổi linh hoạt để bảo đảm quyền lợi của du khách. Cung cấp thông tin, thông báo về dịch vụ và giá cả khuyến mại, thực hiện đúng cam kết với đối tác, với khách du lịch; thực hiện nghiêm túc các hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 nhằm bảo đảm an toàn tại các doanh nghiệp lữ hành, khu, điểm, cơ sở du lịch, kinh doanh dịch vụ và cho du khách. Các địa phương triển khai tổ chức phát động Chương trình kích cầu du lịch tại những trung tâm gửi khách lớn; ban hành chính sách miễn giảm phí, vé vào cửa tại điểm tham quan; hỗ trợ doanh nghiệp và tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện các chương trình kích cầu; kiểm tra, giám sát và bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, thực hiện đúng cam kết về giá cả và chất lượng chương trình kích cầu, kịp thời phối hợp xử lý các vấn đề phát sinh liên quan. Kiểm tra, xử lý nghiêm để bảo đảm việc tuân thủ các quy định an toàn phòng, chống dịch bệnh.   Hiệp hội Du lịch Việt Nam, các hiệp hội du lịch địa phương, hội nghề nghiệp liên quan huy động hội viên tham gia liên minh kích cầu du lịch. 

Theo Bộ VHTTDL, trong đợt kích cầu du lịch lần hai này, việc tăng cường quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn trên các kênh truyền thông trung ương, địa phương rất quan trọng bởi sẽ góp phần xóa bỏ tâm lý e ngại đi du lịch trong bối cảnh dịch Covid-19. Vì thế, Tổng cục Du lịch có trách nhiệm điều phối hoạt động của các liên minh kích cầu giữa các địa phương, hiệp hội du lịch, doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ, hãng hàng không; đồng thời hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp quảng bá thông tin về chương trình kích cầu trên báo, tạp chí và các kênh YouTube, Zalo, Facebook... 

Hiện nay, các doanh nghiệp lữ hành đã tung ra nhiều sản phẩm là các tua với mức giá giảm từ 30 đến 50% (như các tua trải nghiệm mùa thu với điểm đến ở các tỉnh vùng núi phía bắc có mức giảm từ 40 đến 50%; hoặc các tua đến vùng ven biển  Nha Trang, Quy Nhơn, Bình Thuận…, với mức giá giảm từ 30 đến 40%  so với hằng năm). Với các tua này, doanh nghiệp lữ hành kỳ vọng sẽ phần nào thúc đẩy du lịch ấm trở lại trong ba tháng cuối năm nay. Ở góc độ địa phương, mới đây, tỉnh Quảng Ninh cũng quyết định tiếp tục mở thêm gói kích cầu du lịch trị giá khoảng 100 tỷ đồng (sau gói 200 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp du lịch, lữ hành hồi tháng 5), tiếp tục thực hiện việc giảm 50% giá vé tham quan vịnh Hạ Long,  Bảo tàng Quảng Ninh, Khu di tích danh thắng Yên Tử...  đến hết 31-12-2020 để hỗ trợ kích cầu du lịch tỉnh Quảng Ninh năm 2020. 

Quyết tâm thực hiện đồng bộ, hiệu quả

Để phục hồi du lịch, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải giải quyết được tâm lý của khách hàng và thị trường trong nước. Ngày 16-9, Bộ VHTTDL cũng đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ bốn nhóm giải pháp, bao gồm: Nhóm giải pháp về thuế, phí, giá; Nhóm giải pháp về tài khóa, tiền tệ;  Nhóm giải pháp hỗ trợ người lao động; Giải pháp xây dựng bản đồ số. 

Cụ thể: Đề nghị điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất trong năm 2020 và những năm tiếp theo.  Xem xét giảm thuế suất VAT từ 10% xuống 5% trong năm 2020, 2021. Xem xét cho phép kéo dài thời gian tạm dừng đóng bảo hiểm hưu trí và tử tuất, lùi thời điểm đóng  phí công đoàn đối với các doanh nghiệp và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 mà không tính lãi phạt chậm nộp nhưng vẫn được đóng bảo hiểm y tế để người lao động vẫn được sử dụng thẻ bảo hiểm y tế.  Xem xét tạo thuận lợi hơn về các điều kiện, thủ tục để giúp doanh nghiệp du lịch dễ dàng tiếp cận hơn với gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng của Chính phủ.  Xem xét kéo dài thời gian hỗ trợ cho đối tượng được đề cập tại Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Xem xét có chính sách lùi thời gian trả lãi suất vay ngân hàng, áp dụng đến tháng 12-2021. Tiếp tục cơ cấu lại các khoản nợ, giãn thời gian trả nợ vay, khoanh nhóm nợ, khoanh trả lãi tiền vay, không tính vay quá hạn. Giao Bộ VHTTDL chủ trì phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế xây dựng ứng dụng du lịch Việt Nam an toàn trên bản đồ số về các vùng có dịch và vùng an toàn, để giúp các hãng hàng không và doanh nghiệp du lịch thuận tiện trong việc xây dựng kế hoạch bán vé máy bay và phục vụ khách, và khách du lịch sẽ thuận tiện chọn điểm đến an toàn cho mình.

Đại dịch Covid-19 đã khiến các doanh nghiệp du lịch rơi vào tình trạng rất khó khăn, nhiều doanh nghiệp ngành du lịch và khách sạn phải đóng cửa, cắt giảm nhân sự, bị ràng buộc và hạn chế trong hoạt động kinh doanh. Theo Bộ VHTTDL, doanh nghiệp vận tải du lịch bằng ô-tô gần như đóng cửa vì không có khách; 95% số doanh nghiệp lữ hành dừng hoạt động, trong đó 10% xin thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành, chấm dứt hoạt động. Các doanh nghiệp lưu trú, khách sạn, resort tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh công suất phòng chỉ đạt 10%; các tỉnh là vùng có dịch như  Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi gần như không có khách trừ một số khách là chuyên gia và khách cách ly. Các tỉnh là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng như Khánh Hòa, Kiên Giang, Bình Định, Quảng Ninh... công suất buồng phòng chỉ đạt 3-5%, các địa phương còn lại công suất chỉ đạt 10-20%. Nhìn chung, các cơ sở lưu trú hoạt động cầm chừng, công suất thấp, nhân viên nghỉ việc, chỉ duy trì số ít nhân viên đi làm bảo trì trang thiết bị... Do đó,  Chương trình kích cầu du lịch nội địa đợt này triển khai sẽ rất khó khăn. Mặc dù vậy, các nhà quản lý, chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp du lịch đều hy vọng, với Chương trình kích cầu du lịch nội địa lần hai và các giải pháp hỗ trợ cấp bách từ Chính phủ được triển khai thật sự nhanh chóng, đồng bộ, hiệu quả, sang năm 2021, khi dịch Covid-19 được hoàn toàn khống chế thì du lịch Việt Nam sẽ hồi phục hoàn toàn.