Khai thác, phát triển SAVE Tourism

Dù chưa thật phổ biến nhưng những năm gần đây, SAVE Tourism bắt đầu được triển khai tại Việt Nam, mang đến nhiều giá trị tích cực cho cộng đồng địa phương tại điểm đến. Theo các chuyên gia, đây là loại hình du lịch cần được đẩy mạnh để tăng cường nền tảng cho du lịch có trách nhiệm, góp phần phát triển du lịch theo hướng bền vững.

Du khách tham gia chuyến du lịch từ thiện do Vietravel tổ chức tại một điểm trường vùng cao.
Du khách tham gia chuyến du lịch từ thiện do Vietravel tổ chức tại một điểm trường vùng cao.

Trong SAVE Tourism thì SAVE được ghép từ bốn chữ cái đầu tiên của Scientific (khoa học), Academic (học thuật), Volunteer (tình nguyện) và Education (giáo dục). Như vậy SAVE Tourism được hiểu là loại hình du lịch gắn với khoa học, học thuật, tình nguyện và giáo dục. Trong đó, đối tượng tham gia thường là những nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà thiện nguyện, sinh viên, học sinh… có nhu cầu nghiên cứu, học tập, gặp gỡ văn hóa bản địa để nâng cao nhận thức, trải nghiệm cho chính bản thân, đồng thời đóng vai trò là tình nguyện viên để mang đến những lợi ích thiết thực cho điểm đến thông qua chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng tới cộng đồng địa phương. Khác hẳn với những loại hình du lịch thuần túy mang tính trải nghiệm và hưởng thụ, SAVE Tourism còn tạo ra những tương tác giữa người đi du lịch với điểm đến bằng những hành động có trách nhiệm trên cơ sở đề cao các giá trị về mặt tự nhiên, nhân văn. Chính vì thế, đây được coi là nền tảng để đẩy mạnh du lịch có trách nhiệm, cũng là hướng đi được nhiều quốc gia tập trung để phát triển du lịch một cách bền vững.

Trong bối cảnh công nghệ 4.0, khi cuộc sống ngày càng nhiều áp lực thì du khách càng có xu hướng muốn tới những điểm đến văn hóa bản địa có nhịp sống chậm, không vướng những lo toan, ngột ngạt. Do đó, SAVE Tourism được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển. Trên thế giới, một số nước như Thái-lan, In-đô-nê-xi-a, Nê-pan, Nam Phi… đã đưa loại hình này vào chương trình hành động phát triển du lịch quốc gia với tầm nhìn dài hạn. SAVE Tourism ở nhiều nước thường được triển khai dưới hình thức hỗ trợ y tế, khám sức khỏe, phổ biến kỹ thuật, khoa học làm du lịch, nâng cao nhận thức về môi trường, đào tạo kỹ năng hướng dẫn viên bản địa…

Ở Việt Nam, loại hình du lịch này đã xuất hiện với những chuyến du lịch tình nguyện, du lịch từ thiện được xây dựng để du khách đến với những vùng sâu, vùng xa, giúp đỡ các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ xây dựng homestay, phát triển du lịch cộng đồng… Tiêu biểu phải nói tới V.E.O (Volunteer for Education Organization), một tổ chức đã mở nhiều điểm dự án du lịch thiện nguyện tại hơn mười tỉnh ở nước ta, trong đó chủ yếu là các tỉnh phía bắc như Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang… nhằm vận động phát triển du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, khái niệm SAVE Tourism ở nước ta vẫn còn khá mới mẻ và là loại hình chưa thật sự được đẩy mạnh. Các chuyên gia du lịch cho rằng, đây là hướng đi mà Việt Nam cần quan tâm phát triển, nhất là trong bối cảnh sản phẩm du lịch còn nghèo nàn và hoạt động du lịch vẫn đang tạo ra những tác động tiêu cực tới môi trường. Ðẩy mạnh SAVE Tourism là giải pháp không những mang lại những lợi ích cho điểm đến, gia tăng lượng khách du lịch văn minh, có trách nhiệm mà còn giúp kéo dài thời gian lưu trú của du khách bởi những chuyến du lịch theo hình thức này thường diễn ra trung bình một đến hai tuần, thậm chí cả tháng.

Tiến sĩ Nguyễn Ðức Thắng (Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam) khẳng định: Khi Việt Nam đang coi du lịch là trọng điểm, là mũi nhọn để phát triển kinh tế thì việc áp dụng SAVE Tourism vào các điểm đến để khai thác nguồn khách dồi dào muốn tình nguyện áp dụng khoa học, giáo dục và học thuật để đóng góp cho điểm đến là điều cần thiết. Với ba phần tư diện tích là đồi núi và cộng đồng 54 dân tộc anh em đa dạng về văn hóa, việc lựa chọn các điểm đến để phát triển SAVE Tourism là điều không khó thực hiện. Các điểm ở vùng núi, hải đảo, nông thôn… đều có thể đáp ứng các nhu cầu nghiên cứu, điền dã, khám phá về các lĩnh vực như nhân chủng học, khảo cổ học, ngôn ngữ học, sinh học bảo tồn, văn hóa nghệ thuật, dân tộc học cũng như nhu cầu về chia sẻ kiến thức, phát triển dự án… của du khách. Vấn đề là cần có sự định hướng chiến lược của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, sự nhìn nhận lợi ích cốt lõi mà loại hình du lịch này mang lại cho các địa phương, công ty lữ hành, khách du lịch. Và để SAVE Tourism có thể vận hành một cách khoa học, bài bản, điều không thể thiếu là cần sự bắt tay chặt chẽ giữa các nhà quản lý, tổ chức du lịch, công ty lữ hành, tổ chức giáo dục, khoa học, tình nguyện và các hộ gia đình, cá nhân tại điểm đến để xây dựng sản phẩm du lịch vừa mang giá trị cao về văn hóa, vừa bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, gia tăng tác động tích cực và từng bước nâng cao giá trị điểm đến.