Kết nối du lịch Lào Cai - Ninh Bình

NDO -

Sáng 13-7, Sở Du lịch Ninh Bình phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai và Hiệp hội Du lịch Lào Cai tổ chức Hội nghị xúc tiến, kết nối du lịch giữa hai địa phương. 

Xúc tiến du lịch Ninh Bình tại tỉnh Lào Cai và các tỉnh miền núi phía bắc.
Xúc tiến du lịch Ninh Bình tại tỉnh Lào Cai và các tỉnh miền núi phía bắc.

Đây là cơ hội giới thiệu hình ảnh quê hương, con người, các giá trị văn hóa, danh lam thắng cảnh, các sản phẩm du lịch đặc trưng và khác biệt của tỉnh Ninh Bình tới thị trường miền núi phía bắc. Đồng thời, tăng cường hơn nữa mối quan hệ, hợp tác trong phát triển du lịch giữa tỉnh Lào Cai và Ninh Bình, cũng như với các tỉnh khu vực miền núi phía bắc. Tham dự, có 90 doanh nghiệp du lịch của các tỉnh Ninh Bình, Lào Cai, Yên Bái.

 Tại Hội nghị, hai tỉnh Ninh Bình và Lào Cai đã giới thiệu những đặc trưng, sản phẩm du lịch của mỗi địa phương. Ninh Bình là vùng đất có nguồn tài nguyên du lịch phong phú với nhiều di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng và môi trường sinh thái tự nhiên có giá trị.

Các điểm đến hấp dẫn như: cố đô Hoa Lư, khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, chùa Bái Đính, nhà thờ Phát Diệm, rừng quốc gia Cúc Phương... đã thu hút sự quan tâm của du khách trong nước và quốc tế. Đặc biệt, quần thể khu di tích - danh thắng Tràng An đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới vào năm 2014.

Ninh Bình còn là vùng đất giàu bản sắc văn hóa phi vật thể với hàng trăm lễ hội dân gian, nhiều ngành nghề truyền thống, là đất tổ của nghệ thuật chèo, hát xẩm…

 Ông Bùi Thành Đông, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình cho biết, năm 2019, Ninh Bình đón 7,6 triệu lượt khách tham quan du lịch, tăng 3% so cùng kỳ năm 2018. Trong đó, khách nội địa đạt 6,6 triệu lượt; khách quốc tế đạt 970 nghìn lượt, tăng 10,7 so cùng kỳ năm 2018. Doanh thu đạt 3.600 tỷ đồng, tăng 12% so cùng kỳ năm 2018. Năm 2020, tỉnh Ninh Bình đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia, với chủ đề "Hoa Lư - Cố đô ngàn năm".

Để đạt mục tiêu thu hút 7,8 triệu lượt khách trong năm 2020, ngành Du lịch tỉnh Ninh Bình tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp ngay từ đầu năm, trong đó có xúc tiến, liên kết du lịch với Lào Cai, được xác định là vùng động lực trọng điểm của du lịch miền núi phía bắc.

Đối với tỉnh Lào Cai, du lịch sinh thái là một trong những điểm mạnh, khác biệt, với nhiều điểm đến hấp dẫn như khu du lịch núi Hàm Rồng, thác Bạc, cầu Mây, thác Tình yêu - Suối vàng (Sa Pa); Hồ Na Cồ, khu vực lòng hồ thủy điện Cốc Ly (Bắc Hà); Dền Sáng, Sảng Ma Sáo, Y Tý (Bát Xát)… Du lịch cộng đồng gắn với văn hóa của các dân tộc Giáy, Dao, Mông, Tày, Nùng, Hà Nhì được khai thác tại các huyện Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát, Si Ma Cai, Mường Khương và Bảo Yên, nổi bật là các phiên chợ, lễ hội, làng du lịch homestay… Du lịch mạo hiểm với chinh phục nóc nhà Đông Dương - đỉnh Fansipan, đỉnh Bạch Mộc Lương Tử (Bát Xát), núi Ba mẹ con (Bắc Hà), dù lượn, leo vách đá… Du lịch tâm linh tại Thiền viện Trúc Lâm Đại Giác ở Sa Pa, Đền Thượng, đền Mẫu, đền Đôi Cô (thành phố Lào Cai) và đền Bảo Hà (Bảo Yên) kết nối với các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ.

Tỉnh đã đầu tư phát triển một số sản phẩm du lịch độc đáo như du lịch chợ phiên tại các huyện Bắc Hà, Si Ma Cai và Mường Khương; du lịch chuyên đề về hoa với các tour mùa hoa Tam giác mạch (Bắc Hà, Si Ma Cai), hoa Đỗ Quyên (Ý Tý, VQG Hoàng Liên), thung lũng hoa (Bắc Hà)... Đặc biệt, tỉnh Lào Cai đã và đang tập trung đẩy mạnh phát triển du lịch tại Sa Pa và cáp treo chinh phục đỉnh Fansipan cao 3.143 m, được mệnh danh là “nóc nhà Đông Dương”. Có thể nói, với điều kiện khí hậu mát mẻ quanh năm cùng phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, Sa Pa luôn là điểm đến lý tưởng của du khách khi đến với Lào Cai.

Tại Hội nghị, các doanh nghiệp du lịch đã nêu nhiều câu hỏi, kiến nghị với hai tỉnh Ninh Bình và Lào Cai về tiềm năng, cơ chế chính sách ưu đãi, thu hút du khách đến địa phương, nhất là cơ chế ưu đãi phục hồi du lịch sau đại dịch Covid-19. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp liên kết tua du lịch theo chuỗi điểm đến của hai tỉnh và kết nối với các tỉnh lân cận ở vùng trung du bắc bộ và miền núi phía bắc.