Hòa Bình phát triển du lịch cộng đồng gắn với gìn giữ văn hóa bản địa

Tỉnh Hòa Bình chủ trương phát triển du lịch gắn với bảo đảm việc làm, sinh kế và tăng thu nhập cho người dân, giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Mông. Theo đó, tập trung thu hút phát triển du lịch và bố trí nguồn vốn xây dựng hạ tầng cơ sở tại hai xã Hang Kia và Pà Cò, huyện Mai Châu để sớm đưa nơi đây trở thành khu du lịch trọng điểm của tỉnh.

Du khách trải nghiệm du lịch cộng đồng tại xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu (Hòa Bình). Ảnh: VIỆT LÂM
Du khách trải nghiệm du lịch cộng đồng tại xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu (Hòa Bình). Ảnh: VIỆT LÂM

Hai xã Hang Kia và Pà Cò có 99% dân số là người Mông, các giá trị văn hóa, nghề truyền thống độc đáo vẫn được bảo tồn và gìn giữ như: dệt thủ công, thêu thùa thổ cẩm, nhuộm chàm, vẽ sáp ong, nghề rèn… Ngoài ra, ẩm thực đặc trưng của người Mông nơi đây tạo được nét riêng biệt với các sản phẩm như rượu ngô, thắng cố, gà đen, lợn bản, măng rừng... Từ những điều kiện thuận lợi, địa phương đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, thu hút du khách trong và ngoài nước tới trải nghiệm. Tại Hang Kia, Pà Cò, nhiều hộ gia đình đã tìm hiểu, học hỏi cách phát triển du lịch tại nhà (homestay) khá hiệu quả.

Tỉnh xác định đến năm 2020, du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương, điểm đến hấp dẫn trong khu vực Tây Bắc, thu hút ngày càng nhiều du khách trong nước và quốc tế. Hòa Bình mong muốn các nhà đầu tư tiếp tục phối hợp, liên doanh, hợp tác để khai thác tiềm năng của tỉnh cũng như huyện Mai Châu và hai xã Hang Kia, Pà Cò để phát triển du lịch. Việc đẩy mạnh xúc tiến, thu hút các nhà đầu tư phát triển du lịch, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm thay đổi diện mạo và cơ cấu kinh tế cho hai xã Hang Kia, Pà Cò, đồng thời góp phần phát triển du lịch Hòa Bình theo hướng đã xác định.

★ Thành phố Hải Phòng chủ trương tập trung phát triển giáo dục gắn với phát triển khoa học và công nghệ, đáp ứng yêu cầu phát triển Hải Phòng trở thành trung tâm y tế vùng duyên hải Bắc Bộ.

Theo đó, trong công tác xây dựng nguồn nhân lực y tế, thành phố Hải Phòng đặc biệt chú trọng đổi mới căn bản, toàn diện theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa… Trường đại học Y Dược Hải Phòng giữ vai trò chủ lực trong đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực y tế chất lượng cao không chỉ cho Hải Phòng mà còn cho cả khu vực. Cùng với đào tạo mới nguồn nhân lực y tế chất lượng cao tại trường đại học, để giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân lực và nâng cao năng lực cho tuyến dưới, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Tiệp Hải Phòng đã tập trung tổ chức chuyển giao gói kỹ thuật theo nhu cầu của các bệnh viện tuyến dưới. Qua đó, trình độ của cán bộ y tế ở tuyến dưới được nâng cao, có khả năng thực hiện được nhiều kỹ thuật tại chỗ mà không cần phải chuyển tuyến. Cách làm sáng tạo này đã góp phần cân bằng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn giữa các tuyến, đặc biệt là các bệnh viện thuộc các huyện đảo như Bạch Long Vĩ, Cát Hải, điều kiện di chuyển về đất liền gặp nhiều khó khăn.

Ðội ngũ lãnh đạo quản lý về y tế cũng được thành phố quan tâm, thường xuyên được cập nhật chuyên môn, nghiệp vụ mới, bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận chính trị, kiến thức, kỹ năng lãnh đạo quản lý, tin học, ngoại ngữ. Giám đốc các bệnh viện là các nhà quản lý chuyên môn lâm sàng, cận lâm sàng được đào tạo về quản lý bệnh viện…