Du lịch Hà Nội “làm mới” để hút khách

Hà Nội là một trong những thị trường du lịch lớn nhất của cả nước. Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, ngành du lịch Thủ đô đã nhanh chóng tìm hướng khôi phục, trong đó chú trọng tạo những trải nghiệm mới, khai thác có chiều sâu các sản phẩm du lịch, tăng cường liên kết với các tỉnh, thành phố để tạo ra các sản phẩm hấp dẫn, giá thành hợp lý nhằm thu hút khách du lịch trong nước.
 

Khách du lịch trong chương trình trải nghiệm tại di tích lịch sử nhà tù Hỏa Lò.
Khách du lịch trong chương trình trải nghiệm tại di tích lịch sử nhà tù Hỏa Lò.

Đổi mới sản phẩm truyền thống
 
 Với những bức tường dày cao ngất, lối đi, những buồng giam hẹp đến nghẹt thở và những cánh cổng nặng nề... di tích lịch sử nhà tù Hỏa Lò đem đến cảm giác khá nặng nề. Đây chính là nơi xưa kia thực dân Pháp đã giam cầm nhiều chiến sĩ cách mạng yêu nước. Khi bóng tối buông xuống, bước qua cánh cổng của di tích nhà tù Hỏa Lò, ai cũng có cảm giác căng thẳng và hồi hộp. Đó cũng là điều mà Ban Quản lý di tích nhà tù Hỏa Lò muốn mang đến cho khách du lịch khi tham gia chương trình trải nghiệm mang tên “Đêm linh thiêng: Sống như những đóa hoa”. Tất cả đèn được tắt đi, những bóng đèn nhỏ chỉ đủ để khách nhận ra lối đi và di chuyển theo chân hướng dẫn viên. Hành trình khám phá di tích nhà tù Hỏa Lò được kể thông qua câu chuyện về những người phụ nữ từng bị thực dân Pháp bắt, tù đày trong nhà tù Hỏa Lò. Những câu chuyện, hoạt cảnh được kể lại ngay trong phòng giam chật chội, hay bên cạnh chiếc máy chém của thực dân Pháp khiến khách tham quan có cảm nhận rõ rệt về sự khắc nghiệt chốn lao tù; đồng thời thêm ngời sáng tinh thần chiến đấu vì độc lập dân tộc của những chiến sĩ cách mạng.
 
 Trưởng Ban Quản lý di tích nhà tù Hỏa Lò Nguyễn Thị Bích Thủy cho biết: “Trung bình, mỗi năm di tích nhà tù Hỏa Lò đón hàng trăm nghìn khách tham quan. Đây là nơi nhiều cơ quan, trường học... chọn làm địa điểm giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước cho thế hệ trẻ, thông qua thực tế đấu tranh của các chiến sĩ cách mạng trong lao tù. Tuy nhiên, làm thế nào để mang lại cho khách tham quan những trải nghiệm vừa mới mẻ, vừa chân thực, để mọi người hiểu thêm về những khắc nghiệt của lao tù, qua đó làm sáng lên tinh thần cách mạng là điều mà chúng tôi luôn suy nghĩ để tìm ra cách làm hiệu quả nhất. Chúng tôi đã phối hợp với đơn vị lữ hành xây dựng hai chương trình trải nghiệm đêm. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng đến nay, lượng khách quan tâm, đặt các tua trải nghiệm đêm khá đông”.
 
 Chương trình tham quan, trải nghiệm tại khu di tích lịch sử Hỏa Lò chỉ là một trong những sản phẩm mới của ngành du lịch Hà Nội nhằm thu hút khách trở lại. Sau năm 2020 nhiều khó khăn đối với ngành du lịch, sang năm nay, dịch Covid-19 tiếp tục được Việt Nam kiểm soát tốt. Đó cũng là cơ sở để ngành du lịch phục hồi. Hiện tại, các điểm đến, các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn Hà Nội đã và đang đồng loạt “làm mới” các sản phẩm du lịch, với hai mục tiêu chính: khuyến khích “người Hà Nội đi du lịch Hà Nội” và thu hút khách du lịch trong nước. Để hiện thực hóa những mục tiêu này, các điểm đến và các doanh nghiệp đều chú trọng khai thác một cách có chiều sâu, đem đến những trải nghiệm mới cho du khách; liên kết với các tỉnh, thành phố khác để hình thành nên những tua “Hà Nội+” (tức là khách tham quan, nghỉ dưỡng tại Hà Nội và đi các tỉnh). Bên cạnh sản phẩm trải nghiệm đêm tại di tích nhà tù lịch sử Hỏa Lò như đã nêu ở trên, còn phải kể đến các sản phẩm mới đang được các đơn vị lữ hành giới thiệu như: Trải nghiệm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”; Khám phá kiến trúc Đông Dương tại khách sạn Sofitel Metropole Legend, Nhà hát Lớn, Di tích Bắc Bộ Phủ...; Tham quan Thăng Long tứ trấn; Tua dọc sông Hồng tham quan: đền Chèm - chùa Bồ Đề, làng cổ Bát Tràng; đền Sóc - làng hoa Mê Linh; ngắm hoa tại Thung lũng hoa Hồ Tây, bãi đá sông Hồng kết hợp tham quan di tích, thưởng thức ẩm thực trên địa bàn quận Tây Hồ...
 
 Trong số này, tua khám phá kiến trúc Đông Dương do Hanoitourist xây dựng là một tua hết sức độc đáo và thu hút, giúp du khách tìm hiểu về một nét đặc trưng của Hà Nội là hệ thống công trình kiến trúc Đông Dương được xây dựng đầu thế kỷ 20. Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng chia sẻ: “Khách sạn Sofitel Metropole Legend là một di sản kiến trúc tuyệt vời. Đây là nơi nhiều nguyên thủ, danh nhân đặt chân đến. Bởi thế, chúng tôi biến khách sạn nổi tiếng này thành nơi khám phá, tham quan, kết hợp với nghỉ dưỡng. Tua khám phá kiến trúc Đông Dương được bố trí thành nhóm nhỏ. Ngoài tham quan khách sạn Sofitel Metropole Legend, khách sẽ được đến các công trình xây dựng theo kiến trúc Đông Dương mang tính biểu tượng của Hà Nội như Nhà hát Lớn, Bắc Bộ Phủ, Bảo tàng Lịch sử quốc gia trong một tua ba ngày, hai đêm. Trước mắt, chúng tôi phục vụ khách trong nước; đồng thời, chúng tôi sẵn sàng để phục vụ khách nước ngoài khi điều kiện cho phép”. Bên cạnh sản phẩm chủ lực du lịch văn hóa, các đơn vị còn xây dựng các tua khám phá vùng ngoại thành, xây dựng các tua nghỉ dưỡng ở Ba Vì, Sóc Sơn... Đáng chú ý, lần đầu Hà Nội có tua du lịch mạo hiểm chinh phục núi Ba Vì.
 
 Đối với các tua “Hà Nội+”, Sở Du lịch Hà Nội và các doanh nghiệp trên địa bàn đã làm việc với ngành du lịch, các đơn vị kinh doanh du lịch ở Ninh Bình, Quảng Ninh, Sơn La, Thừa Thiên Huế, TP Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh... để tạo ra những tuyến du lịch mới, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách. Trong đó, có những tuyến liên tỉnh, thiết kế để khách ít nhất có một đêm ở tại Hà Nội. Cũng chính vì vậy, để giới thiệu những sản phẩm này đến khách hàng tiềm năng, ngành du lịch Hà Nội phối hợp với ngành du lịch các tỉnh, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch và các điểm đến tổ chức Lễ hội Du lịch và Văn hóa ẩm thực Hà Nội từ ngày 16 đến 18-4 tại không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm.
 
 Giá thành giảm, chất lượng bảo đảm
 
 Một trong những yếu tố kích thích nhu cầu du lịch của khách là giá. Để tạo ra những sản phẩm du lịch chất lượng có giá thành hợp lý, ngành du lịch Thủ đô đã chủ động kết nối giữa cơ quan quản lý - hiệp hội, doanh nghiệp du lịch, các đơn vị dịch vụ hàng không, đường sắt, ô-tô, khách sạn, lữ hành, điểm đến... triển khai các chương trình cơ cấu lại ngành du lịch, tập trung xây dựng sản phẩm kích cầu du lịch nội địa. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết: “Sau hơn một năm nhiều khó khăn, các doanh nghiệp đều mong muốn có cơ hội để phục hồi. Do đó, chúng tôi nhận được sự hợp tác của nhiều đơn vị tham gia chuỗi kinh tế du lịch. Chẳng hạn như các hãng hàng không đều có chương trình giảm giá mạnh, nhất là với những hãng lữ hành mua vé với số lượng lớn. Điển hình như Vietnam Airlines cung cấp 200 nghìn vé máy bay đồng giá 99 nghìn đồng tất cả các chặng; Bamboo Airways cũng có chương trình giảm giá, nhất là khi nghỉ dưỡng tại các khu du lịch của Tập đoàn FLC. Nhiều khách sạn tại Hà Nội đang có công suất sử dụng phòng thấp cũng nhiệt tình hưởng ứng chương trình kích cầu. Đó là cơ sở để các doanh nghiệp lữ hành xây dựng các sản phẩm du lịch với giá hấp dẫn mà vẫn bảo đảm chất lượng”.
 
 Trong Lễ hội Du lịch và Văn hóa ẩm thực Hà Nội 2021 diễn ra tại không gian phố đi bộ Hoàn Kiếm, có hơn 200 gian hàng được giới thiệu. Ngoài sự góp mặt của các doanh nghiệp lữ hành, vận tải, 12 địa phương có thế mạnh về du lịch gồm: Khánh Hòa, Bình Định, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên, Hòa Bình, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ cũng tham gia chào hàng. Tại Lễ hội, sẽ có khoảng 1.000 sản phẩm, nhóm sản phẩm du lịch được chào bán với mức giá hấp dẫn.
 
 Đối với du lịch tại Hà Nội, Công ty du lịch VietSense chào tua “Khám phá Thủ đô” có mức giảm giá đến 25%. Các sản phẩm đáng chú ý như: Tham quan Hà Nội một ngày giá 490 nghìn đồng/người, khám phá làng cổ Đường Lâm - chùa Mía - đền Và có giá 580 nghìn đồng/người, tua Tâm linh Tứ bất tử có giá 690 nghìn đồng/người. Trong khi đó, Công ty lữ hành Hanoitourist phối hợp với Di tích nhà tù Hỏa Lò giới thiệu tua trải nghiệm đêm Hà Nội với giá 199 nghìn đồng/người, tua đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” với mức giảm giá 50% còn 125 nghìn đồng/người; Công ty Haseco Travel giới thiệu sản phẩm “Sắc xuân Tây Hồ” với trải nghiệm Thung lũng hoa Hồ Tây và thưởng thức buffet Sen Tây Hồ... Các sản phẩm “Hà Nội +” có tua Hà Nội - Sa Pa (Lào Cai) - Ninh Bình - Hạ Long (Quảng Ninh) - Hà Nội của Hanoitourist kéo dài trong bảy ngày, sáu đêm có chi phí 5,69 triệu đồng/khách. VietSense Travel chào bán hai chùm tua khám phá du lịch Thủ đô và các tỉnh Tây Bắc giảm giá 25%...
 
 Lễ hội Du lịch và Văn hóa ẩm thực Hà Nội 2021 được tổ chức để “đón đầu” dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5. Với sự tham gia của nhiều địa phương, các doanh nghiệp lữ hành hàng đầu cả nước, sự kiện này được kỳ vọng tạo ra “cú huých” mạnh mẽ đến thị trường du lịch trong năm nay. Tuy nhiên, sau một năm gần như “đóng băng”, du lịch mới chỉ bước đầu phục hồi, hàng nghìn doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú vẫn đóng cửa. Nhiều doanh nghiệp vẫn ngần ngại trong “tái khởi động” vì sợ rủi ro có thể quay lại. Từ đó, nhiều doanh nghiệp đã đề xuất như ý kiến của Giám đốc Công ty Flamingo Redtour Nguyễn Công Hoan: “Sau một năm nhiều khó khăn, không có doanh thu, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch cần có thời gian dùng vốn để tái đầu tư, khi thu được lợi nhuận thì mới có thể đóng thuế. Vì vậy, chúng tôi mong muốn Nhà nước có cơ chế hỗ trợ, nhất là về thuế, về bảo hiểm cho nhân lực du lịch để các doanh nghiệp quay lại thị trường. Điều này hết sức quan trọng, vì sớm hay muộn chúng ta sẽ mở cửa đón khách quốc tế. Doanh nghiệp trở lại hoạt động, năng lực đáp ứng được bảo đảm thì du lịch Việt Nam mới có sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế”.