Bảy tỉnh, thành phố Đông Nam Bộ lập liên minh kích cầu du lịch

NDO -

Tối 2-10, tại TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, bảy tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ, gồm: TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Đồng Nai và Tây Ninh đã cùng thỏa thuận, thống nhất ký cam kết tham gia chương trình "bảy địa phương - du lịch an toàn và hấp dẫn". 

Bảy tỉnh, thành phố Đông Nam Bộ lập liên minh kích cầu du lịch

Trong đó, tiêu chí an toàn du lịch được các doanh nghiệp lữ hành đặt lên hàng đầu; tiếp đến là xây dựng bản đồ số du lịch an toàn tại từng địa phương, đồng thời tích hợp vào bản đồ chung của bảy địa phương; triển khai các gói kích cầu du lịch; đẩy mạnh truyền thông từ địa phương đến trung ương.

Dồn lực kích cầu lần thứ hai

Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Trịnh Hàng cho biết, đại dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm 2020 đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến nền kinh tế. Thực hiện các chỉ thị của Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh, giãn cách xã hội, ngành du lịch phải ngưng hoạt động trong một thời gian dài. Đến ngày 7-5, khi tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, được sự cho phép của UBND tỉnh, du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu chính thức hoạt động trở lại.

Các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch đã nhanh chóng khôi phục trạng thái hoạt động kinh doanh và đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới. Chương trình kích cầu du lịch lần thứ nhất đã mang lại hiệu quả tích cực. Số lượng du khách đến Bà Rịa - Vũng Tàu trong tháng 7 đạt hơn 1,7 triệu lượt, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, dịch bệnh bùng phát trở lại ở TP Đà Nẵng đã làm giảm đáng kể lượng du khách đến Bà Rịa - Vũng Tàu.

Thực trạng trên cũng diễn ra tại hầu hết các địa phương và gây ảnh hưởng rất lớn đến mục tiêu phát triển du lịch của các tỉnh, thành phố, khiến nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản. Việc kích cầu du lịch lần thứ hai được xem là rất cần thiết nhằm kích thích nhu cầu đi du lịch của người dân cũng như khởi động lại hoạt động sản xuất, kinh doanh của khối doanh nghiệp du lịch.

Bà Võ Thị Ngọc Thúy, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh nhận định: “Chương trình ký kết thể hiện sự đồng lòng của các lãnh đạo ngành du lịch các địa phương và hệ sinh thái doanh nghiệp du lịch. Điều này sẽ tạo ra sự liên kết, xây dựng các chương trình hành động nhằm khôi phục nhanh thị trường khách du lịch”.

Giới thiệu điểm đến an toàn và hấp dẫn

Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa  -Vũng Tàu cho biết, đợt này tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã công bố, giới thiệu điểm đến an toàn với du khách bắt đầu từ tháng 10.

Cụ thể, các khách sạn, nhà hàng, doanh nghiệp sẽ bảo đảm 100% số cơ sở du lịch an toàn phòng, chống dịch nhưng vẫn áp dụng đồng loạt giảm giá, cụ thể khách sạn từ ba sao trở lên giảm 30% giá niêm yết; cơ sở lưu trú một và hai sao giảm 20% giá; các cơ sở khác giảm 10% giá; các địa điểm tham quan, ăn uống, vận tải giảm từ 10 đến 30%...

“Ở đợt kích cầu lần này, các cơ sở tham gia sẽ được gắn biển nhận diện và được quảng bá thương hiệu trên hệ thống thông tin của ngành và các phương tiện truyền thông. Đây là điểm nhấn của chương trình, thể hiện cam kết vững chắc về chất lượng, giá cả, uy tín mà du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu muốn chuyển tải đến du khách”, ông Trịnh Hàng chia sẻ.

Bà Võ Thị Ngọc Thúy, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh khẳng định: “Chúng tôi cùng nhau kêu gọi và khuyến khích các doanh nghiệp, điểm tham quan tham gia chương trình chung của địa phương và khu vực, xây dựng các chương trình khuyến mại, giảm giá theo nhiều hình thức khác nhau (giảm trực tiếp, tặng thêm các sản phẩm, dịch vụ gia tăng) nhằm xóa bỏ tâm lý lo ngại của du khách”.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ chia sẻ: "Trong tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát tốt nhưng các đơn vị, các tỉnh, thành vẫn phải coi yếu tố an toàn là điều kiện quan trọng để chương trình kích cầu thành công. Vì thế, khi kích cầu du lịch, các tỉnh, thành cần liên kết giữa các nhà cung ứng dịch vụ để có mức giá hấp dẫn. Đặc biệt, với các  hãng hàng không, cần bảo đảm quyền hoàn, hoãn, đổi vé máy bay cho du khách”.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cũng cho biết: Trước những điều kiện, bối cảnh mới, kích cầu du lịch thời gian tới sẽ được mở rộng phạm vi đối tượng không chỉ hướng tới người Việt Nam mà còn bao gồm người nước ngoài đang làm việc, sinh sống tại Việt Nam, cũng như các chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam trên các chuyến bay quốc tế vừa được Chính phủ cho phép nối lại. Để chương trình kích cầu thành công, bên cạnh yếu tố an toàn còn đòi hỏi sự chủ động, sáng tạo của mỗi địa phương, doanh nghiệp. Cần hình thành các sản phẩm mới, chất lượng, giá cả thực sự hấp dẫn để thu hút khách. Trong đó, nên tập trung vào các sản phẩm nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, du lịch golf và du lịch khuyến thưởng cuối năm…

Cũng tại lễ ký kết, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines); Công ty CP Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel); Công ty CP Tập đoàn đầu tư địa ốc Nova (Novaland) và Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành phố miền Đông Nam Bộ cũng thống nhất sẽ tổ chức các chương trình cụ thể, khai thác hiệu quả các sản phẩm du lịch của mỗi địa phương trong khu vực.