Bảo tồn, phát huy giá trị di chỉ khảo cổ

Khu vực Thần Sa, huyện Võ Nhai (Thái Nguyên) là địa chỉ quen thuộc của các nhà khảo cổ học, nghiên cứu lịch sử với những cuộc khai quật và nghiên cứu trong nhiều năm qua. Các công trình đã góp phần khẳng định đây là một trong những cái nôi của người tiền sử. Tuy nhiên, cho đến nay, các di chỉ khảo cổ nổi tiếng nơi đây vẫn chưa được nhiều người biết đến.

Khách du lịch tham quan di chỉ khảo cổ Mái đá Ngườm.
Khách du lịch tham quan di chỉ khảo cổ Mái đá Ngườm.

Từ những năm đầu thế kỷ 20, một số nhà khảo cổ người Pháp đã phát hiện những dấu tích đầu tiên của người tiền sử sinh sống, cư trú trong một số hang động, mái đá ở khu vực Thần Sa. Có lẽ, từ manh mối này, năm 1972, Viện Khảo cổ học Việt Nam và Ðại học Sư phạm Việt Bắc (nay là Trường đại học Sư phạm Thái Nguyên) tiến hành điều tra một số hang trong khu vực với các phát hiện mới lạ của các hiện vật so với văn hóa Hòa Bình, văn hóa Bắc Sơn. Những năm 80 của thế kỷ trước, Viện Khảo cổ học Việt Nam phối hợp các đơn vị tiếp tục khảo sát, điều tra, khai quật di chỉ Mái đá Ngườm thuộc thôn Kim Sơn, xã Thần Sa và gần đây nhất là đợt khai quật năm 2017 bởi Viện Khảo cổ học Việt Nam và Ðại học Oa-sinh-tơn (Mỹ) đã thu được số lượng hiện vật đá rất phong phú về loại hình, thể hiện tính đa dạng và đặc sắc về kỹ thuật chế tác đá.

Mái đá Ngườm nằm trên sườn núi phía bắc dãy núi Ngườm, hình hàm ếch khổng lồ, phía trên vươn ra che mặt bằng ở dưới rộng khoảng 700 m2. Các nhà khảo cổ học cho rằng, người xưa chọn mái đá này làm nơi cư trú để tránh lũ, tránh nắng, mưa, phía dưới có sông thuận tiện cho sinh hoạt, tìm kiếm thức ăn, nguồn đá cuội dồi dào để chế tác ra công cụ. Nhiều công cụ đá của người tiền sử được tìm thấy tại khu di chỉ Mái đá Ngườm rất độc đáo, không thấy ở nơi nào khác của Việt Nam. Theo Giám đốc Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên Bùi Huy Toàn, Mái đá Ngườm có ba tầng văn hóa phát triển liên tục, không có ngăn cách bởi tầng vô sinh. Kết quả nghiên cứu của đợt khai quật năm 2017 cũng cho thấy, các tầng văn hóa có niên đại cách ngày nay khoảng từ 41 nghìn năm đến 23 nghìn năm. Ðiều đó minh chứng cho sự sinh sống, phát triển của người tiền sử ở nơi đây trong thời kỳ rất dài và còn ẩn chứa nhiều bí ẩn mà các nhà khoa học vẫn đang khám phá.

Năm 2015, Viện Khảo cổ học Việt Nam và Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên tiến hành khai quật di chỉ khảo cổ học hang Ốc (xã Bình Long, huyện Võ Nhai) cách Mái đá Ngườm không xa. Hang Ốc nằm ở lưng chừng núi đá vôi, hang cao hơn thung lũng phía dưới khoảng 15 m, cửa hang rộng 14 m, lòng hang sâu 45 m, diện tích khoảng 1.000 m2. Kết quả khai quật cho thấy hang Ốc chỉ có một tầng văn hóa duy nhất có cấu tạo đồng nhất từ dưới lên trên. Di vật tiêu biểu là dấu Bắc Sơn và rìu mài lưỡi, cho thấy đây là di chỉ thuộc văn hóa Bắc Sơn, niên đại cách ngày nay khoảng 6.000 đến 7.000 năm. Cùng với Mái đá Ngườm - di chỉ con người thời đại Ðá cũ, được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia năm 1982, hang Ốc là di chỉ con người thời đại Ðá mới sơ kỳ, được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia năm 2017. Ðây là hai di chỉ quan trọng nhất trong hàng chục di chỉ khu khảo cổ học Thần Sa.

Dù có giá trị, nhưng di chỉ khảo cổ học thời tiền sử ở Thái Nguyên không thể chuyển tải thông điệp của quá khứ đến công chúng khi chưa có sự quan tâm thỏa đáng của các cấp có thẩm quyền, cơ quan chức năng cùng sự hợp tác chặt chẽ của các chuyên gia ngành văn hóa, du lịch. Ngay ở thời điểm này, muốn vào thăm di chỉ Mái đá Ngườm của khu di tích khảo cổ học Thần Sa, du khách vẫn phải vất vả đi trên đường đất khó khăn. Nơi đây hầu như chưa được đầu tư để bảo quản, giữ gìn tính nguyên vẹn của di chỉ về lâu dài, trong khi thông tin về di chỉ giới thiệu đến khách rất sơ sài, chỉ có một người hướng dẫn nay đã 74 tuổi. Trước đó, có thời điểm, cơ quan chức năng còn cho khai thác khoáng sản tại sông Thần Sa bên dưới di chỉ Mái đá Ngườm, ảnh hưởng đến di chỉ. Biển chỉ dẫn đến các di chỉ khảo cổ học khu vực Thần Sa từ TP Thái Nguyên rất thiếu, vài vị trí có biển chỉ dẫn thì lại quá nhỏ, chữ mờ nhạt.

Những đợt khai quật, nghiên cứu khảo cổ học di chỉ Mái đá Ngườm, hang Ốc và nhiều hang động khác ở khu vực Thần Sa đã cung cấp những nhận thức mới về sự phát triển liên tục của văn hóa tiền sử ở Thái Nguyên và Việt Nam, thu hút sự chú ý của nhiều nhà nghiên cứu trong nước và ngoài nước. Vấn đề đặt ra là các di chỉ khảo cổ, di vật của người tiền sử cần được bảo tồn và giới thiệu đến với đông đảo công chúng. Ðây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành khảo cổ và Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên. Triển khai công việc này, trong tháng 5 vừa qua, Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức triển lãm trưng bày di vật, ảnh, tư liệu với chủ đề "Những phát hiện mới về khảo cổ học thời tiền sử ở tỉnh Thái Nguyên" tại Không gian Văn hóa trà Tân Cương (TP Thái Nguyên) và hội thảo "Những phát hiện mới khảo cổ học thời tiền sử tại Thái Nguyên và kinh nghiệm trong việc phát huy giá trị hiện vật khảo cổ học tại bảo tàng". Tại hội thảo, nhiều nhà khảo cổ học, nghiên cứu lịch sử, nhà quản lý văn hóa cho rằng, những di chỉ khảo cổ học ở khu vực Thần Sa hoàn toàn xứng tầm để được công nhận là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt chứ không chỉ là di tích quốc gia như hiện nay.

Thái Nguyên vinh dự có những di chỉ khảo cổ học thời tiền sử quý giá, nhưng đòi hỏi cần có sự quan tâm và giải pháp thiết thực để bảo tồn, phát huy các giá trị để từ đó tạo ra những sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo, có sức hấp dẫn, thu hút khách.