Ba tỉnh miền trung liên kết phục hồi du lịch sau dịch Covid-19

NDO -

NDĐT- Với thông điệp “Điểm đến Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam an toàn và mến khách”, ba tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm miền trung gồm: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam vừa cam kết triển khai nhiều nội dung hướng đến tăng cường liên kết, hợp tác giữa ba tỉnh trong khu vực, nhằm phát huy thế mạnh du lịch của từng địa phương, tạo đà phục hồi du lịch trong và ngay sau dịch Covid-19.

Lãnh đạo ba địa phương Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam ký kết hợp tác phát triển du lịch.
Lãnh đạo ba địa phương Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam ký kết hợp tác phát triển du lịch.

Thiết lập vùng “tam giác” phát triển du lịch miền trung

Với lợi thế của mình, ngành du lịch ba tỉnh Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam giữ vai trò quan trọng đối với kinh tế và phát triển du lịch của cả nước, là điểm kết nối quan trọng và là động lực phát triển liên kết du lịch giữa các vùng. Ðến nay, ba địa phương đã có hơn 10 năm hợp tác trong lĩnh vực du lịch theo biên bản ký kết của ba địa phương. Chính sự liên kết này đã giúp các địa phương có sự liên thông trong công tác quản lý, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch dịch vụ, bảo đảm an toàn cho du khách cũng như chia sẻ nguồn nhân lực, kinh nghiệm trong hoạt động kinh doanh du lịch.

Nhiều năm qua, ngành du lịch của khu vực miền trung ước tính đóng góp gần 20% vào doanh thu du lịch của cả nước. Hơn 80% số du khách quốc tế đến Việt Nam ghé chân tại khu vực này. Theo thống kê, lượng khách nội địa đến Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam năm 2019 lần lượt là 2,63 triệu lượt, 5,16 triệu lượt và 3,12 triệu lượt. Lượng khách quốc tế lần lượt là 2,19 triệu lượt, 3,52 triệu lượt và 4,66 triệu lượt khách.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2020, trước sự bùng phát của dịch Covid-19 trên toàn cầu, lượng khách du lịch nội địa và quốc tế đến Việt Nam nói chung và khu vực miền trung nói riêng đều bị ảnh hưởng rất nặng nề. Cuối tháng 4 vừa qua, nhờ sự quyết liệt của Chính phủ và sự đồng lòng của toàn dân, Việt Nam cơ bản đã khống chế được dịch bệnh. Người dân và doanh nghiệp đang chuyển sang trạng thái “bình thường mới” và việc phục hồi kinh tế nói chung và du lịch nói riêng của Việt Nam, đi đôi với công tác phòng chống dịch, là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ.

Ba tỉnh miền trung liên kết phục hồi du lịch sau dịch Covid-19 ảnh 1

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh phát biểu tại lễ ký kết.

Tại lễ ký kết, đại diện Tổng cục Du lịch và UBND các tỉnh đánh giá, ba địa phương là nơi có nhiều di sản, thắng cảnh, được thiên nhiên ưu ái ban tặng đường bờ biển dài tuyệt đẹp, những bãi cát trắng mịn và không khí trong lành… là những điều kiện để khai thác các dịch vụ đang được đánh giá được khách nội địa lựa chọn cho nhu cầu đi du lịch của mình.

Với truyền thống liên kết lâu nay cùng với sự năng động của mình, ba tỉnh, thành đã có những bước đi nhanh chóng, chủ động liên kết nhằm tạo động lực thúc đẩy du lịch nội vùng và du lịch Việt Nam hồi phục. Đáng chú ý, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam đã và đang tổ chức nhiều sự kiện văn hóa du lịch lớn, trong đó có những sự kiện mang tầm quốc tế với hình thức, nội dung thể hiện sâu sắc nhằm quảng bá, giới thiệu hình ảnh du lịch ba địa phương. Nhờ đó, ngành du lịch khu vực miền trung đã khởi sắc đáng kể với những hoạt động văn hóa đặc sắc và “chỉ riêng nơi này có được” hấp dẫn khách du lịch như: Festival Huế, cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, Festival di sản Quảng Nam…

Cùng “bắt tay” để hỗ trợ phục hồi du lịch

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, khu vực miền trung có rất nhiều thế mạnh cho phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo gắn với di sản, tìm hiểu văn hóa, ẩm thực. Trong đó, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam là ba địa phương nối liền với chiều dài chưa đầy 300km nhưng đã hội tụ đầy đủ các điều kiện để trở thành một trung tâm động lực phát triển du lịch của cả nước. “Chúng tôi đánh giá cao hiệu quả hợp tác liên kết phát triển du lịch của ba tỉnh, thành phố: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam trong hơn 10 năm qua. Có thể nói, đây là một điển hình tiêu biểu trong liên kết hợp tác, xúc tiến, quảng bá phát triển du lịch giữa các địa phương, góp phần hình thành động lực phát triển du lịch của khu vực miền trung cũng như cả nước”, ông Khánh nhấn mạnh.

Với thông điệp “Điểm đến Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam an toàn và mến khách”, ba tỉnh Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam cam kết triển khai các nội dung: bảo đảm các điều kiện an toàn cho du khách trong hoạt động du lịch tại điểm đến; thực hiện các chính sách ưu đãi dành cho cộng đồng du khách và các doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ du lịch; hỗ trợ xây dựng thêm các sản phẩm du lịch mới, gói dịch vụ liên kết giữa ba địa phương và cùng triển khai công tác truyền thông quảng bá du lịch điểm đến chung.

Theo đánh giá của các tỉnh trong khu vực, từ đầu năm 2020, trước sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19 trên toàn cầu và trong nước, lượng khách du lịch nội địa và quốc tế đến Việt Nam nói chung, khu vực miền trung nói riêng đều bị ảnh hưởng rất nặng nề. Lượng khách đến ba địa phương trong năm tháng đầu năm 2020 chỉ đạt khoảng 50% so với cùng kỳ, hơn 95% lao động trong ngành bị ảnh hưởng. Mặc dù dịch bệnh ở trong nước cơ bản được kiểm soát nhưng dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới, các thị trường khách quốc tế còn đóng cửa. Theo dự báo, từ nay đến cuối năm 2020, khách du lịch nội địa sẽ chiếm tới 95% tổng lượng khách trong năm 2020.

Vì thế, chương trình liên kết hành động phục hồi, phát triển du lịch giữa ba địa phương: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam nhằm hướng đến tăng cường liên kết, hợp tác giữa ba tỉnh thành, phát huy thế mạnh du lịch của từng địa phương, tạo đà phục hồi du lịch trong và ngay sau dịch Covid-19; kết nối các hiệp hội, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, lữ hành, liên kết với các đối tác du lịch tầm cỡ và nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến, đầu tư, quảng bá điểm đến. Các chương trình kích cầu với mức ưu đãi tốt sẽ được ba tỉnh, thành triển khai rộng khắp, nhưng đồng thời bảo đảm tiêu chí an toàn ở mức cao nhất, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch của cả khu vực miền trung.

Ba tỉnh miền trung liên kết phục hồi du lịch sau dịch Covid-19 ảnh 2

Hiệp hội Du lịch ba địa phương cũng đã ký kết, thống nhất hưởng ứng thực hiện chương trình kích cầu du lịch sau đại dịch Covid-19.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ, việc ký kết hợp tác liên kết giữa ngành du lịch ba địa phương Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam được thực hiện từ hơn 10 năm trước là mô hình thành công của cả nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh bùng phát của dịch bệnh Covid-19 trên toàn cầu, lượng khách du lịch đến Việt Nam nói chung và ba địa phương nói riêng đã giảm sút rất mạnh. Trước tình hình trên, nhằm triển khai ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc phục hồi ngành du lịch với chủ đề “Việt Nam - Điểm đến an toàn”, hưởng ứng chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho rằng, du lịch là một trong những lĩnh vực ảnh hưởng đầu tiên, nặng nề nhất của nền kinh tế khi xảy ra dịch bệnh Covid-19, nhưng đây cũng sẽ là ngành khôi phục nhanh nhất sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này, việc liên kết hợp tác giữa các địa phương nhằm triển khai các gói kích cầu du lịch, đẩy mạnh xúc tiến quảng bá nhằm phục hồi, phát triển du lịch và hỗ trợ doanh nghiệp du lịch sau dịch Covid-19 trong bối cảnh cả ba địa phương đang tích cực triển khai các hoạt động kích cầu du lịch là hết sức quan trọng và cần thiết.

Ba tỉnh miền trung liên kết phục hồi du lịch sau dịch Covid-19 ảnh 3

Du lịch biển kết hợp nghỉ dưỡng là thế mạnh của Thừa Thiên Huế.

Để cụ thể hóa các ký kết tốt hơn, Hiệp hội Du lịch ba địa phương cũng đã thống nhất hưởng ứng thực hiện chương trình kích cầu; cam kết sẽ vận động, hỗ trợ, giám sát các doanh nghiệp hội viên thực hiện các cam kết về an toàn đối với khách du lịch, thực hiện tốt các quy định về hoạt động du lịch an toàn trong phòng chống dịch theo Bộ tiêu chí của Tổng cục Du lịch và của các địa phương. Xây dựng các sản phẩm dịch vụ du lịch mới hấp dẫn vừa phát huy tiềm năng du lịch của địa phương vừa phù hợp với bối cảnh hiện nay, đồng thời nâng cao tính chuyên nghiệp trong phục vụ khách.

Theo lãnh đạo ba địa phương, thời gian triển khai chương trình kích cầu du lịch chung từ ngày 1-6 đến ngày 30-9-2020, sau đó sẽ tổ chức đánh giá và có kế hoạch kích cầu tiếp theo. Quá trình triển khai nội dung đã ký kết sẽ thường xuyên duy trì đối thoại giữa lãnh đạo các bên nhằm tháo gỡ và xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc. Ba địa phương thống nhất thành lập Ban chỉ đạo thực hiện kế hoạch hành động, trong đó ba đồng chí lãnh đạo các địa phương là đồng chủ tịch, cùng một số thành viên là các ban, ngành liên quan của các địa phương; giao Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch của ba địa phương làm đơn vị đầu mối, tham mưu nội dung kế hoạch hành động và thực hiện triển khai.