Ách tắc đường du lịch ven hồ Núi Cốc

NDO -

NDĐT - Đường du lịch ven hồ Núi Cốc nối tuyến bờ bắc - nam đi qua đồi núi trùng điệp, có ý nghĩa quan trọng trong khai thác cảnh quan và thu hút các dự án du lịch, nghỉ dưỡng ven hồ; đồng thời giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân địa phương. Tuy nhiên hiện nay, việc thi công tuyến đường bị ách tắc, cần sự nỗ lực của chính quyền địa phương và ngành chức năng tỉnh Thái Nguyên.

Cây cầu duy nhất trên tuyến đường du lịch ven hồ Núi Cốc thi công dở dang.
Cây cầu duy nhất trên tuyến đường du lịch ven hồ Núi Cốc thi công dở dang.

Đường du lịch ven hồ Núi Cốc nối bờ bắc với bờ nam dài 2,8km, rộng 6m, trong đó có một cầu bê-tông cốt thép dài gần 170m với tổng mức đầu tư từ ngân sách nhà nước gần 93 tỷ đồng, được thực hiện từ năm 2017 có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển khu du lịch trọng điểm của tỉnh Thái Nguyên là hồ Núi Cốc. Tuy nhiên, việc triển khai xây dựng tuyến đường này thời gian qua đang gặp rất nhiều khó khăn, có nguy cơ kéo dài.

Cụ thể, đến nay mới thi công được 2,1km đường và cầu bê-tông thi công được 90% khối lượng thì bỏ đó, đồng thời dùng cây cối rào chắn ngang đường không cho người và phương tiện lưu thông nhằm bảo đảm an toàn. Ở bên kia cầu, còn 700m đường đi qua khu nhà an dưỡng Trường Sinh do Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Trường Sinh (Công ty Trường Sinh) quản lý chưa giải phóng được mặt bằng.

Nguyên nhân chủ yếu là do thời gian qua, Công ty Trường Sinh không hợp tác, chưa đồng thuận giá bồi thường giải phóng mặt bằng. Cụ thể, khu nhà an dưỡng Trường Sinh cần phải phê duyệt quy hoạch chi tiết mặt bằng, trên cơ sở đó cơ quan chức năng mới xây dựng và phê duyệt phương án giải phóng mặt bằng tuyến đường đi qua.

Mặt khác, trên tuyến đường hiện nay có một số điểm sạt lở lớn, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông và có thể ách tắc bất cứ lúc nào. Mặc dù đã được bồi thường giải phóng mặt bằng theo đúng chỉ giới, xây dựng tuyến đường theo thiết kế, nhưng có hai hộ ở xóm Đá Dựng, xã Phúc Xuân, TP Thái Nguyên không cho khắc phục sạt lở với lý do, khắc phục sạt lở sẽ kéo theo vườn, đồi sạt lở theo nên yêu cầu bồi thường vườn đồi ở phía trên. Trong khi đó, nếu bồi thường vườn đồi ở phía trên sẽ là trái quy định vì ngoài phạm vi chỉ giới.

Đại diện Ban Quản lý rừng phòng hộ hồ Núi Cốc cho biết, tuyến đường được thiết kế nhỏ để tiết kiệm đất, nhiều đoạn đi dưới ta-luy dương có độ dốc cao, đồi núi đất kết cấu không ổn định nên về lâu dài chắc chắn sẽ xảy ra sạt lở thường xuyên. Là tuyến đường du lịch ven hồ qua các khu vực có cảnh quan đẹp, thường xuyên xảy ra sạt lở không những sẽ gây mất an toàn cho du khách mà sẽ ảnh hưởng đến mỹ quan, cơ quan chức năng cần tính toán để bảo đảm bền vững và khai thác lâu dài tuyến đường.

Tuyến đường được thi công đã hơn ba năm, nhưng đến nay chưa thể hoàn thành và với những vướng mắc nêu trên, nếu tỉnh Thái Nguyên không quyết liệt chỉ đạo tháo gỡ thì chưa biết đến bao giờ mới hoàn thành, đưa vào sử dụng để phát huy hiệu quả đầu tư, góp phần phát triển du lịch hồ Núi Cốc.

Ách tắc đường du lịch ven hồ Núi Cốc ảnh 1

Một số đoạn bị sạt lở nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông.