Xứ sở của những “giọt vàng”

Trong lịch sử nhân loại, hiếm có loài cây nào giàu tính biểu tượng như olive. Và cũng hiếm có loài cây nào hàm chứa trong mình nhiều giá trị quý báu song hành, từ văn hóa đến nghệ thuật, từ tôn giáo đến kinh tế như olive. Bảy nghìn năm trước, cây olive đã đổ bộ vào Hy Lạp cổ đại và mang lại cho cư dân bản địa những giọt dầu tinh chất được ví như “vàng lỏng”. Bảy nghìn năm sau, nhành olive vô cùng quen thuộc vẫn hiện diện ở bất cứ đâu, nơi xứ sở của những vị thần ngự trị trên đỉnh Olympus.

Xanh mát bóng rợp olive trên đảo Lesvos.
Xanh mát bóng rợp olive trên đảo Lesvos.

Món quà của thần thánh

Suốt dặm dài lịch sử phát triển, olive luôn hiện diện như một chứng nhân quan trọng, khi góp mặt trong mọi khía cạnh của đời sống xã hội và in dấu trong mọi thành tựu đỉnh cao từng làm nên ánh hào quang rực rỡ của nền văn minh Hy Lạp cổ đại. Hình ảnh chim bồ câu ngậm cành olive trở về sau trận đại hồng thủy báo hiệu thời khắc kết thúc mọi tai ương. Nhành olive được coi là biểu tượng của hòa bình từ thế kỷ thứ năm trước Công nguyên, được gắn với Nữ thần Hòa bình Eirene trên đồng tiền xu cổ đại và bao quanh bản đồ thế giới với hai nhánh cách điệu trên lá cờ của Liên Hợp Quốc nhằm chuyên chở khát vọng yên bình và an lạc của loài người. Cây olive cũng xuất hiện rất sớm trong bộ sử thi đồ sộ Ilyad và Odysse của Homer.

Trong kho tàng thần thoại Hy Lạp, nữ thần Trí tuệ và Sắc đẹp Athena đã chiến thắng Thần Biển Poseidon ở cuộc so tài giành vị trí bảo trợ thành phố Attica mới xây dựng bằng chính cây olive giản dị này. Trong khi vị thần của đại dương tự tin dùng cây đinh ba huyền thoại để tặng cho dân chúng một dòng nước mặn chẳng thể sử dụng vào việc gì thì món quà tượng trưng cho sự thịnh vượng và trù phú, sức khỏe và bình an của Athena đã ngay lập tức thuyết phục được số đông. Thành đô từ đó mang tên vị nữ thần bảo trợ - Athens. Và những giọt vàng lỏng được chiết xuất từ những trái olive chín mọng cũng đã trở thành “thần dược cho sức khỏe” được mọi người dân Hy Lạp trân trọng, nâng niu. Một truyền thuyết khác cũng được lưu truyền, rằng người anh hùng Hercules đã mang cây olive đầu tiên từ thiên đường về cho nhân loại. Và trên chặng hành trình làm nên 12 chiến công hiển hách của mình, chàng đã từng chinh phục một con sư tử chỉ bằng nhánh olive mọc ven đường. Nhờ đó, olive còn được coi là biểu tượng của sức mạnh và vinh quang.

Khoác trên mình tấm áo lấp lánh sắc màu huyền thoại, dầu olive được sử dụng trong nhiều nghi lễ tôn giáo thiêng liêng, được thần y Hippocrates dùng làm nguyên liệu để tạo thành hơn 60 loại dược phẩm chữa bệnh; gỗ để làm nhà cửa, công cụ; cành lá olive được kết thành vòng nguyệt quế dành cho những vận động viên chiến thắng trong các thế vận hội Olympic và trái olive trở thành món ăn không thể thiếu trong mọi thực đơn, ngay từ thời Hy Lạp cổ đại.

Là địa danh đầu tiên trồng trọt olive ở khu vực Địa Trung Hải, đế chế Hy Lạp cổ nhanh chóng trở thành nhà xuất khẩu olive lớn nhất toàn cầu. Hiện tại, quốc gia này đứng thứ ba thế giới về sản lượng dầu olive, với khoảng 300 nghìn tấn mỗi năm nhưng vẫn giữ vững kỷ lục tiêu thụ trên đầu người cao nhất, với 20 lít một năm - một con số thật sự ấn tượng.

Màu xanh hòa bình và thịnh vượng

Nhìn qua cửa sổ máy bay, những hòn đảo của Hy Lạp đều được mầu xanh olive bao phủ. Trên hành trình khám phá những hòn đảo thiên đường như Santorini hay Crete, Katamala, những cánh đồng olive trải dài bát ngát dọc hai bên đường đi là một hình ảnh vô cùng quen thuộc. Và con số 11 triệu cây olive bao phủ tới 40% diện tích đất đai đã giúp Lesvos được mệnh danh là “hòn đảo Ngọc lục bảo”. Tính trung bình, mỗi cây olive cho 20 kg quả chín, ép ra từ ba tới năm lít dầu. Nhân với số lượng cây khổng lồ kể trên, giá trị kinh tế mà “món quà của thần thánh” này mang lại cho Hy Lạp là không hề nhỏ. Là giống cây có kích thước không lớn, mầu lá không xanh thẫm, bóng bẩy mà bợt bạt dưới nắng gió mặn mòi Địa Trung Hải nhưng olive có sức sống và khả năng chống chịu khắc nghiệt thời tiết rất đáng nể. Cây olive cổ thụ trên đảo Crete vẫn chắt chiu cho đời trái ngọt, dù kiên cường đi qua ba nghìn năm lịch sử đã trở thành biểu tượng khiến người dân Hy Lạp đặc biệt tự hào. Năm 2012, cây vẫn cho 55 kg quả, ép được năm lít dầu. Và những nhành cây lịch sử này đã trở thành vòng nguyệt quế cho người chiến thắng trong Thế vận hội Athens 2004 và Bắc Kinh 2008.

May mắn tới đây vào đúng kỳ olive cho trái, chúng tôi được thỏa sức ngắm nhìn cảnh công nhân thu hoạch rồi ép dầu, tinh chế theo cách thức khá thủ công. Rồi được thưởng thức trái olive chín mọng, được khám phá cả một thế giới ẩm thực phong phú xoay quanh những nguyên liệu từ olive, đúng là những trải nghiệm lần đầu thật hấp dẫn.

6_1-1596078776988.jpg
 Trái olive dâng hiến cho đời những “giọt vàng” tinh chất.

Trên đảo Lesvos, trái olive được thu hoạch bằng cách dùng một chiếc sào có nhiều răng được cắm điện. Sào rung sẽ khiến trái chín rụng xuống những tấm bạt dày được trải rộng phía dưới. Quả được gom lại, được loại bỏ những trái dập bằng tay và được đưa ngay tới cơ sở ép dầu, càng sớm càng tốt. Nếu vỏ quả không còn nguyên vẹn, quá trình phân hủy sẽ diễn ra ngay lập tức khiến sản sinh một loại acid làm giảm sút chất lượng dầu. Vì thế, theo hướng dẫn viên của đoàn cho biết, ở Katamala - quê hương của loại dầu olive ngon nhất thế giới, người nông dân vẫn trung thành với phương thức sản xuất truyền thống bao đời. Nâng niu hái quả bằng tay, nhẹ nhàng thả vào rổ rồi ép lạnh thủ công, không dùng hóa chất bảo quản, thương hiệu dầu olive Hy Lạp được cả thế giới tin tưởng nhờ thế.

Để chiết xuất ra thứ dầu thần thánh có khả năng làm đẹp từ tóc đến chân này, người nông dân nghiền nhỏ quả chín bằng những chiếc máy xay cỡ lớn, rồi dàn đều trên những cái nong xếp chồng lên nhau được bện bằng gai dầu hoặc xơ dừa. Dầu thành phẩm từ trái hơi xanh sẽ có vị thơm nhẹ. Còn từ trái chín đã ngả mầu đen thẫm, dầu ngọt và thơm hơi giống mùi hạnh nhân. Dầu chảy ra sẽ được tinh lọc nhiều lần, để có được những giọt vàng lỏng trong vắt, hội tụ tất cả những gì tinh tuý nhất mà tự nhiên ban tặng cho con người.

Lạc vào thế giới những sản phẩm từ dầu olive, ai cũng có cảm giác choáng váng. Quá nhiều chủng loại và cũng quá nhiều mức giá. Trong một cửa hàng giới thiệu sản phẩm trên đảo Lesvos, đếm sơ sơ cũng có tới vài ba chục loại dầu olive, chỉ với công dụng duy nhất: trộn salad. Còn tại một gian hàng mỹ phẩm ngay trong sân bay, cô gái tóc vàng xinh đẹp đã kiên nhẫn giảng giải cho tôi khoảng vài chục dòng sản phẩm, từ chăm sóc tóc đến dưỡng nhan, từ dưỡng thể đến làm khỏe móng tay chân... Đó là còn chưa kể tới vài chục loại nước hoa - dầu thơm cao cấp sử dụng olive làm nguyên liệu chính.

“Bạn có thể mua sản phẩm olive ở khắp các quốc gia Địa Trung Hải, nhưng chỉ Hy Lạp mới có thể cung cấp những gì tốt nhất cho sức khỏe. Bạn có đồng ý với tôi không?”, cô hào hứng kết luận. Tôi biết đó là một câu hỏi cho có, hỏi cho vui. Bởi ai có thể phản bác cô cho được?

6_2-1596078777032.jpg
 Đa dạng những sản phẩm làm đẹp từ trái olive.