Từ đồ bỏ thành đồ ăn

Những nhà hàng, siêu thị sử dụng thực phẩm dư thừa đầu tiên được khai trương ở Anh giờ đang mở rộng chi nhánh ở nhiều nước trên thế giới. Ý tưởng này thu hút lượng hàng quyên tặng khổng lồ, nhờ đó đã cung cấp thực phẩm tới cả triệu người chỉ trong vòng vài năm.

Cửa hàng bán thực phẩm dư thừa ở Leeds.
Cửa hàng bán thực phẩm dư thừa ở Leeds.

Hơn chục người đang xếp hàng bên ngoài một cửa hàng ở Sheffield chờ đến giờ mở cửa. Cửa hàng có đa dạng chủng loại hàng: những thùng hoa quả và rau, những giỏ bánh mỳ, những kệ hàng bán bánh nướng, pate và dưa chua, gà, đồ hộp và rất nhiều bánh ngọt. Điều khiến khách hàng thích quay lại đây là họ chỉ phải trả số tiền tùy thích cho các món hàng họ lấy. Có người đi chợ hằng tuần chỉ với năm bảng Anh.

Anh Jo Hercberg, Giám đốc của dự án Sheffield nói: “Chúng tôi không hề giấu giếm gì về những thứ chúng tôi có. Hàng trong kho chúng tôi là cái mà hầu hết cửa hàng khác sẽ vứt đi. Có thể nó vừa qua hạn sử dụng tốt nhất (best before), có thể rau diếp bị úa ở cạnh lá, có thể là đồ hộp có vết lõm. Nhưng tôi tin khách hàng hiểu điều đó. Họ chọn thực phẩm theo cách mà con người vẫn luôn làm: nhìn và ngửi thực phẩm, nếu nó còn tốt thì họ sẽ lấy.

Hầu hết thực phẩm ở đây đều được “cứu” từ đồ ế của siêu thị, những đồ thừa của nhà hàng và những đồ thải loại từ các chợ bán buôn. Anh Adam Smith, người đã xây dựng và khởi động Dự án về lương thực dư thừa này, đã từng được ngân hàng lương thực gọi cho cả đống đồ hộp mà họ không có chỗ chứa. Anh chất chúng lên xe tải của mình, đổ đống trong kho và rất nhanh sau đó, chúng được mọi người giành giật mua. Những chi nhánh của chuỗi siêu thị Morrisons, Sainsbury’s và M&S đều có người của anh tới gom những mặt hàng không được ưa chuộng. Dự án Lương thực dư thừa này được người đàn ông 32 tuổi, vốn là một đầu bếp tạo ra nhằm mục đích cắt giảm lượng lương thực khổng lồ nước Anh đổ bỏ hằng năm, trong lúc giúp đỡ những người khó khăn trong tình trạng kinh tế thắt lưng buộc bụng.

Cảm hứng cho các dự án về lương thực dư thừa là sự lãng phí lương thực khủng khiếp trên toàn cầu. Hằng năm, theo số liệu của Liên hợp quốc, 1,3 tỷ tấn thực phẩm bị vứt đi, nhưng có 800 triệu người trên hành tinh này đang bị suy dinh dưỡng. Lần đầu tiên anh Smith chú ý đến điều này khi làm việc trên một cánh đồng ở Australia cách đây 5 năm. Họ đổ bỏ lượng rau thừa cho lợn bởi nó còn rẻ hơn là mua lương thực. Trong lúc đó ở Sydney có hàng trăm người trên đường phố chẳng có gì ăn. Đó là mâu thuẫn mà anh muốn giải quyết. Năm 2013, anh trở lại quê hương tại Leeds và thành lập dự án này. Ban đầu nó chỉ là một quán ăn đơn lẻ mở cửa vài bữa trưa một tuần trong một góc cửa hàng cải tạo ở quận Armley của thành phố. Nhưng nó vẫn sử dụng chung một nguyên tắc đã trở thành linh hồn của doanh nghiệp hôm nay. “Tôi và những người tình nguyện thuyết phục các siêu thị địa phương để chúng tôi lấy cái mà họ vứt đi. Điều này đã mở ra một cánh cửa, bởi bỏ lương thực đi cũng tốn tiền, nên có ai đó mang đi hộ thì đúng là cả hai bên đều có lợi. Rồi chúng tôi nấu chỗ thực phẩm đó tại quán ăn”- anh nói. Thực đơn khá đa dạng, có cả cà ri, mì ống và lẩu. Người đến ăn có thể trả số tiền họ muốn, hoặc làm tình nguyện viên để đổi lấy bữa ăn. Đó chỉ là một thử nghiệm. Anh không tin nổi khi nó phát triển nhanh chóng. Trong vòng ba tháng, quán ăn thứ hai do các tình nguyện viên phụ trách đã mở cửa tại Bristol. Ngày nay có hơn 120 quán ăn ở bảy nước trên thế giới trong đó có Đức, Hàn Quốc, Israel, Australia...

Mỗi nơi mới đều dựa trên nguyên tắc cơ bản 90% lương thực được sử dụng là thực phẩm vốn bị bỏ đi. Smith cũng nhận được rất nhiều cuộc gọi từ các nơi yêu cầu anh đến để lấy lương thực ế thừa, điều này mở ra ý tưởng về các cửa hàng theo phong cách siêu thị. “Chúng tôi lấy quá nhiều thực phẩm cho quán ăn. Vậy sao không bán chúng như những hàng rau quả “trả tiền tùy ý”? Nguồn thực phẩm đến từ khắp nơi, khó tưởng tượng được. Một hôm tôi nhận được cuộc gọi từ một công ty vận chuyển. Ai đó đã không trả tiền thuê công ten-nơ và họ muốn đổ chỗ hàng đó đi. Có hàng nghìn hộp đậu ở trong đó và họ cho tôi hết” - anh chia sẻ.

Bất chấp việc mở rộng nhanh chóng của dự án, thành phố Leeds vẫn là trái tim của mạng lưới này với 14 quán ăn “trả tiền tùy ý”. Anh Smith thuê 30 nhân viên toàn thời gian với rất nhiều tình nguyện viên. Dự án này có hợp đồng cung cấp với các siêu thị và thỏa thuận với các nhà hàng và ngân hàng lương thực. Những lương thực dư thừa họ lấy được có rất nhiều mặt hàng đa dạng, đôi khi có cả những nguyên liệu cao cấp. Anh cho biết: “Chúng tôi có mọi thứ từ trứng cá tới tôm hùm, rau và quả. Phần lớn những món ăn trên thực đơn là gà do chúng tôi lấy được 150 kg gà một tuần”. Nhóm Leeds cứu được khoảng 10 tấn thực phẩm một ngày nhưng số lượng họ thu được vẫn đang tăng lên.

Dự án đã lên kế hoạch nhằm cung cấp cho các trường học ở địa phương và hiện tại đã phục vụ thực phẩm tiết kiệm được cho 12 nghìn trẻ em trong vùng. Người thành lập dự án hiểu rằng chiến dịch này chạm tới những vấn đề rộng lớn hơn như nghèo đói và suy dinh dưỡng cực kỳ phổ biến ở quê hương anh, nhưng anh vẫn cả quyết duy trì trọng tâm của dự án: “Mục đích của chúng tôi không nhằm chấm dứt đói nghèo mà chấm dứt việc lãng phí thực phẩm. Tôi tin rằng những tác động xấu tới môi trường của thực phẩm bị đổ bỏ là điều mà chúng ta nên chú ý trước hết. Với tôi, việc tiếp cận với thực phẩm là quyền của mọi con người trên hành tinh này”.

Cô Fareesa Awan, sống gần cửa hàng Sheffield nói: Một người bạn cho tôi biết về cửa hàng này. Tôi chỉ định đến xem nhưng cuối cùng đi về với bao nhiêu hoa quả, rau, bánh ngọt cho bọn trẻ và chồng. Về hạn sử dụng, tôi tin vào đánh giá của bản thân và thấy chúng an toàn.

Nhưng đó vẫn là một thách thức lớn. Dự án này vận hành trong “vùng xám” của quy định thực phẩm. Tháng tư năm ngoái, cửa hàng đã gặp rắc rối khi qua kiểm tra, họ tìm được 444 mặt hàng “quá hạn sử dụng” (expiry date) chứ không chỉ là “tốt nhất sử dụng trước” (best before) - cái này có thể coi chỉ là lời khuyên. “Nhưng thực phẩm đã tới với hơn một triệu người mà không ai từng nói là bị bệnh cả, nên chúng tôi biết mình đang làm gì”, anh Smith kết luận.

Trong lúc những tranh cãi vẫn chưa có hồi kết thì đã có những dấu hiệu tích cực từ các siêu thị - nơi được cho là một trong những nguyên nhân chính gây nên tình trạng lãng phí thực phẩm. Anh cho biết: “Hiện tôi đang làm một số công việc tư vấn cho siêu thị. Quản lý của họ bị báo động với số thực phẩm mà họ vứt bỏ cho doanh nghiệp hằng ngày. Tôi nghĩ họ sẽ tính toán lại và nhận ra họ mất bao nhiêu tiền bởi bỏ đi quá nhiều thực phẩm. Nên họ đề nghị chúng tôi giúp họ giảm lãng phí. Đó là điều tốt”. Nhờ đó một số nhà bán lẻ cũng thực hiện phân loại lại thực phẩm quá hạn để tăng thêm thời gian sử dụng. Đồng thời, các siêu thị lớn cũng ký một cam kết nhằm cắt giảm việc lãng phí thực phẩm 20% vào năm 2025.

Từ đồ bỏ thành đồ ăn ảnh 1

Khách hàng tới quán ăn chỉ trả số tiền tùy thích hoặc làm tình nguyện cho dự án.