Từ cháy rừng đến nạn châu chấu

Đàn châu chấu lên tới hàng trăm triệu con bay rợp trời, ăn sạch cây cỏ trên đường đi, một cảnh tượng ngỡ như trong phim thảm họa, đang hiện hữu ở Kenya, và lan nhanh tới nhiều nước Đông Phi khác...

Châu chấu sa mạc ăn trụi cây cối ở đông bắc Kenya. Ảnh: FAO
Châu chấu sa mạc ăn trụi cây cối ở đông bắc Kenya. Ảnh: FAO

Nạn châu chấu tồi tệ nhất trong vòng 70 năm

Vật lộn với thời tiết cực đoan cả hạn hán và lũ lụt vào năm ngoái, anh nông dân Mohamud Maalim hy vọng năm 2020 sẽ có khí hậu thuận lợi để trồng trọt. Nhưng gần đây, châu chấu đã tấn công trang trại rộng lớn trồng cà chua, ớt, xoài, dưa hấu... ở hạt Garissa, Kenya và tàn phá hầu hết sinh kế của anh. “Đàn châu chấu ập tới vào buổi tối và chúng tôi không biết xử trí thế nào. Vào buổi sáng tất cả đã như hoang mạc. Không thể tưởng tượng nơi đây từng là trang trại”, Maalim nói. Châu chấu ăn sạch các loại hoa màu mà anh đã trồng thay thế những mất mát của đợt lũ kéo dài vào tháng 12 năm trước. Ăn mọi thứ cây cỏ trên đường đi, chúng để lại dấu vết của sự tàn phá mà Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) phải mô tả là tồi tệ nhất ở Kenya trong 70 năm qua.

Nhiều nông dân ở Đông Phi không hề biết gì về nạn châu chấu nghiêm trọng và chẳng làm được gì nhiều để ngăn chúng khỏi phá hoại mùa màng. Cảnh sát Kenya đã dùng súng phun lửa và khí ga phun vào bầy châu chấu ngăn chúng ăn sạch cánh đồng. Ethiopia đã phun thuốc diệt côn trùng từ các máy bay nhỏ để xua đuổi bầy châu chấu dù các máy bay chở khách trong khu vực này đã phải hạ cánh khẩn cấp. Ở Eritrea và Djibouti, hàng trăm nhóm người đang xua đuổi bầy châu chấu với những bình phun thuốc cầm tay và các bình xịt gắn trên xe tải.

Châu chấu sa mạc là loài phá hủy ghê gớm nhất trong các loài châu chấu, chúng có thể tiêu thụ lượng lương thực tương đương trọng lượng của chúng mỗi ngày. Mỗi đàn có hàng trăm triệu con có thể đi tới 90 dặm một ngày. Một bầy châu chấu bao phủ diện tích 2.400 km2 ở Kenya vào tháng 1, theo FAO, đủ lớn để tiêu thụ lượng thức ăn trong một ngày của 85 triệu người. “Châu chấu ăn cây, cỏ. Nó ảnh hưởng tới cuộc sống của không chỉ con người mà cả động vật. Nếu không có hành động tức thời, động vật sẽ chết”, ông Ahmed Abdi Bakal, điều phối viên Hội Chữ thập đỏ ở Somali, nơi có nhiều dân du mục và sự thịnh vượng của họ gắn với đàn gia súc nói.

Ngày càng có nhiều đàn châu chấu đi vào vùng bắc Kenya và với tốc độ này chúng có thể lan tới Uganga và Nam Sudan. Châu chấu từ Somalia vào Kenya cuối tháng 12 năm ngoái, nơi những thách thức về an ninh đã bỏ ngỏ một vùng rộng lớn không được kiểm soát. Giới chức cho biết, khi châu chấu vượt qua biên giới, cư dân ở hạt Wajir la hét, huýt còi và gõ trống để xua đuổi chúng. Đàn đầu tiên rút lui nhưng hôm sau những đàn lớn hơn quay lại bao phủ cả bầu trời. Cảnh sát dùng súng phun lửa nhưng bầy châu chấu không tản đi mà tiếp tục lan rộng.

Căn nguyên từ biến đổi khí hậu

Các nhà khoa học cho rằng biến đổi khí hậu là một trong những căn nguyên chính. Lưỡng cực Ấn Độ Dương khiến Australia khô nóng hơn trong khi những nước như Kenya, Somalia và Ethiopia trở nên ẩm ướt hơn và thu hút hơn đối với châu chấu sa mạc. Những cơn mưa nặng hạt ở Đông Phi từ tháng 10 năm ngoái gây ra lụt lội nghiêm trọng khiến hàng triệu người phải di tản, cũng khiến châu chấu phát triển mạnh. Ngang qua Ấn Độ Dương, cháy rừng bùng phát ở Australia từ tháng 9 đã ảnh hưởng tới một vùng rộng lớn hơn cả Bồ Đào Nha, khiến ít nhất 30 người chết và giết khoảng một tỷ động vật. Khói và mưa tro ảnh hưởng tới nhiều thành phố, thậm chí còn lan tới Nam Mỹ. Trước đó Đông Phi đã quen với những cơn lũ ngắn cũng như cháy rừng đã diễn ra ở Australia nhiều lần, nhưng không ngờ tới mức độ nghiêm trọng của nó như gần đây.

Thời tiết ở cả hai vùng đều bị điều khiển bởi lưỡng cực Ấn Độ Dương (IOD), hay sự khác biệt thời tiết trên bề mặt của Ấn Độ Dương. Ở pha dương, khi vùng biển gần châu Phi ấm hơn vùng biển giáp Australia, hơi ẩm ấm áp thổi theo hướng tây mang mưa đến Đông Phi và hạn tới Australia. Biến đổi khí hậu khiến nó trở nên nghiêm trọng hơn, ông Abubakr Salih Babiker, nhà khoa học khí hậu người Sudan tại Tổ chức phát triển liên chính phủ cho biết. Năm 2019, Australia đã trải qua một năm nóng và khô chưa từng thấy, cây trồng thiếu độ ẩm khiến lửa lan rộng khó kiểm soát với tốc độ nhanh hơn người chạy. Ở Đông Phi, mưa nặng hạt làm cây cỏ phát triển tốt là nguồn thức ăn dồi dào cho châu chấu, đất ẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sinh trưởng của chúng.

Chuyên gia về châu chấu của FAO Keith Cressman lo ngại rằng biến đổi khí hậu khiến Australia sẽ tiếp tục chứng kiến thời tiết khô nóng hơn và những vụ cháy tồi tệ hơn, cũng như châu Phi tương lai cũng sẽ thấy nhiều châu chấu hơn.

Hậu quả khó kiểm soát

Nạn châu chấu nghiêm trọng có thể mất tới hằng năm để kiểm soát và khắc phục hậu quả với chi phí tới hàng trăm triệu đô-la, nguy cơ gây nên nạn đói, đặc biệt ở những vùng an ninh lương thực bấp bênh. Liên hợp quốc ước tính 23,6 triệu người trong vùng phải đối mặt với thiếu hụt lương thực do mưa, tình trạng mất an ninh và nạn châu chấu. 8,4 triệu người ở Ethiopia có thể cần trợ cấp lương thực bởi mất mùa do châu chấu. Ông Qu Dongyu, Giám đốc chung của FAO nói: “Điều này trở thành vấn đề tầm cỡ quốc tế đe dọa an ninh lương thực của toàn tiểu vùng”. Nếu sự bùng phát này không được kiểm soát và gặp điều kiện thuận lợi, chúng có thể tăng lên gấp 500 lần từ nay tới tháng 6 và lan tới 30 nước ở Đông Phi và châu Á.

Phun thuốc diệt côn trùng là biện pháp hiệu quả duy nhất nhằm giảm số lượng châu chấu. Tuy nhiên, việc phun thuốc đắt đỏ và còn nguy hiểm trong khu vực quân sự, hiện chiếm hơn 1/3 những vùng bị ảnh hưởng, theo Tổ chức phát triển liên chính phủ Đông Phi. Ở Ethiopia, quốc gia đông dân thứ hai châu Phi, châu chấu đã tấn công 700 dặm vuông đất trồng trọt, chăn nuôi và rừng, gây nên thiệt hại lớn nhất của đất nước trong thế kỷ này. Chỉ có chưa tới 10% các vùng bị ảnh hưởng được phun thuốc. Phun thuốc ở các vùng chăn thả đặc biệt khó bởi mất nhiều ngày để người chăn chuyển đàn gia súc ra khỏi khu vực.

Đối với Kenya, nhà xuất khẩu rau quả lớn thứ hai ở tiểu vùng Sahara châu Phi, nguy cơ cũng rất cao. Ảnh hưởng từ hạn hán năm 2018 theo đó là lũ lụt năm ngoái, vụ mùa chính của Kenya bị giảm 1/3 sản lượng lương thực, đẩy giá lương thực lên cao và tạo nên bất ổn ở những cộng đồng nghèo.

Sự bùng phát dịch châu chấu ở bắc châu Phi năm 2003-2005 tiêu tốn 600 triệu USD để kiểm soát bao gồm 90 triệu USD trợ cấp lương thực cho các quốc gia bị ảnh hưởng, theo UN. Mất mùa gây thiệt hại ước tính 2,5 tỷ USD: “Chúng ta cần giải quyết tình trạng lan tràn của châu chấu và có hành động nhằm bảo vệ kế sinh nhai ở nông thôn và an ninh lương thực”, người phát ngôn của FAO nói.

Các nhà khoa học xây dựng dự án về đàn châu chấu ở Đông Phi và cháy rừng ở Australia sẽ tiếp tục làm việc trong những tháng tới. Về lâu dài các hiện tượng thời tiết cực đoan như đợt nóng bất thường, hạn hán, lũ lụt sẽ trở nên mạnh hơn nếu không cắt giảm mạnh phát thải khí nhà kính.

Có những dấu hiệu cho thấy thời tiết cực đoan ở những nơi này có thể tăng thêm hiểu biết của người dân về biến đổi khí hậu. Một số liệu vào tháng 1 từ Viện Australia cho thấy 79% người Australia quan tâm tới biến đổi khí hậu, tăng năm điểm phần trăm từ mùa hè năm ngoái, 2/3 người Australia nói rằng những đám cháy gần đây thể hiện cái giá của việc thiếu hành động tích cực chống biến đổi khí hậu.

Một khảo sát liên Phi công bố bởi hãng Afrobarometer năm ngoái cho thấy trong lúc 40% người châu Phi chưa từng nghe về biến đổi khí hậu, 2/3 nói rằng nó khiến cuộc sống ở đất nước họ tồi tệ hơn. Ở Đông Phi con số này lên tới 89%. Khu vực này đặc biệt bị ảnh hưởng nặng nề của bão nhiệt đới và các hiện tượng khí hậu cực đoan. “Chúng tôi bắt đầu năm với hạn hán và kết thúc với báo cáo về lũ lụt. Trong một năm, chúng tôi đã chứng kiến những trường hợp thời tiết cực đoan nhất. Biến đổi khí hậu ngày càng nhiều, ngày càng có nhiều dạng điều kiện cực đoan xảy ra”, nhà khoa học khí hậu Babiker nói.

Từ cháy rừng đến nạn châu chấu ảnh 1

Một người Kenya xua đuổi bầy châu chấu nhưng bất lực.