Trở lại Vấn Xuyên

“Tôi về đây chỉ thắp hương, nói chuyện với những người đã khuất”, cụ ông gần 90 tuổi Vương trầm ngâm. Chuyến xe đưa chúng tôi về huyện Vấn Xuyên (Khu tự trị người Khương, Tứ Xuyên, Trung Quốc), tâm chấn của cuộc động đất kinh hoàng ngày 12-5-2008 vẫn là câu chuyện những ngày ấy.

Trường học Ánh Tú được cải tạo thành Công viên tưởng niệm sự kiện 12-5-2008.
Trường học Ánh Tú được cải tạo thành Công viên tưởng niệm sự kiện 12-5-2008.

Lời hẹn Vấn Xuyên

12 năm trước, một ngày đầu tháng năm, cả Tứ Xuyên (Trung Quốc) rung chuyển, theo đúng nghĩa đen. Năm đó, chúng tôi đang học tại Bắc Kinh. Thời điểm động đất, chúng tôi chỉ cảm giác chao nghiêng rất nhẹ, giống như cái chóng mặt của đám sinh viên đói bụng mải ngồi trong thư viện quên giờ ăn. Chiều tối, thông tin bắt đầu hỗn loạn. Phía ngoài cửa ký túc xá, nhìn ra đường cao tốc liên tỉnh Thông Châu đã thấy xe cấp cứu, xe cảnh sát rú còi inh ỏi. Thời sự tin tức bắt đầu cập nhật liên tục. Tâm chấn của trận động đất là huyện Vấn Xuyên, trong đó thiệt hại nặng nhất là thị trấn Ánh Tú. Tiểu Từ, một nghiên cứu sinh ĐH Thanh Hoa, một người bạn tôi, như trên đống lửa. Nhà cậu ở cổ trấn Thủy Ma - cách thị trấn Ánh Tú chừng năm cây số, từ khi xảy ra động đất cậu chưa liên lạc được với gia đình.

Những ngày sau đó, chúng tôi đọc các con số thương vong trên màn hình ti-vi như một thói quen, giống như bây giờ người ta cập nhật về các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên thế giới.

Tối ngày 13-5, Tiểu Từ hỏi tôi có tham gia cứu trợ cùng nhóm cậu không. Nhóm bạn Tiểu Từ đã thu xếp được một chiếc xe tải với quần áo, bông băng, thuốc men. Chúng tôi đi ngay vào ngày sau đó. Không đơn giản như chúng tôi tưởng, chỉ vài tiếng sau khi vừa ra khỏi thành phố, chúng tôi đã bị chặn lại. Lực lượng chức năng đã đề nghị chúng tôi đăng ký chuyển xe hàng cho phía Chữ thập đỏ tiếp nhận: “Quá nhiều xe tiếp tế tự phát, ùn tắc ở phía Tứ Xuyên rồi, đừng đi nữa. Để chúng tôi làm việc”. Họ cũng không chắc có thể bảo đảm an toàn cho chúng tôi khi mà các dư chấn vẫn đang tiếp tục. Cả chiều đi lẫn về ở các cửa ngõ ra vào Tứ Xuyên, xe đều ùn ứ. Đã bắt đầu có lệnh phong tỏa Tứ Xuyên. Có những chiếc xe cứu thương đi vào tâm chấn, cũng có những xe chở những gương mặt chưa hết ngơ ngác hoảng hốt trở ra. Tiểu Từ nói đó là những nạn nhân đang được chở đi sơ tán.

Lúc ấy, chúng tôi bảo nhau, rằng khi nào mọi chuyện yên, chúng tôi nhất định sẽ đi thăm lại Vấn Xuyên. Rồi hơn một thập kỷ sau, tôi mới có dịp đến Vấn Xuyên.

Ở lại với Vấn Xuyên

Vấn Xuyên trước khi xảy ra động đất được mô tả là một khu người Khương “tú lệ động lòng người”, một bên dựa núi Tứ Cô Nương nổi tiếng, một mặt hướng sông Mẫn Giang, lại thêm suối nước nóng. Hơn thế, Vấn Xuyên còn được xem là cái nôi ra đời của Sơn Hải Kinh - truyền thuyết cổ nhất Trung Hoa - di sản văn hóa phi vật thể hàng đầu đất nước này. Vấn Xuyên còn từng được Cố Sơ Hạ - một thi nhân nổi tiếng thời vua Gia Khánh triều Thanh Trung Quốc - viết thành một bài thơ. Tiểu Từ nói mấy trăm năm qua đi mà huyện này cứ như bị cuộc sống lướt qua, mọi thứ đều y nguyên cảm giác trong bài thơ ấy: nơi có những con bò lười thong dong trên sườn núi, tiếng nước chảy làm loạn nhịp vó ngựa, nơi cả nhịp cầu dây cũng mang thanh âm vui vẻ, những người dân thì luôn hân hoan. Ký ức của cậu thời chưa lên Bắc Kinh học là dòng Mẫn Giang kéo dài dọc con đường ven núi, từ Thủy Ma tới Ánh Tú. Mỗi lần đi xe bus qua Ánh Tú sẽ thấy hàng liễu xanh ngắt rủ dọc con phố hai bên sông.

Mọi sự thơ mộng đã dừng lại sau 14 giờ 28 phút 04 giây ngày 12-5-2008. Nhiều năm sau, Vấn Xuyên dần trở lại cuộc sống bình thường, nhưng những cổ trấn như Thủy Ma hay Ánh Tú thì đã hoàn toàn không còn nữa. Toàn bộ dãy nhà bên bờ sông của thị trấn Ánh Tú đã sụp đổ. Ở trung tâm Ánh Tú, nơi trước kia là trường tiểu học, người ta sửa một phần mặt tiền, biến nơi đây thành Công viên tưởng niệm. Những kiến trúc đổ nát được giữ lại, chiếc đồng hồ ghi thời khắc 14 giờ 28 phút 04 giây đặt chính giữa công viên. Con đường liễu rủ trong ký ức Tiểu Từ đã là một khu phố bán đồ lưu niệm cho khách tham quan. Sau động đất, con sông chảy qua Vấn Xuyên đã đổi dòng.

Ngô Hành, người đàn ông chở tôi và ông Vương, làm nghề lái xe ở Ánh Tú cũng đã mất vợ trong trận động đất. Biết tôi là người Việt Nam, ông hồ hởi: “Con gái tôi cũng đang làm việc ở Việt Nam”. Chúng tôi nói chuyện về du lịch, ông Ngô trầm tư: “Trước động đất người ta đến chỗ này để nghỉ dưỡng, còn bây giờ đây là chỗ tưởng niệm”. Ông Ngô là người ít ỏi chọn ở lại Ánh Tú sau thảm họa. Toàn bộ những người sống sót của thị trấn được di chuyển đến một vị trí mới, Chính phủ Trung Quốc hỗ trợ mỗi gia đình 60 nghìn tệ (hơn 200 triệu đồng) để xây nhà. Đa phần người Ánh Tú bán đất bán nhà rồi đi nơi khác, thường là ra Đô Giang Yển hoặc về Thành Đô: “60 nghìn tệ không đủ để xây nhà lại đâu, sau động đất vật giá rất đắt đỏ. Mà của cải chúng tôi cũng mất hết rồi, cũng ít người can đảm ở lại lắm”, Ngô Hành bảo. Ông cụ họ Vương thì bán nhà, lên Đô Giang Yển sống. Dù vậy, ông vẫn cố gắng về quê một tháng một hai lần.

Tiểu Lan là một phụ nữ trung tuổi giờ đang bán hàng lưu niệm trên đường lên khu mộ tập thể Ánh Tú. 12 năm trước, chị đi làm thuê ở Quảng Châu. Gia đình chị có bố mẹ, chị gái ở lại thị trấn. Trận động đất xảy ra, chỉ những người ở ngoài đường mới sống sót, toàn bộ khu vực gia đình chị bị vùi trong đất cát. Cả gia đình ba người của Tiểu Lan không ai chạy kịp. Ngày về chị chỉ nghe người ta kể lại, mặt đất nứt một vệt lớn, rồi đá ào ào đổ từ trên núi xuống, lấp đi tất cả. Nhà không còn ai, chị trở về Vấn Xuyên, vì chị muốn trông nom thắp hương cho người thân - những người đang nằm trong ngôi mộ tập thể trên đỉnh núi.

Hoàng Nhan, cô hướng dẫn viên du lịch ở khu vực này cũng có một người ông đã qua đời ngày đó. Khi trận động đất xảy ra cô mới tám tuổi, và cô được cứu sống trong đống đổ nát. Thế nên kể cho mọi người về ký ức ấy với tư thế người trong cuộc là nhiệm vụ của cô. Chỉ một bức ảnh hiện trường đổ nát trong triển lãm ngoài trời, cô nói đó trước kia là nhà mình. Bây giờ đó là một phần của trung tâm triển lãm, mua sắm đồ lưu niệm, trình chiếu những thước phim về trận động đất.

Trở lại Vấn Xuyên ảnh 1

Tiểu Lan đã mất cả gia đình sau trận động đất. Chị bán đồ lưu niệm trên đường lên khu mộ tập thể của các nạn nhân Vấn Xuyên.

Và rồi hàng liễu vẫn xanh

Tiểu Từ chưa quay lại Vấn Xuyên. Sau lời hẹn với chúng tôi, Tiểu Từ nhận tin không ai trong gia đình cậu gặp may. Cậu chỉ còn lại một mình. Tốt nghiệp, Tiểu Từ xin việc làm tại một đài truyền hình ở một tỉnh Đông Bắc.

Vết thương rất sâu, dù lên da non vẫn là một nỗi đau âm ỉ. Ông Vương bảo Vấn Xuyên giờ không còn là Vấn Xuyên cũ nữa: “Cũng chẳng còn gì ngày xưa mà về”. Những Ngô Hành, Tiểu Lan, Hoàng Nhan, đều chưa từng quên được ký ức kinh hoàng. Nhưng cả Ánh Tú và Thủy Ma đều đã có kiến trúc mới, cây cầu mới - dù không còn phong vị của tiếng nước có thể làm ngựa quên cả bước như trong thơ Cố Hạ Sơ, thì vẫn có những hàng liễu xanh ngắt.

Những ngày Vũ Hán (Hồ Bắc) bắt đầu phong tỏa trong đại dịch Covid-19, những người bạn ở Trung Quốc của tôi cũng xôn xao. Cô giáo tôi, một giáo sư đại học ở Bắc Kinh là người gốc Vũ Hán. Vì bệnh dịch, bà kẹt lại Bắc Kinh không thể về nhà dịp Tết Nguyên đán. Chúng tôi bất giác nhớ tới câu chuyện 12 năm trước, khi tất cả chúng tôi an ủi Tiểu Từ.

Tiểu Từ nói chỉ ao ước được làm gì đó, giống như khi xưa chúng tôi lao ra phía cao tốc với một xe hàng cứu trợ. Cuối tháng ba, Từ nhắn tin, cậu ấy đã cùng gia đình xuống phố lần đầu tiên sau hai tháng chỉ quanh quẩn trong căn hộ chung cư 80 m2 giữa đất Thượng Hải. “Tớ ăn cá luộc Tứ Xuyên cậu ạ. Tớ vẫn nhớ chúng ta có hẹn Vấn Xuyên. Hết dịch, tớ sẽ quay lại Vấn Xuyên”, Từ bất ngờ nói.

Nỗi đau thế nào, thảm họa lớn đến đâu rồi cũng sẽ đi qua, cuộc sống vẫn tiếp tục thôi.

Trở lại Vấn Xuyên ảnh 2

Thị trấn mới đã được xây dựng sau khi Ánh Tú cũ sụp đổ.