Thủ thỉ với tiếng khèn ở Luang Prabang

Ngày xưa có hai vợ chồng nọ vào rừng săn nai. Nai không thấy nhưng họ bất ngờ gặp được con chim Garavek - một loại chim thần. Tiếng kêu của nó hay đến nỗi làm cả hai ngẩn ngơ. Khi trở về nhà, người vợ liền lấy tre ghép lại thành một loại nhạc cụ có thể mô phỏng tiếng kêu diệu kỳ của chim Garavek. Chuyện đến tai nhà vua, vua gọi hai vợ chồng lên ra lệnh biểu diễn với loại nhạc cụ mới. Họ chơi mãi chơi mãi, tay sắp gãy, miệng sắp rụng ra mà vua vẫn chỉ lim dim mắt, vẫn chưa bảo dừng. Đến khi cô vợ sắp kiệt sức thì thấy ông vua mở choàng mắt: “Đúng rồi đúng rồi, đây chính là thứ âm nhạc ta cần. Tốt hơn rồi đấy”. Và từ đó, loại nhạc cụ ấy được đặt tên là khene (khaen) - tiếng Lào nghĩa là “tốt hơn”.

Một chú tiểu chụp ảnh từ trên đỉnh núi Phousi - đỉnh cao nhất Luang Prabang.
Một chú tiểu chụp ảnh từ trên đỉnh núi Phousi - đỉnh cao nhất Luang Prabang.

Người kể chuyện Thongsamay mở đầu buổi biểu diễn ở nhà hát Garavek (Luang Prabang, Lào) bằng câu chuyện về sự ra đời của cây khèn và cái tên Garavek. Với hình thức kể chuyện trên nền nhạc khèn Mông, các buổi biểu diễn của Garavek duy trì hàng đêm với một suất diễn kéo dài một tiếng đồng hồ bắt đầu từ 18h30.

Một góc Lane Xang

Sau đoạn mở đầu, Thongsamay bắt đầu kể những truyền thuyết dân gian của Lào. Từ câu chuyện về Xieng Mieng - một nhân vật giống Trạng Quỳnh ở Việt Nam, đến những trích đoạn từ Raymayana, hay sự ra đời của núi Phousi - núi cao nhất Luang Prabang, những câu chuyện một thời Lane Xang của đế chế Pha Ngum... Xuất thân từ một hướng dẫn viên du lịch, Thongsamay không khó để truyền tải những câu chuyện với phong cách dí dỏm, hài hước, xen kẽ là những màn biểu diễn khèn điệu nghệ của nghệ nhân khèn đã ngoài 70 tuổi Keodon. Garavek từng được Trip Advisor bình chọn là nơi không thể bỏ lỡ khi đến với Di sản thế giới Luang Prabang.

Kể chuyện là một nghệ thuật biểu diễn không xa lạ ở phương Tây. Còn ở châu Á, ngay cả khi du lịch phát triển ngày một nhanh, việc một người kể chuyện rong vẫn không phải là điều phổ biến. Những buổi diễn kể chuyện ở các quốc gia lấy du lịch làm trọng điểm như Lào, Campuchia, Thái Lan đa phần đã du nhập những nét diễn sân khấu Tây phương.

Garavek không ngoại lệ. Không gian nhà hát nhỏ, được cải tạo từ một căn nhà gỗ cổ ở Luang. Số chỗ ngồi tối đa chỉ có 30 ghế. Ánh sáng, âm thanh đều giản tiện. Người biểu diễn hoàn toàn chỉ dùng tiếng Anh, đôi khi họ nói không cần qua micro. Cái phong cách đẩy đưa, hỏi chuyện, đòi khán giả trở thành một phần của câu chuyện hay lên tiếng đoán về hành động tiếp theo của nhân vật có lẽ hơi xa lạ với người châu Á. Nhưng nhờ thế, dù chỉ có màn thoại của người diễn viên, người xem vẫn bị cuốn hút theo diễn biến trên sân khấu, giống như đang tham gia một cuộc trò chuyện, trên nền đệm réo rắt của tiếng khèn.

Thongsamay nói kịch bản mỗi đêm sẽ khác nhau, thế nên người xem không thể biết câu chuyện tiếp theo là gì. Không khó để nhận ra cái kiêu hãnh ngấm ngầm của người Luang Prabang khi nói về quốc gia Lane Xang xa xưa trong những câu chuyện được truyền tải.

So với những màn kể chuyện ở Campuchia hay Thái Lan, Garavek của Lào được tối giản nhưng lại mang lại cảm giác truyền thống nhất. Những sân khấu kể chuyện ở Bangkok hay Pattaya (Thái Lan) đều ít nhiều được trình bày cầu kỳ, hình thức đa dạng, khán giả đông. Nhưng để duy trì bầu không khí lớn ấy, diễn viên bắt buộc phải có những biện pháp hỗ trợ từ bạn diễn, đạo cụ. Đôi khi, người ta phải chen vào cả những câu chuyện bậy bạ để lấy tiếng cười.

Garavek không chủ trương biến thành sân khấu hài kịch. Dù những người kể chuyện ở đây không xuất thân từ lớp đào tạo chính quy nào nhưng đều rất tỉnh táo và tỏ ra chuẩn mực trên sân khấu. Và điều đó làm nên thương hiệu Garavek, một thứ không gian nhẹ nhàng, yên ả, nằm trọn vẹn trong lòng cố đô nước Triệu Voi.

Truyền thuyết Lào và phong cách kể chuyện Scotland

Garavek chỉ có hai người kể chuyện. Ngoài Thongsamay - mới đến Garavek làm không lâu, Siphai Thammavong cũng là người đồng sáng lập ra nhà hát nhỏ này. Siphai xuất thân từ một gia đình nông dân chính gốc ở ngôi làng nghèo Ban Numpouk. “Ở chỗ tôi, trẻ con được đi học đầy đủ đã là một cố gắng lớn”, Siphai kể. Để có tiền đi học, Siphai đã phải làm nhiều nghề từ nhỏ. “Điều đó giúp tôi có vốn sống để kể chuyện”, Siphai bảo.

Vào đại học, anh lại chọn chuyên ngành tiếng Anh - một thứ nghe như xa xỉ với làng quê của mình. “Lúc ấy Luang bắt đầu nhiều khách du lịch. Tôi thường lân la ra đường, gặp người nước ngoài nào cũng bắt chuyện để tăng khả năng giao tiếp”, Siphai nhớ lại. Tốt nghiệp cao đẳng Sư phạm Luang Prabang, Siphai làm giáo viên tiếng Anh ở Luang Phrabang.

Ngã rẽ của cuộc đời anh là khi gặp Nicholas Gibson (Nick) - một vị khách Scotland thoạt đầu chỉ định ghé qua Luang du lịch. Nick và Siphai đã cùng sáng lập ra Nhà hát Garavek năm 2012 - một nơi chỉ để kể những câu chuyện đậm chất Lane Xang, với chiếc khèn Mông cho khách du lịch. Cả nhà hát chỉ có sáu người vận hành. Ngoài Nick, Siphai, Thongsamay còn có nghệ nhân khèn Koudon, hai nhân viên phục vụ nước uống, soát vé, sắp xếp ghế ngồi Keo Udon và Noy. Mỗi buổi diễn, Nick kiêm luôn cả việc điều khiển ánh sáng. Mô hình nhỏ gọn nhưng như lời của Nick, hầu như tối nào cũng kín chỗ.

Thủ thỉ với tiếng khèn ở Luang Prabang ảnh 1

Thongsamay (bên trái) và nghệ nhân khèn Koudon (bên phải) trên sân khấu biểu diễn dân gian của Nhà hát Garavek.

Thuở ban đầu, Nick và Siphai phải lục hết tất cả các điển tích, truyền thuyết dân gian của Lào để bàn bạc về kịch bản đầu tiên. Ngay cả việc lựa chọn chiếc khèn Mông cũng là một bước mạo hiểm bởi âm nhạc của khèn Mông vốn khá đơn giản. Nick mang vào sân khấu ít nhiều phong cách kể chuyện Scotland - nơi mà những người kể chuyện vẫn rong ruổi trên các con phố và được coi như những nghệ sĩ biểu diễn.

Tám năm trôi qua, mô hình Garavek thành công vượt sức tưởng tượng của Nicholas và Siphai. Họ bắt đầu những tour diễn mang những câu chuyện của mình đi khắp đất nước, mở thêm cả chi nhánh ở Siem Reap (Campuchia). Nick thì nói sắp tới sẽ có thêm cả những nhạc cụ của người Khơ Mú, thêm nhiều câu chuyện để người xem không bị nhàm chán.

Garavek - con chim kỳ diệu - thật sự đã giúp những anh chàng kể chuyện tạo ra một không gian cổ tích ở Luang. Ở đó, người ta có thể cười với Xieng Mieng, buồn với câu chuyện xa nhà của cô con gái Pha Ngum khi bị gả chồng xa, cứ thế, một tiếng chẳng có gì là nhàm chán.

Cả Siphai lẫn Nick đều bảo họ không thiếu khách, nhưng họ vẫn mong sẽ có nhiều người Luang Prabang đến. “Giống như ngày xưa tôi được nghe người già kể chuyện, bây giờ là chúng tôi kể chuyện, tôi muốn kể cho cả người quê tôi”, Siphai bảo. Có một điều Siphai không nói, nhưng sau này chúng tôi mới biết, anh chàng kể chuyện nhất định không nhận mình là nghệ sĩ này, ngoài nghề kể chuyện, còn là người sáng lập ra Liên hoan phim Luang Prabang nữa.

Thủ thỉ với tiếng khèn ở Luang Prabang ảnh 2

Một góc Luang Prabang.