Thêm một túi cà-phê, thêm một ngày tới trường

Lợi cả đôi đường

Một giờ học của học sinh trong vùng.
Một giờ học của học sinh trong vùng.

Bà Querida Barequinha chăm chú lựa những hạt cà-phê để trên giá phơi nắng, chọn ra những hạt bị nứt hay méo mó bỏ đi. “Tôi thích trồng cà-phê bởi nó kiếm được tiền, tôi có thể mua được xà-phòng, dầu ăn, sách vở và những đồ gia dụng khác, rất hữu ích” - bà mẹ bảy con cười sung sướng. Bà Barequinha đã trồng cà-phê được bốn năm trên triền dốc cao núi Gorongosa.

Là một trong 400 người nông dân Mozambique trồng cà-phê để kiếm sống cùng lúc hồi sinh khu rừng đã từng trơ trọi trên đỉnh núi, bà nhận rõ lợi ích cây cà-phê mang lại đối với nông dân trong vùng. Cũng như 200.000 dân làng khác sống ở vùng đệm giữa công viên và các thị trấn kế bên, phần lớn các hộ gia đình đều nghèo khó, thiếu điện và nước sạch, thiếu trường học và bệnh viện. Phụ nữ và trẻ em gái bị ảnh hưởng nặng nề bởi hủ tục truyền thống. Hiệp định hòa bình giữa chính phủ và Phong trào kháng chiến Mozambique (Renamo), được ký kết vào năm ngoái càng thúc đẩy bà cũng như nhiều nông dân mở rộng diện tích trồng cà-phê, tăng thu nhập để cuộc sống bớt nhọc nhằn. “Tôi muốn mọi người trong gia đình cùng tham gia trồng cà-phê bởi nó cho chúng tôi một niềm hy vọng”, bà nói. Điều này cũng nằm trong trong kế hoạch đổi mới Công viên quốc gia Gorongosa nhằm cải thiện cuộc sống người dân sống trong khu vực này đồng thời tái sinh môi trường.

Nằm ở tận cùng phía nam của Thung lũng giãn tách lớn châu Phi và ở trung tâm của Mozambique, Gorongosa là một trong những công viên quốc gia lớn nhất và đa dạng sinh học vào bậc nhất của đất nước này với diện tích 4.000 km2. Gần 20 năm xung đột và nội chiến tàn phá công viên, phần lớn động vật hoang dã bị săn trộm. Việc hồi sinh lại công viên bắt đầu từ năm 2008 nhờ sự hợp tác giữa Chính phủ Mozambique và ông Greg Carr, một nhà từ thiện người Mỹ với Dự án khôi phục Gorongosa. Tổ chức này đã phân bổ hơn một nửa quỹ từ thiện hằng năm vào việc hỗ trợ các cộng đồng sống quanh công viên. Năm 2015, Dự án hợp tác với các chuyên gia hướng dẫn người dân trồng cà-phê trên núi. Công ty cà-phê Goronsoga cũng được thành lập để hỗ trợ các hoạt động của dự án và toàn bộ lợi nhuận từ cà-phê quay trở lại làm lợi cho cộng đồng và hệ sinh thái công viên. Các chuyên gia của công viên quốc gia cho rằng cà-phê là loại cây có thể ngăn được việc mất đất rừng, những bụi cà-phê mọc trong bóng râm lại tạo ra hạt cà-phê có vị ngon đặc biệt nên người nông dân có thể trồng cà-phê xen kẽ các cây gỗ cứng. Thu nhập từ cà-phê có thể gấp 10 lần so với ngô hay các loài ngũ cốc khác do người bản địa trồng, nhờ đó thúc đẩy nông dân tái sinh rừng. 

Vì vậy, chẳng có gì lạ khu rừng mưa phía trên cao từng bị nông dân địa phương phá để trồng ngô làm kế sinh nhai giờ đây đang khoe sắc xanh biếc của cà-phê hòa lẫn với các loài cây trồng bản địa. Ông Matthew Jordan, Phó Giám đốc Chương trình sinh kế nông nghiệp của Công viên quốc gia Gorongora cho biết: “Đó là sự phát triển đôi bên cùng có lợi đối với cả người nông dân và môi trường thiên nhiên, nên công viên rất ủng hộ”. Dự án cà-phê Gorongosa ngày càng mở rộng. Trong vòng bốn năm đã trồng được 40.000 cây cà-phê và năm ngoái đã sản xuất được tám tấn hạt. Khoảng 300.000 cây sẽ được trồng mới trong vòng 10 năm tới. Chính phủ và Quỹ từ thiện Carr vừa qua đã ký thỏa thuận tiếp tục hợp tác trong 25 năm tới.

Người nông dân có nguồn thu nhập tương đối tốt nhờ hạt cà-phê được trả giá cao không còn muốn phá rừng trồng ngũ cốc nữa.Việc chế biến cà-phê cũng tạo ra công việc thời vụ cho hàng nghìn dân địa phương. Đào lộn hột, mật, dứa, bơ, cam quýt, vải và những cây lương thực khác cũng làm tăng thu nhập của người dân và giúp bảo tồn môi trường. Số lượng động vật hoang dã tăng lên khá nhiều, một số loài đã đạt tới con số như trước khi xung đột diễn ra.

Nhịp cầu tới tương lai cho trẻ em gái

Hạt cà-phê do các hộ nông dân sản xuất nhỏ làm ra được chế biến và bán trên toàn thế giới, có ba sản phẩm cà-phê khác biệt mà toàn bộ lợi nhuận từ đó phục vụ ba mục tiêu chính: bảo tồn thiên nhiên hoang dã, tái sinh rừng nhiệt đới và giáo dục trẻ em gái. Một túi cà-phê nhãn “Girls run the world” (tạm dịch Con gái điều hành thế giới) chỉ 17 USD nhưng nếu bạn mua, có thể giúp cho một em gái ở Gorongosa thêm một ngày được đến trường. Ông Eric Willburrn, Giám đốc Công ty cà-phê Gorongosa khẳng định: Sứ mệnh của công ty là giúp mọi em gái sống trong công viên được học trung học trong 15 năm tới.

Câu chuyện bắt đầu lúc ông làm tình nguyện viên cho Peace Corp và dạy học ở vùng nông thôn gần công viên, Willburn thấy hơn 70 đứa trẻ dồn vào trong một lớp học nhỏ. Hơn một nửa số trẻ em gái học tiểu học bỏ học vào lớp 5 và chỉ 11% tiếp tục lên trung học. Học nội trú là lựa chọn duy nhất cho nhiều em gái ở đây khi Dự án khôi phục Gorongosa được triển khai bởi không có trường trung học nào gần đây cả. “Hy vọng của tôi là những con gái của các gia đình nông dân ở đây học tiếp lên cấp hai, học đại học và quay trở lại với dự án cà-phê”, ông nói. Lợi ích từ cây cà-phê hiển hiện với việc giúp xây dựng 100 trường học, 20.000 trẻ em gái có cơ hội tiếp cận với các chương trình sau giờ học như Câu lạc bộ trẻ em gái và cung cấp 500 học bổng trung học cho các cô gái ở các cộng đồng người nông dân sản xuất cà-phê.

“Phải mất khoảng 500 USD một năm chi phí cho một em gái tới trường nội trú ở Mozambique để chi trả cho học phí, tiền thuê phòng, quần áo, sách vở, đi lại, mà hầu hết các gia đình tại đây kiếm sống chưa tới 1 USD một ngày”, ông cho biết. Dự án nhắm tới việc cấp học bổng cho mọi em gái trong cộng đồng và tổ chức này đang tích cực triển khai công tác đào tạo giáo viên và các câu lạc bộ giáo viên để cung cấp đủ nhà giáo cho khu vực này.

Qua Câu lạc bộ của trẻ em gái sau giờ học, dự án tạo cho các em một không gian an toàn để học và thảo luận những vấn đề các em đang phải đối mặt từ kết hôn sớm tới bạo lực do giới. Các câu lạc bộ cũng tạo cơ hội để các em gái được gặp gỡ những phụ nữ hiện nắm giữ các vị trí lãnh đạo bởi “tiếp xúc và học hỏi từ những phụ nữ đang làm nên điều phi thường sẽ khiến các em gái có suy nghĩ rằng chúng có thể trở thành người như thế, chúng được quyền tự quyết trong tương lai, chúng có thể là một tiếng nói trong cộng đồng và hơn thế nữa”, ông nói. Hiện các câu lạc bộ hoạt động mạnh ở khắp 50 ngôi làng chung quanh Gorongosa, tiếc là đang phải tạm dừng do dịch Covid-19.

7_2-1596078777075.jpg

Chị Larissa Sousa và các em gái trong câu lạc bộ. 

“Những cô gái ở đây không có nhiều cơ hội như con trai và giáo dục là một thách thức lớn”, chị Larissa Sousa, quản lý chương trình giáo dục của trẻ em gái do công viên khởi xướng nói. “Mục đích của chúng tôi là giữ các em ở trường, ngăn ngừa việc kết hôn sớm (thường các em gái ở đây chỉ 12-13 tuổi sẽ phải lấy chồng) tạo cơ hội cho các em tiếp cận với tri thức, hiểu biết để trở nên tự tin hơn”, chị Sousa nói.

Em Toneca 15 tuổi, sống ở Canda, phía bắc của công viên thường xuyên đến các cuộc gặp gỡ và nói rằng sẽ không kết hôn sớm. “Em sẽ nói chuyện với các madrinha (những phụ nữ có tuổi uy tín) ở Câu lạc bộ trẻ em gái để được giúp đỡ”. Chị Sousa cho biết: “Khi chương trình bắt đầu năm 2017, phản ứng của người dân rất khác nhau. Họ hỏi tại sao lại đưa con gái chúng tôi tới công viên. Những người đàn ông nghi ngờ bởi chúng tôi bảo họ là đừng cho con gái kết hôn sớm và họ là những người nhận của hồi môn”. Dần dần với sự hỗ trợ của madrinha, niềm tin tăng lên. Thông điệp lan rộng trong cộng đồng và cảnh sát chủ động tìm kiếm các báo cáo về việc kết hôn sớm hay bị bắt ép và lạm dụng. Em Anora Manuel 13 tuổi cũng tham gia Câu lạc bộ trẻ em gái sau giờ học và mơ ước trở thành người bảo vệ rừng khi lớn lên: “Em vẫn còn bé và muốn đi học. Em không muốn lấy chồng”.

7_3-1596078777110.jpg
 Ba sản phẩm cà-phê giúp cải thiện đời sống nông dân và hồi sinh môi trường.