Pura vida và bài học tái sinh rừng

Từ một đất nước diện tích rừng bị hủy hoại lên tới gần một nửa trở thành một điểm đến về du lịch sinh thái nổi tiếng khắp thế giới chỉ trong vài ba chục năm, câu chuyện khôi phục rừng ở Costa Rica thoạt nghe thật khó tin.

Đo cây để nghiên cứu tại rừng Cuatro Rios.
Đo cây để nghiên cứu tại rừng Cuatro Rios.

Cổ tích về rừng hồi sinh

Pedro Garcia cầm trên tay một đĩa hạt cây hạnh núi. “Đây là câu chuyện cổ tích của tôi”, ông nói về loài cây có thể cao tới 60 m khi trưởng thành và là nơi làm tổ ưa thích của vẹt đuôi dài lớn mầu xanh đang tuyệt chủng. Ở tuổi 57, ông Garcia đã lao động trên khu đất El Jicarro rộng 7 ha ở vùng Sarapiqui phía đông bắc Costa Rica trong 36 năm. Dưới bàn tay ông, vùng đồng cỏ chỉ để chăn thả gia súc này đã trở thành một khu rừng rậm rạp, thiên đường của hàng trăm loài động vật hoang dã. Garcia đã khôi phục khu rừng này đồng thời canh tác các sản phẩm nông nghiệp từ tiêu cho đến dứa organic. Ngoài ra, ông kiếm thêm tiền nhờ du lịch sinh thái, bằng cách dẫn các nhà sinh học tham quan vùng đất này với một chút phí trả cho dịch vụ hệ sinh thái (PES), một chương trình do Chính phủ Costa Rica điều hành, nhằm thưởng cho các nông dân thực hành rừng bền vững và bảo vệ môi trường.

Garcia là một trong nhiều người Costa Rica đã tiếp thêm năng lượng cho trào lưu bảo vệ rừng rộng rãi trên khắp đất nước ở vùng Trung Mỹ này. Khi hầu hết thế giới chỉ nhận biết về tầm quan trọng của cây trong cuộc chiến về khí hậu thì đất nước này đã đi trước nhiều năm.

Ông Steward Maginis, Giám đốc toàn cầu của Nhóm giải pháp dựa trên điều kiện tự nhiên của tổ chức về bảo tồn tự nhiên của Liên hợp quốc IUCN nói: “Trong những năm 70 và 80 của thế kỷ trước, Costa Rica có tỷ lệ mất đất rừng thuộc hàng cao nhất ở Mỹ la-tinh, nhưng đất nước đã thay đổi điều này trong một thời gian tương đối ngắn”. Costa Rica là đất nước nhiệt đới đầu tiên đã chặn đứng việc phá hoại và thực hiện công tác bảo vệ rừng.

Trong những năm 40 của thế kỷ trước, 75% đất nước bao phủ bởi rừng mưa tươi tốt. Sau đó người dân đốn trụi rừng để trồng trọt và nuôi gia súc. Chưa có con số chính xác nhưng cho tới năm 1987 ước tính khoảng một nửa cho đến một phần ba rừng đã bị hủy hoại.

Ngay sau đó, chính phủ đã tiến hành hàng loạt những hành động quyết liệt nhằm biến đất nước trở lại thành một thiên đường của tự nhiên. Năm 1996, chính phủ quy định đốn cây rừng mà không được sự chấp thuận của chính quyền là bất hợp pháp và năm sau đó, chính quyền đưa ra chương trình PES.

Ngày nay gần 60% vùng đất này một lần nữa trở thành rừng. Rừng mây bao phủ trên các đỉnh núi, rừng mưa nằm trên những bãi biển phía nam và rừng lá khô chạy dọc phần đông bắc. Mảnh đất trù phú này là ngôi nhà của nửa triệu loài động thực vật. Trong lúc đó trên thế giới, tỷ lệ rừng bị tàn phá tăng nhanh. Theo số liệu từ đại học Maryland, trong năm 2019 khu vực nhiệt đới cứ một phút lại mất khoảng 12 triệu ha rừng. Nhiều nước đã có những cam kết tham vọng nhưng nếu “việc khôi phục rừng chỉ thay thế cho phần mất đi thì tuy nó tốt hơn là không có gì, nhưng chỉ là ngắn hạn”.

Động lực từ tăng nguồn thu nhập

Thành công của Costa Rica được đánh giá cao bởi việc khôi phục rừng song hành với lợi ích kinh tế. Cùng với lệnh cấm phá rừng, việc đưa ra chương trình PES từ đó trả tiền cho nông dân để bảo vệ rừng đầu nguồn, bảo tồn đa dạng sinh học hay giữ lại carbon dioxide cũng được thực hiện. Ông Carlos Manuel Rodriguez, Bộ trưởng Môi trường và năng lượng Costa Rica nói, “cái ví là con đường nhanh nhất để đi tới trái tim”, và người dân sẽ quan tâm đến thiên nhiên hơn nếu nó mang lại thu nhập cho họ.

Anh Elicinio Flores chỉ mới 22 tuổi khi một chương trình của chính phủ trao cho anh khu đất 10 ha ở Sarapiqui. Khi anh đến đó năm 1976, vùng này gần như “hoang sơ”.”Không có đường, không có nước sạch, khó có thể kiếm sống từ khu rừng này”, anh nói. Cùng với những gia đình láng giềng, anh đốn sạch các cây và tạo ra một khu chăn thả gia súc mở có quây rào. Ở giữa cánh đồng, Flores quyết định bảo tồn 5 ha rừng nguyên sinh. Mặc dù chỉ chiếm một diện tích nhỏ, đó là một khu rừng tươi tốt rậm rạp. Flores đã mở rộng khu rừng, trồng thêm 2 ha cây với sự giúp đỡ từ chương trình PES, chương trình trả trung bình 64 USD 1 ha một năm cho việc bảo vệ rừng căn bản, theo FONAFIFO - quỹ rừng của quốc gia. Chương trình này cho phép nông dân tạo thêm thu nhập bằng cách thu hoạch gỗ có lựa chọn từ những khu vực được tái trồng. Flores tìm chỉ dẫn từ Fundecor, một tổ chức phi chính phủ về rừng bền vững nhằm bảo đảm anh chỉ đốn những cây không có ý nghĩa sống còn với hệ sinh thái. Bán gỗ giúp chi trả cho nghiên cứu đại học của con gái anh về du lịch bền vững. Anh nói, “Tôi tự hào mỗi khi vào rừng. Tôi biết rằng con cái tôi sẽ tiếp tục chăm sóc nó khi tôi không ở đây nữa”.

Chương trình của chính phủ được tài trợ chủ yếu nhờ thuế nhiên liệu hóa thạch. Chương trình này đã trả tổng cộng 500 triệu USD cho các chủ đất trong 20 năm qua, cứu được hơn một triệu ha rừng, chiếm 1/5 tổng diện tích cả nước và trồng hơn bảy triệu cây xanh.

Và lòng biết ơn tự nhiên

Theo ông Maginnis, sự trân quý thiên nhiên của người Costa Rica đóng một vai trò quan trọng trong việc tái trồng rừng thành công. Văn hóa này được tóm tắt bởi hai từ “pura vida”, được sử dụng như một lời chào, lời chúc, một lời tạm biệt và trong nhiều bối cảnh xã hội khác. Nghĩa đen là “cuộc sống đẹp quá”, “pura vida” biểu thị nhiều hơn thế - cả lòng biết ơn và lối sống giản dị hòa hợp với môi trường tự nhiên.

Ông Patricia Madrigal-Cordero, cựu Thứ trưởng Môi trường cho biết, sự trân quý này càng trở nên sâu sắc thấm thía khi du lịch sinh thái bùng nổ. “Mọi người đến để ngắm nhìn những ngọn núi, những khu rừng, cảnh đẹp thiên nhiên và khi họ sững sờ khi nhìn thấy một con khỉ hoặc một con lười trên cây, cộng đồng nhận ra những gì họ đang có và hiểu rằng phải chăm sóc nó”. Đất nước năm triệu dân này đón khoảng ba triệu du khách mỗi năm. Theo hội đồng du lịch quốc gia, hơn 60% du khách chọn Costa Rica bởi vẻ đẹp thiên nhiên và nhiều người đổ xô đến các công viên quốc gia và các khu bảo tồn khác, chiếm hơn một phần tư diện tích đất của đất nước.

Năm ngoái, du lịch đã mang lại doanh thu gần bốn tỷ USD cho đất nước. Ngành này cả trực tiếp và gián tiếp chiếm tới hơn 8% GDP và sử dụng ít nhất 200.000 lao động. Ông Juan Robalino, một chuyên gia về kinh tế môi trường từ Đại học Costa Rica cho biết: “Người dân ở Costa Rica kiếm được rất nhiều tiền nhờ du lịch và điều đó làm thay đổi động lực sử dụng đất”. Trong khi các quốc gia láng giềng có cảnh quan tuyệt đẹp tương tự lại thu hút ít khách du lịch hơn nhiều. Ông cũng cho biết nếu không có khách du lịch, cộng đồng sẽ ít nỗ lực hơn trong việc bảo vệ môi trường. Điều này tạo ra một vòng xoáy đi xuống - với doanh thu ít hơn, kinh phí cho bảo tồn giảm, dẫn đến du lịch sinh thái ít hơn.

Guatemala, Mexico, Rwanda, Cameroon và Ấn Độ nằm trong số những quốc gia đã cam kết khôi phục ít nhất một triệu ha rừng thông qua Thách thức Bonn, một nỗ lực toàn cầu nhằm khôi phục 350 triệu ha hệ sinh thái bị suy thoái và rừng bị chặt phá vào năm 2030. Nhưng các quốc gia này thiếu lịch sử lâu dài về chính sách môi trường cộng với tính nhất quán và kiên trì của Costa Rica, ông Steward Maginis nói. Chính sự kết hợp giữa ý chí chính trị, niềm đam mê môi trường và du lịch bùng nổ đã giúp đất nước này trở thành quốc gia tiên phong trong việc tái sinh rừng.

Bộ trưởng Rodríguez nói rằng, mặc dù chiến lược cơ bản của Costa Rica có thể áp dụng bất cứ đâu, nhưng “các nguyên tắc và giá trị” cũng đóng vai trò rất quan trọng. Những điều này bao gồm sự quản trị tốt, tôn trọng quyền con người và một hệ thống giáo dục vững chắc... Còn ông Madrigal-Cordero khẳng định bí quyết thành công của Costa Rica chính là con người. “Pura vida. Tự nhiên nằm trong DNA của chúng tôi”.

7_1-1608702578930.jpg
 Con lười - loài động vật hấp dẫn du khách tới Costa Rica.