Raghurajpur:

Những cung bậc sắc màu

Bọn trẻ đuổi nhau trên xe đạp. Quần áo phấp phới trong gió dưới mặt trời nóng bỏng. Ánh nắng chiếu trên ngôi làng Raghurajpur đẹp như một bức tranh, nơi những con vẹt bằng giấy bồi xanh, đồ chơi gỗ thủ công, những mặt nạ động vật và các vị thần làm nổi bật những hàng hiên râm mát. Những con bò cái lững thững đi trên đường. Những bức tường cũng rực rỡ sắc màu, là tấm toan cho những bức tranh mô tả những cảnh anh hùng trong thần thoại.

Một họa sĩ đang hoàn thành bức pattachitra.
Một họa sĩ đang hoàn thành bức pattachitra.

Nằm cách thị trấn Puri hơn 10 cây số, bên bờ sông Bhargavi, ngôi làng Raghurajpur hệt như một triển lãm nghệ thuật ngoài trời vậy. Được xem là làng di sản, ngôi làng độc đáo này chiếm vị trí nổi bật trên bản đồ văn hóa của Ấn Độ thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến thăm và thưởng thức truyền thống nghệ thuật và nghề thủ công đặc sắc của Odisha. Raghurajpur nổi tiếng về pattachitra, tranh cuộn bằng vải thể hiện những câu chuyện dân gian, hay những chuyện thần thoại của đạo Hindu. Vẽ tranh và chạm khắc là nghề nghiệp của mọi gia đình sinh sống tại đây. Khoảng 500 thành viên thuộc 120 gia đình là những nghệ sĩ hoặc nghệ nhân tài năng, gắn bó với nghề thủ công trong nhiều thế hệ. Một số thậm chí giành những giải thưởng quốc gia danh giá.

Dân làng được cho là đã định cư ở đó từ sau thế kỷ thứ 12 để xây dựng ngôi đền nổi tiếng Jagannath. Họ tạo ra những đồ thủ công như talapatachitra (tranh trên lá cọ), tranh lụa Tassar, chạm khắc đá, đồ chơi bằng gỗ hay từ... phân bò. “Không ai có thể xác định rõ được khi nào những hình thức nghệ thuật này xuất hiện. Toàn bộ gia đình tôi đều liên quan tới việc làm pattachitra, tôi, bố mẹ tôi, em gái tôi... tất cả mọi người”, anh Purushottam Swain, một chitrakara (họa sĩ) trẻ cho biết.

Lối vào làng được đánh dấu bằng một tấm biển ghi tên Làng di sản bên cạnh là chú sư tử điêu khắc. Bao quanh ngôi làng là rừng dừa, cọ, mít và xoài thêm vẻ quyến rũ cho ngôi làng. Nhà được xây thành hai dãy đối xứng hướng vào nhau và ngôi đền nhỏ thờ các vị thần địa phương đặt ở lối đi giữa những ngôi nhà. Những bức tường nhà đơn sơ được trang trí nổi bật bằng các màu sơn xanh lá cây, xanh da trời nhạt, cam thẫm và son đậm, trên đó là những bức tranh tường mô tả cảnh thần thoại từ Kinh của đạo Hindu, Ramayana và Mahabharata. Một số tô điểm sự đa dạng bằng những bức tranh pattachitra, tranh khắc, tượng nhỏ, mặt nạ, đồ chơi...

Trong ngôi nhà cũng là xưởng vẽ của gia đình, anh Bhaskar Mohapatra, người đã làm nghệ thuật từ khi còn nhỏ nói: “Tôi thích tranh từ lúc bốn tuổi. Hồi bé tôi rất nghịch ngợm và không chịu đi học, thay vào đó tôi quanh quẩn bên cha và ông tôi lúc họ vẽ. Lúc lên 10 tôi được đi học nghệ thuật patachitra truyền thống từ nghệ nhân bậc thầy Jagannath Mohapatra từ những năm 80 của thế kỷ trước”. Anh Bhaskar được nhiều người biết tới khi Thủ tướng Narendra Modi chọn tặng bức pattachitra mang tên Cây đời của anh cho Tổng thống Pháp Francois Hollande trong chuyến thăm Pháp năm 2015. Bhaskar tự hào nói: “Với chúng tôi, pattachitra không chỉ là một nghề mà còn là một cách sống”. Tuy có các trung tâm vẽ tranh khác ở Odisha, chính các chitrakar đã mang lại danh tiếng độc nhất vô nhị cho Raghurajpur. “Không như các làng khác, thế hệ sau thích ra ngoài làm việc, bọn trẻ ở đây chỉ thích tham gia cùng người già vẽ tranh, làm đồ thủ công. Gia đình tôi đến đời con gái tôi đã gắn bó với nghề này suốt năm thế hệ”, anh cho biết.

Pattachitra bao gồm hai từ patta nghĩa là vải và chitra nghĩa là bức tranh, tranh trên vải. Các học giả cho rằng pattachitra có nguồn gốc từ thế kỷ thứ 2 trước công nguyên từ bức tranh tường tìm được trong hang Khandagiri và Udayagiri của Bhubaneshwar ở quận Ganjam của Odisha. Nhưng những mẫu hiện đại của pattachitra có nguồn gốc từ khi xây dựng đền thờ thần Jagannath vào thế kỷ 12 sau công nguyên và nó phát triển với tục thờ vị thần này. Chủ đề trong các bức tranh chủ yếu là thần thoại, các câu chuyện tôn giáo và dân gian.

Muốn làm một bức pattachitra đầu tiên phải chuẩn bị vải. Vải cotton được phủ lên hỗn hợp phấn và hồ (làm từ vôi bột và hạt me) để tạo độ cứng chắc, sau đó được đánh bóng và làm mềm trước khi vẽ. Tất cả các mầu trắng, đen, đỏ, vàng, xanh da trời và xanh lá cây đều làm từ các thành phần tự nhiên. Mầu trắng làm từ bột vỏ sò, đen là từ bồ hóng, đỏ từ đá ô xít đỏ, vàng từ đá vàng, xanh từ cây chàm, xanh lá cây từ lá cây. Ngoài ra còn có lá các loài thực vật khác, cánh hoa, quả, đá màu... tạo nên vô số mầu sắc đa dạng.

Theo thời gian, nghệ thuật này đã mang hơi thở hiện đại do nhu cầu của khách hàng. “Hầu hết người mua tranh hiện nay thiếu kiến thức, hiểu biết về những câu chuyện thần thoại. Họ mua tranh chỉ như vật trang trí. Vì vậy bên cạnh loại tranh truyền thống chúng tôi cũng làm tranh cuộn về những sự kiện hiện tại và đôi khi mang hơi hướng thổ dân”, anh Swain giải thích. Những chủ đề về tôn giáo và thần thoại dần nhường chỗ cho chim, hoa, cảnh làng xóm, núi rừng. Để sản xuất với số lượng lớn, một số người đã dùng cả sơn và mầu nhuộm hóa học, tuy nhiên tranh sẽ không bền mầu, trong lúc mầu tự nhiên trông vẫn tươi đẹp sau hàng trăm năm dù đường nét đã mờ đi. Những bức tranh cũng bắt đầu được treo trong phòng khách và là thứ để sưu tầm.

Ngôi làng có nhiều điều thú vị khác ngoài pattachitra. Những quả dừa sơn mầu sáng gắn với cau để làm thành tượng thần. Những con vật trang trí làm từ xơ dừa. Tranh khắc trên lá cọ. Phụ nữ và trẻ em làm các mặt nạ quỷ và các vị thần từ giấy bồi, những án thờ nhỏ xíu bằng đá đen và đồ chơi từ phân bò. Một số nghệ sĩ làm các tấm thẻ chơi bài được biết dưới cái tên ganjifa, một bộ gồm 144 quân, mỗi quân được sơn hình người hay vật trong thần thoại... Dù hiện giờ chẳng còn ai chơi bài, chúng vẫn được nhiều người thích đồ thủ công sưu tầm- một nghệ sĩ cho biết.

Tiếng trống bất chợt vang lên trong làng. Những người đàn ông đi thành đoàn về phía ngôi đền trong làng, những chàng thanh niên tóc dài trong tấm saris tươi sáng và trang điểm sặc sỡ đi trước họ. Họ là những vũ công của đền, những chàng trai trong làng đang học múa Gotipua - tiền thân của điệu múa cổ điển Odissi đặc sắc của Ấn Độ, được biểu diễn cùng với những bài hát về tình yêu thần Radha Krishna.

Vùng đất giàu truyền thống văn hóa và nghệ thuật lâu đời đó đã được Ủy ban nghệ thuật và di sản văn hóa quốc gia Ấn Độ tuyên bố là Làng di sản vào năm 2000. Chính phủ đã cộng tác với một số tổ chức sáng tạo nhằm quảng bá và phát triển tài năng của các nghệ sĩ. Nhờ đó ngôi làng ngày càng được biết tới nhiều hơn ở trong nước và nước ngoài. Những họa sĩ trong làng đã có triển lãm ở các thành phố lớn của Ấn Độ như Delhi, Kolkata và Mumbai..., thậm chí cả ở nhiều nước trên thế giới như Anh, Mỹ. Sống được bằng nghề của cha ông, dân làng càng thêm trân quý và có ý thức giữ gìn nghệ thuật truyền thống. Điều đó khiến ngôi làng trở thành một nơi hiếm thấy, nơi mỗi người dân đều là nghệ sĩ và mỗi ngôi nhà trong làng đều là xưởng vẽ. Căn phòng phía trước nhà thành nơi triển lãm tác phẩm, và mỗi gia đình đều tự hào về điều này.

Tuy nhận được nhiều hỗ trợ của chính phủ trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm đón khách du lịch và quảng bá các sản phẩm nhưng anh Swain chia sẻ: Việc làm ăn của chúng tôi bị thiệt thòi nhiều bởi nhiều làng chung quanh đã bắt chước chúng tôi, tuy nhiên hầu hết sản phẩm của họ không phải đồ thủ công. Chẳng hạn họ sản xuất ra các sản phẩm như pattachitra và tranh lá cọ với số lượng lớn sử dụng công nghệ in mộc bản và bán giá rẻ. Hiện chính quyền Odisha đã đưa danh thiếp cho các nghệ sĩ và nghệ nhân Raghurajpur để họ có thể được xác nhận khi tham gia triển lãm hay hội chợ đồ thủ công ở những nơi khác.

Giữ gìn nghệ thuật truyền thống, làm cho nó luôn sống động, rực rỡ và truyền lại vẻ đẹp cho thế hệ sau, đó là điều đang hiển hiện tại ngôi làng di sản này và đó cũng chính là cuộc sống thường nhật của những người dân - những nghệ sĩ của làng.

Những cung bậc sắc màu ảnh 1

Sản phẩm thủ công ở làng di sản.