Một thế giới bị đảo lộn

Nhiều năm trước, điện ảnh Liên Xô công chiếu bộ phim có tên là “Mùa chết”, kể về chiến công của các chiến sĩ tình báo Liên Xô đánh cắp được bí mật của phương Tây, trong đó có cả một loại virus được sử dụng trong chiến tranh sinh học, có khả năng gây nên những dịch bệnh chết chóc, tạo ra một “mùa chết” của nhân loại...

Phun thuốc khử trùng nơi công cộng ở Italia.
Phun thuốc khử trùng nơi công cộng ở Italia.

Covid-19 bình đẳng với tất cả

Trong những ngày này, nhân loại đang trải qua một “mùa chết” thật sự, với đại dịch Covid-19 xuất phát từ Vũ Hán (Trung Quốc), đã lan nhanh trên toàn cầu. Con virus nhỏ bé đến mức gần như vô hình đã làm thay đổi thế giới một cách nhanh chóng đến không ngờ, gây đảo lộn hầu như toàn bộ mọi mặt của đời sống xã hội, khiến cho các nhà hoạch định chính sách phải đưa ra những quyết định mà có lẽ chỉ một thời gian ngắn trước đây thôi, không một ai có thể hình dung ra chúng lại hiện diện trong đời sống xã hội.

Covid-19 đối xử một cách tuyệt đối công bằng với tất cả. Thủ tướng hay người công nhân, thành viên gia đình Hoàng gia hay chị lao công quét rác, một minh tinh màn bạc nổi tiếng hay siêu sao bóng đá, nhà chính khách cực hữu hay một nhân viên máy tính văn phòng đều có thể bị nhiễm Covid-19. Rủi ro của việc nhiễm bệnh không chỉ tùy thuộc vào điều kiện chăm sóc tốt hay không, mà còn phụ thuộc rất nhiều vào thể trạng, có bệnh nền hay không, trong độ tuổi nào...

Như thế, đến ngay cả những người bình thường vẫn được cho là có điều kiện sống ưu đãi hơn số đông trong xã hội, vẫn hoàn toàn có thể phải chấp nhận rủi ro cao, nếu bản thân không có được một nền tảng thể lực tốt để đối phó vượt qua sự phá hủy của loại virus chết chóc này.

Covid-19 cũng chẳng buông tha bất cứ quốc gia nào, giàu hay nghèo, công nghiệp hóa hay đang phát triển. Trung Quốc bị nhiễm đại dịch đầu tiên, nhưng Italia, rồi Tây Ban Nha, Pháp cũng nhanh chóng rơi vào thảm trạng với hàng chục nghìn người tử vong, hàng trăm nghìn người nhiễm Covid-19. Sắp tới, rất có thể nhiều quốc gia châu Âu cũng theo chân Italia, Tây Ban Nha ngụp lặn trong khủng hoảng khi bị Covid-19 tiến công.

Đối thủ cũng bị nhiễm dịch như nhau

Iran đang ở trong thời điểm tồi tệ nhất do các biện pháp trừng phạt kinh tế nghiệt ngã của Mỹ thì đại dịch Covid-19 ập tới. Kể từ năm 2018, các biện pháp trừng phạt của Mỹ đã làm giảm gần 20% sức mua của người Iran có mức sống trung bình. Cuộc khủng hoảng y tế do nạn Covid-19 sẽ khiến cho con số đó xuống thấp hơn nữa. Tầng lớp trung lưu Iran chiếm 60% tổng dân số năm 2012, đến thời điểm đại dịch Covid-19 giảm xuống còn chưa đến 50% dân số.

Thế nhưng nước Mỹ, quốc gia đưa ra lệnh trừng phạt Iran, cũng đâu có thoát khỏi dịch! Các con số người nhiễm và tử vong vì Covid-19 ở Mỹ tăng lên hàng giờ. Theo CNN, đến đầu tháng 4-2020, 262 triệu người Mỹ, tức khoảng 80% dân số, đang bị “nhốt” tại nhà. 49/50 bang của nước Mỹ đã ghi nhận người tử vong vì Covid-19, trong đó hơn một nửa tập trung ở New York. Bang duy nhất chưa ghi nhận người chết vì đại dịch là Hawaii nằm giữa Thái Bình Dương.

Ngay cả những biểu tượng sức mạnh dường như vô đối của các lực lượng vũ trang Hoa Kỳ cũng đang bị Covid-19 tiến công dữ dội và chưa tìm ra phương cách chống đỡ. Hạm trưởng tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, một trong 11 tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân của Hải quân Mỹ, đã phải viết tâm thư kêu cứu Lầu năm góc, đề nghị cho phép các thủy thủ của tàu lên bờ để cách ly, tránh nguy cơ con tàu siêu hiện đại 100 nghìn tấn này biến thành một du thuyền Diamond Princess thứ hai. “Chúng ta không phải đang trong chiến tranh. Các thủy thủ không cần phải chết. Nếu không hành động bây giờ, chúng ta sẽ không thể bảo vệ tài sản giá trị nhất của chúng ta - các thủy thủ”, hạm trưởng Crozier viết trong tâm thư dài bốn trang được New York Times đăng tải.

Thế giới đang phải đối mặt với một tình thế nguy cấp chưa từng có kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai, với số lượng người nhiễm virus SARS-CoV-2 và số tử vong tăng lên không phải hằng ngày mà theo từng giờ, từng phút, chưa biết bao giờ mới dừng lại.

Trung Quốc có những biện pháp quyết liệt

Để đối mặt với sức tàn phá khủng khiếp của Covid-19, mỗi quốc gia, mỗi dân tộc đã lựa chọn cho mình phương cách mà họ cho là tốt nhất, phù hợp nhất để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, giảm bớt tối đa số người bị nhiễm cũng như số ca tử vong do Covid-19 gây ra.

Trung Quốc, nơi có thành phố Vũ Hán ở tỉnh Hồ Bắc là nơi xuất phát của dịch Covid-19, trong thời gian đầu dịch mới bùng phát đã chưa có phản ứng kịp thời. Sau khi dịch bệnh, khi ấy vẫn còn được gọi với cái tên “cúm Vũ Hán”, được phát hiện vào cuối tháng 12-2019, ngày 21-1-2020, chính quyền thành phố Vũ Hán vẫn còn tổ chức một buổi biểu diễn văn nghệ chào mừng Tết Nguyên đán với hàng nghìn người tham gia.

Nhưng đến khi nhận thức được sự nghiêm trọng của nguy cơ bùng phát dịch bệnh, Trung Quốc đã cho tiến hành những biện pháp chưa từng có, trong đó có quyết định phong tỏa toàn bộ thành phố Vũ Hán, đồng thời thi hành chính sách khẩn cấp trên toàn quốc.

Các nhà nghiên cứu ở Trung Quốc, Mỹ và Anh công bố trên tạp chí khoa học Science, cho rằng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh mạnh mẽ của Trung Quốc trong 50 ngày đầu tiên xuất hiện Covid-19 đã tạo ra thời gian chuẩn bị quý giá cho các thành phố khác ở Trung Quốc và giúp những nơi này đưa ra các biện pháp hạn chế cần thiết.

Sự quyết liệt trong các biện pháp kiểm soát của Trung Quốc đã phá vỡ thành công chuỗi lây lan - ngăn chặn sự tiếp xúc giữa những người nhiễm bệnh và dễ nhiễm bệnh, giúp các địa phương khác đưa ra các biện pháp như cấm tụ tập ở công cộng, đóng cửa các địa điểm giải trí...

Sự chủ quan phải trả giá đắt

Nhưng có vẻ như các quốc gia châu Âu đã không học hỏi được gì nhiều từ kinh nghiệm Trung Quốc. Khi xuất hiện những ca mắc Covid-19, nhiều người dân Italia, Tây Ban Nha, Pháp vẫn coi đó như là một thứ dịch bệnh ở tít châu Á xa xôi, không có khả năng đụng chạm đến họ.

Bất chấp việc Italia là quốc gia châu Âu đầu tiên cấm các chuyến bay đến từ Trung Quốc, đa số người dân cũng như giới chức nước này vẫn chủ quan, không đánh giá hết mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh. Những biện pháp chưa từng có như ban hành lệnh phong tỏa 60 triệu dân, cấm việc di chuyển không cần thiết do giới chức Italia đưa ra chỉ khi đã quá muộn.

Khi số bệnh nhân tăng lên đến cấp số nhân và các bệnh viện ở Italia lâm vào tình trạng quá tải buộc các bác sĩ phải đưa ra lựa chọn là nên cứu người nào, bỏ người nào, một bi kịch đạo đức mà không có bất cứ một bác sĩ nào muốn phải đối mặt.

Cũng tương tự khi ở Tây Ban Nha, sự chuẩn bị thiếu chu đáo để phòng, chống dịch bệnh đã khiến cho đội ngũ y tế nước này lâm vào tình thế bi kịch, với tỷ lệ những nhân viên làm việc trong ngành y tế bị nhiễm virus SARS-CoV-2 cao nhất thế giới.

Trong khi đó, dựa trên thực lực và cơ sở hạ tầng y tế công nghệ hóa cao được chuẩn bị sẵn, Hàn Quốc, Singapore lại lựa chọn phương thức xét nghiệm trên diện rộng, sớm phát hiện các ca bệnh tiềm ẩn, hạn chế được tối đa sự lây lan, từ đó giảm bớt tỷ lệ người nhiễm bệnh và tử vong một cách đáng kể.

Không có lợi thế về quyền kiểm soát như ở Trung Quốc hay hệ thống y tế như ở châu Âu và Mỹ, hạ tuần tháng 3, Ấn Độ lựa chọn một phương thức chưa từng có: phong tỏa cả nước với hơn 1,3 tỷ dân. Toàn bộ người dân được yêu cầu ở trong nhà để hạn chế sự lây lan. Các chuyên gia cho rằng nếu không có biện pháp kiểm soát, 300 triệu đến 500 triệu người Ấn Độ có thể bị nhiễm bệnh vào cuối tháng 7 và 30 triệu đến 50 triệu trong số đó là các ca bệnh nặng.

Là quốc gia đông dân thứ hai thế giới, có số lượng lớn người nghèo sống trong điều kiện đông đúc, mất vệ sinh và cơ sở hạ tầng y tế công cộng yếu kém, chỉ có 0,7 giường bệnh/1.000 người (Italia gặp khủng hoảng cho dù có đến 3,4 giường/1.000 người), Chính phủ Ấn Độ hiểu rằng nếu chủ quan sẽ phải trả giá rất đắt.

Vượt qua “mùa chết”

Rõ ràng là trước nguy cơ đại dịch Covid-19, mỗi quốc gia đã có những phương thức xử lý phù hợp với đặc tính văn hóa, hoàn cảnh cụ thể của từng nước. Hiệu quả của những phương thức này đến đâu, chỉ có thời gian mới có thể trả lời.

Trong bối cảnh Covid-19 đang lan rộng trên toàn cầu, những nỗ lực đối phó với dịch bệnh của Chính phủ và người dân Việt Nam là đáng ghi nhận. Có chung đường biên giới với Trung Quốc là nơi bùng phát dịch bệnh, Việt Nam đã duy trì được tình trạng kiểm soát tốt dịch bệnh, nhanh chóng dập tắt những ổ dịch có nguy cơ lây lan, bảo đảm tỷ lệ số người bị nhiễm bệnh ở mức thấp so với tổng số dân.

Sự cộng hưởng cao độ giữa những người ra quyết sách với người dân đặt niềm tin vào Chính phủ, là cơ sở để Việt Nam có thể vượt qua những ngày tháng khó khăn này, sớm mang lại bình yên cho người dân, cho đất nước.