Một nhịp hy vọng

Hội nghị cấp cao Hoa Kỳ - Triều Tiên diễn ra tại Hà Nội trong hai ngày 27 và 28-2 đã thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận quốc tế. Từ một quốc gia thụ hưởng những thành tựu của các hội nghị hòa bình như Geneve 1954 hay Paris 1968-1973, Việt Nam đã trở thành địa điểm để tổ chức thành công một hội nghị kiến tạo hòa bình ở tầm vóc quốc tế...

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un tại cuộc gặp riêng trong ngày thứ 2 của Hội nghị cấp cao Hoa Kỳ - Triều Tiên ở Hà Nội. Ảnh: AFP/TTXVN
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un tại cuộc gặp riêng trong ngày thứ 2 của Hội nghị cấp cao Hoa Kỳ - Triều Tiên ở Hà Nội. Ảnh: AFP/TTXVN

Cái kết bất ngờ

Có thể thấy dư luận khá bất ngờ khi cuộc gặp cấp cao giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un tại Hà Nội diễn ra trong hai ngày 27 và 28-2-2019 đã không đi tới một thỏa thuận cuối cùng được ký giữa hai bên.

Bất ngờ đó có thể được giải thích do những tuyên bố khá lạc quan của hai bên trước khi diễn ra cuộc gặp đã khiến cho dư luận kỳ vọng vào một bước tiến mang tính đột phá tại hội nghị cấp cao lần này.

Cũng có thể những lời nói nồng ấm mà hai nhà lãnh đạo hai bên dành cho nhau trong cuộc gặp tối 27-2 đã khiến dư luận trông chờ vào một thỏa thuận sẽ sớm được ký kết.

Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra.

Phát biểu trước đông đảo báo giới trong buổi họp báo ở khách sạn JW Marriott ngay sau khi kết thúc cuộc họp với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un, Tổng thống Donald Trump cho rằng nguyên nhân chính dẫn tới việc hội nghị cấp cao lần này giữa hai nhà lãnh đạo không đạt được tới một thỏa thuận cuối cùng là do sự khác biệt về “tầm nhìn” giữa hai bên còn quá lớn!

Theo Tổng thống Hoa Kỳ, Triều Tiên muốn phía Hoa Kỳ xóa bỏ hoàn toàn các lệnh trừng phạt lâu nay nhằm vào Triều Tiên do chương trình hạt nhân của nước này trước khi Bình Nhưỡng giải giáp kho vũ khí hạt nhân của mình; ở chiều ngược lại, phía Hoa Kỳ muốn Triều Tiên thực hiện tiến trình phi hạt nhân hóa toàn diện trước khi có bất cứ một sự giảm bớt lệnh trừng phạt nào.

Chưa đầy 24 tiếng đồng hồ sau, đoàn Triều Tiên tổ chức họp báo vào ngày 1-3 tại khách sạn Melia. Theo đoàn Triều Tiên, ở hội nghị cấp cao, Triều Tiên không yêu cầu Hoa Kỳ xóa bỏ toàn bộ các lệnh trừng phạt nhằm vào nước này mà chỉ muốn gỡ 5/11 lệnh trừng phạt, chủ yếu do Liên hợp quốc áp đặt trong giai đoạn 2016 - 2017 đã gây khó khăn cho đời sống người dân cũng như nền kinh tế Triều Tiên. Đổi lại, phía Triều Tiên sẽ phá hủy cơ sở hạt nhân ở Yongbyon như là một bước đáp ứng với hành động của Hoa Kỳ và tiếp tục tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.
Theo phía Triều Tiên, những đề xuất do Chủ tịch Kim Jong Un đưa ra ở hội nghị cấp cao là “vừa mức”.

Cả hai phía đều chưa sẵn lòng làm những gì mà phía bên kia đòi hỏi nên Hội nghị cấp cao Hoa Kỳ - Triều Tiên đã không thể đi tới một thỏa thuận cuối cùng.

Thành tựu của đôi bên

Tuy nhiên, nếu nhìn nhận một cách tổng thể thì ngay khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ngồi xuống cùng với Chủ tịch Kim Jong Un bên bàn hội đàm tại khách sạn Metropole, Hà Nội thì đó đã là một thành tựu đối với cả hai bên ở cuộc gặp cấp cao Hà Nội lần này.

Với Tổng thống Trump, việc Triều Tiên ngừng các vụ thử tên lửa và vũ khí hạt nhân trong hơn một năm qua đã được ông nhìn nhận như là một trong những thắng lợi ngoại giao trong nhiệm kỳ của ông. Với giả định mà ông Trump đặt ra là nếu như không phải ông làm Tổng thống Hoa Kỳ thì có lẽ hai bên đã đang trong tình trạng chiến tranh (với vũ khí hạt nhân?), việc Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un chấp nhận đàm phán cấp cao đã là một thắng lợi. Ít nhất thì bán đảo Triều Tiên cũng đã giảm bớt một phần căng thẳng và ông Trump, người luôn tìm kiếm sự khác biệt so với những người tiền nhiệm, cho rằng mình đã làm được điều mà không có bất cứ một Tổng thống Hoa Kỳ nào trước đây từng làm được!

Nếu hội nghị cấp cao lần hai đạt được một thỏa thuận, đấy sẽ là một thành tựu đáng tự hào của ông Trump. Nếu không có thỏa thuận, điều đó cho thấy ông là con người cứng rắn, không phá bỏ các nguyên tắc mà Hoa Kỳ lâu nay vẫn theo đuổi.

Còn với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un, họp cấp cao với Tổng thống Hoa Kỳ hồi tháng 6-2018 ở Singapore và nay ở Hà Nội gần như đồng nghĩa với việc đất nước của ông có vị thế bình đẳng ngang hàng với một cường quốc hạt nhân là Mỹ.

Có nghĩa là hai nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Triều Tiên ít nhất cũng có thể hài lòng khi rốt cuộc thì cuộc gặp cấp cao lần hai đã diễn ra ở Hà Nội.

Và dẫu cho không đạt được một thỏa thuận cuối cùng thì Hội nghị cấp cao Hoa Kỳ - Triều Tiên ở Hà Nội cũng đã hé mở nhiều tia hy vọng.

Trả lời câu hỏi của phóng viên trong cuộc họp báo sau hội nghị, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump khẳng định rằng mặc dù còn có bất đồng nhưng cả ông và Chủ tịch Kim Jong Un đã “không rời đi trong tức giận”. “Chúng tôi vẫn yêu mến nhau, chúng tôi có một mối quan hệ tốt”, Tổng thống Hoa Kỳ nói.

Tổng thống Hoa Kỳ cũng tiết lộ rằng Chủ tịch Triều Tiên đã hứa với ông rằng “sẽ không xúc tiến các vụ thử nghiệm tên lửa và bất cứ thứ gì liên quan đến hạt nhân”. Về phần mình, Tổng thống Hoa Kỳ cũng khẳng định rằng ông sẽ không gia tăng những lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên nữa bởi những lệnh đó làm ảnh hưởng đến đời sống của những người đang sinh sống tại Triều Tiên.

Nếu như những tuyên bố đó còn chưa đủ để đánh bạt những ý kiến bi quan thì các động thái diễn ra sau hội nghị cho thấy có cơ sở để lạc quan về tương lai trên bán đảo Triều Tiên. Chỉ vài ngày sau đó, Hoa Kỳ và Hàn Quốc đã thỏa thuận hủy bỏ các cuộc tập trận lớn thường niên Đại bàng non và Giải pháp then chốt để ủng hộ những nỗ lực ngoại giao giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Thay thế cho các cuộc tập trận mà Tổng thống Trump đánh giá là mang tính “khiêu khích” và “quá tốn kém” này sẽ là những đợt huấn luyện có quy mô nhỏ...

Đó chẳng phải là những kết quả tích cực đầu tiên mà Hội nghị cấp cao Hoa Kỳ - Triều Tiên ở Hà Nội mang lại hay sao?

Khoảng cách hơn sáu thập niên nhiều nghi kỵ giữa hai quốc gia rõ ràng đã in hằn dấu ấn lên những cuộc gặp của ngày hôm nay, khi mà những cách biệt giữa hai bên, dẫu đã có những sự rút ngắn đáng kể, vẫn còn quá lớn. Để bắc một cây cầu dài qua khoảng cách mênh mông ấy, cần có những nhịp cầu nhỏ mà hội nghị Hà Nội đã là một nhịp đầy hy vọng.

Cần thêm thời gian để những nhịp cầu nhỏ đó nối thành cây cầu dài bắc qua quá khứ.

Một công tác chuẩn bị phi thường

Trong các cuộc gặp với lãnh đạo Việt Nam cũng như thời gian gặp nhau trong khuôn khổ hội nghị cấp cao, cả Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim Jong Un không chỉ một lần tỏ lời cảm ơn nước chủ nhà Việt Nam đã cực kỳ nỗ lực trong công tác tổ chức để giúp tiến hành một hội nghị cấp cao trong thời gian ngắn kỷ lục.

Đúng là kỷ lục bởi kể từ khi có được sự xác nhận chính thức sẽ diễn ra hội nghị cấp cao, cho đến khi phải hoàn thành cơ bản mọi công việc, chỉ có khoảng thời gian vỏn vẹn chừng 10 ngày.

Trong khoảng thời gian eo hẹp đó, nước chủ nhà Việt Nam đã tiến hành những sự chuẩn bị có thể nói là phi thường. Với các biện pháp bảo đảm an ninh hết sức đặc thù, những hoạt động gặp gỡ giữa hai nhà lãnh đạo trong lịch trình hội nghị cấp cao đòi hỏi sự tinh tế và nhạy cảm cùng số lượng phóng viên nước ngoài đổ tới Việt Nam - theo xác nhận của Bộ Ngoại giao - là lớn chưa từng có, đòi hỏi một núi công việc phải hoàn thành. Từ người lãnh đạo cao nhất của đất nước cho tới những người dân thường bình dị, tất cả đều đã đóng góp vào việc tổ chức thành công hội nghị.

Lời cảm ơn của ông Trump tại buổi họp báo trước khi rời Việt Nam là một minh chứng cho thấy về phía nước chủ nhà, hội nghị đã thành công, khi mà từ nhà lãnh đạo nước ngoài cao nhất cho tới những phóng viên quốc tế đều có những cảm nhận hết sức tích cực về đất nước, con người Việt Nam. Đó là một đất nước thanh bình, cởi mở, mến khách, một thành phố Hà Nội vì hòa bình, sẵn sàng chủ động đóng góp vào tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên cũng như trên thế giới.