“Món quà” bất ngờ của Tổng thống Trump

Chuyến đi “chơi golf” bí mật

Tổng thống D. Trump phát biểu trong chuyến thăm binh lính Mỹ đồn trú tại Afghanistan.
Tổng thống D. Trump phát biểu trong chuyến thăm binh lính Mỹ đồn trú tại Afghanistan.

Đúng lễ Tạ Ơn, một dịp lễ trọng của người Mỹ, Tổng thống D. Trump theo kế hoạch vẫn đi đánh golf ở khu nghỉ mát Mar-a-Lago thuộc sở hữu của ông tại Florida như thường lệ. Có rất ít người biết rằng cũng trong đêm đó, Tổng thống Trump lặng lẽ rời khu nghỉ mát Mar-a-Lago tới Bagram, căn cứ không quân lớn nhất của Mỹ tại Afghanistan.

Tại đây, Tổng thống Trump đã có cuộc gặp với các binh lính Mỹ đang đồn trú tại Afghanistan, cùng họ hát bài “Chúa phù hộ cho nước Mỹ”, chụp ảnh “tự sướng” và còn đứng sau quầy chia những miếng gà tây, món ăn truyền thống trong ngày lễ Tạ Ơn, cho các binh sĩ Mỹ xếp hàng đợi đến lượt.

Tổng thống Trump cũng có cuộc gặp với Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani, người được báo về chuyến thăm của Tổng thống Mỹ chỉ vài giờ trước khi chiếc Không Lực Một hạ cánh. Chuyến đi “chơi golf” bí mật của Tổng thống Trump ở Afghanistan đã thành công vì đánh lừa được giới truyền thông soi mói, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho Tổng thống Mỹ.

Trong bài nói chuyện với các binh sĩ Mỹ ở căn cứ Bagram, Tổng thống Trump dành nhiều thời lượng để nói về những thành tích của mình và nước Mỹ, kết quả của cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS và Al Qaeda, đặc biệt là chiến dịch quân sự tiêu diệt thủ lĩnh tối cao IS, Abu Bakr al-Baghdadi.

Đáng lưu ý trong bài nói chuyện này là Tổng thống Trump khẳng định với các binh sĩ Mỹ đang hết sức phấn khích khi được Tổng thống bất ngờ đến thăm: “Chúng tôi (chính quyền Mỹ) sẽ nỗ lực không ngừng nghỉ, cho đến ngày có thể đưa các bạn về nhà an toàn. Ngày đó sắp đến rồi”.

Một cuộc chiến hao người tốn của

Có lẽ đó mới là thông điệp chính mà Tổng thống Trump muốn gửi tới người dân Mỹ khi thực hiện chuyến thăm đầu tiên tới Afghanistan kể từ khi vào Nhà Trắng, cũng là chuyến thăm thứ hai của ông tới một vùng chiến sự, sau Iraq. Bởi cuộc chiến tại Afghanistan là cuộc chiến mà Tổng thống Trump muốn rút chân ra nhất trên cương vị Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Mỹ.

Ngay sau vụ tấn công khủng bố do Al Qaeda tổ chức ngày 11-9-2001 nhằm vào nước Mỹ khiến gần ba nghìn người dân thiệt mạng, Tổng thống Mỹ khi ấy là George W.Bush đã phát động cuộc chiến tranh lật đổ chính quyền Taliban tại Afghanistan vì đã chứa chấp Al Qaeda. Đến tháng 5-2003, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thời đó là Donald Rumsfeld tuyên bố chấm dứt “cuộc chiến lớn” ở nước này.

Nhưng hóa ra không phải thế! Đến khi ông Bush rời Nhà trắng vào tháng 1-2009, gần 20 nghìn lính Mỹ vẫn còn ở lại Afghanistan. Sau này, trong chiến dịch tranh cử tổng thống vào năm 2016, ông Trump đã nhiều lần công khai chỉ trích ông Bush vì những cuộc chiến tranh mà Mỹ phát động ở Iraq và Afghanistan.

Mà ông Trump, vốn là một doanh nhân tỷ phú trước khi trở thành Tổng thống, hoàn toàn không hài lòng về cái cách mà Mỹ dính líu vào Afghanistan, tính đến nay đã là 18 năm, cuộc chiến tranh dài nhất trong lịch sử nước Mỹ. Trong 18 năm đó, tổng cộng 775 nghìn binh lính Mỹ (thời điểm cao nhất lên đến 100 nghìn người vào năm 2011, chưa kể 40 nghìn lính liên minh) đã được triển khai đến nước này để chiến đấu với Taliban, đồng thời “nhập khẩu” mô hình dân chủ kiểu Mỹ.

Điều quan trọng nằm ở chỗ cuộc chiến Afghanistan không chỉ hao người mà còn rất tốn của. Trong một báo cáo trình Quốc hội Mỹ, cơ quan Tổng thanh tra đặc biệt về hoạt động tái thiết Afghanistan (SIGAR) cho biết, chỉ trong khoảng thời gian từ năm 2008 đến 2017, Mỹ đã đổ tới 15 tỷ USD vào Afghanistan. Con số chắc chắn lớn hơn nhiều nếu như tính cả khoảng thời gian bắt đầu phát động chiến tranh năm 2001 tới 2008 và từ 2017 đến nay.

Vấn đề nằm ở chỗ đổ nhiều tiền của và cả máu của binh sĩ Mỹ vào Afghanistan nhưng mục tiêu chính của Mỹ ở đây là nhằm xây dựng cho chính phủ Kabul một lực lượng an ninh (bao gồm quân đội và cảnh sát quốc gia) đủ mạnh để đương đầu với Taliban, vẫn mịt mù tăm tích. Cho dù được Mỹ huấn luyện cẩn thận, lực lượng an ninh của chính quyền Afghanistan đã phải hứng chịu tổn thất nặng nề trong cuộc chiến với Taliban. Số lượng thương vong tăng cao đến mức Chính phủ Afghanistan từng yêu cầu Bộ Quốc phòng Mỹ phải giữ bí mật số liệu này, cho đến khi Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani bất ngờ tiết lộ vào năm 2018 rằng từ năm 2014 đến 2018, số nhân viên an ninh Afghanistan thiệt mạng là 45 nghìn người.

Tình thế đó khiến chính quyền tiền nhiệm của Tổng thống Trump là Tổng thống B.Obama, từ năm 2014 đã quyết định lần lượt rút số quân còn lại, hoàn thành vào cuối năm 2016. Cho đến khi ông Obama rời Nhà Trắng, số lượng binh lính Mỹ ở Afghanistan còn lại 8.400 người.

Tiếp quản Nhà trắng, ông Trump chê ông Obama là “vội vàng rút quân” và đến tháng 8-2017, đã tăng số lượng binh sĩ Mỹ ở Afghanistan lên 14 nghìn người.

“Chúng tôi sẽ đưa các bạn về nhà!”

Nhưng nay, khi cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020 đã tới gần, trước những lời chỉ trích ngày càng tăng, đồng thời mục tiêu chính trị lớn nhất không phải là chống lưng cho chính quyền ở một đất nước xa xôi mà phải là tái cử thêm một nhiệm kỳ nữa, ông Trump hiểu rằng phải hành động gấp rút.

Lẽ ra, đầu tháng 9-2019, các lãnh đạo Taliban đã được mời tới Mỹ để gặp Tổng thống Trump nhằm đạt được một thỏa thuận mà không gì khác hơn sẽ cho phép Mỹ rút quân khỏi Afghanistan. Tuy nhiên, chỉ vài ngày trước cuộc gặp, Taliban tiến hành một vụ tấn công khủng bố ở khu vực giáp ranh với Vùng Xanh của thủ đô Kabul khiến 12 người thiệt mạng, trong đó có một lính Mỹ. Lo ngại có những hậu quả chính trị, Tổng thống Trump hủy cuộc gặp với các thủ lĩnh Taliban, lẽ ra được tổ chức ở Trại David.

Gần ba tháng sau, Tổng thống Trump có chuyến đi “chơi golf” bí mật tới thăm các binh sĩ Mỹ ở Afghanistan với lời hứa: “Chúng tôi sẽ đưa các bạn về nhà!”.

Bằng cách nào? Dĩ nhiên là phải bằng một giải pháp chính trị, ông Trump cũng tuyên bố ở căn cứ không quân Bagram như thế. Số phận cuộc chiến ở Afghanistan sẽ không được định đoạt ở trên chiến trường mà bởi chính người dân trong khu vực.

Nhưng làm thế nào để có được một giải pháp chính trị, khi mà các bên ở Afghanistan, đặc biệt là giữa Taliban và chính quyền Kabul, dường như không bao giờ có thể thỏa thuận được với nhau? Điều kiện tiên quyết do Taliban đặt ra là Mỹ phải rút quân, có thể từng phần, thì lực lượng này mới ngồi vào bàn đàm phán.

Ở cuộc gặp chớp nhoáng với Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani trong chuyến thăm vừa qua, Tổng thống Trump thông báo Mỹ sẽ nối lại các cuộc đàm phán với Taliban, đồng thời bày tỏ ý định bước đầu sẽ rút số lượng quân từ 14 nghìn người hiện nay xuống còn 8.600 người, gần bằng đúng số lượng cuối nhiệm kỳ của Obama!

Điều gì sẽ xảy ra nếu Mỹ hoàn thành việc rút quân khỏi Afghanistan trong giai đoạn trước bầu cử Tổng thống vào dịp cuối năm 2020? Có khả năng sẽ lại tiếp tục một cuộc nội chiến mới, với tình thế hết sức khó khăn cho chính quyền Kabul. Trong hoàn cảnh một đất nước Afghanistan hoang tàn do chiến tranh, chính phủ trung ương không kiểm soát được tình hình, các phần tử “thánh chiến”, những tàn dư của IS bị đánh bật khỏi Iraq, Syria, sẽ có khả năng sẽ kéo đến Afghanistan. Đó sẽ là một hiểm họa thật sự, ngay cả đối với nước Mỹ, vì hình bóng của Al Qaeda trước vụ 11-9 tái hiện trở lại.

Nhưng mấu chốt của Tổng thống Trump là phải thêm một nhiệm kỳ nữa ở Nhà trắng, và đó có lẽ là thông điệp từ “món quà” bất ngờ của ông.