“Khối bộc phá” mới ở Trung Đông

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã ký tuyên bố chính thức công nhận chủ quyền của Israel đối với cao nguyên Golan. Như vậy là sau 52 năm, ông Trump đã đảo ngược hoàn toàn chính sách của Mỹ đối với khu vực này và tạo nên một làn sóng chỉ trích dữ dội chưa từng có đối với một quyết định của Nhà Trắng.

Biển hồ Galilee trên cao nguyên Golan.
Biển hồ Galilee trên cao nguyên Golan.

Câu chuyện một vùng đất

Câu chuyện về vùng đất diện tích khoảng 1.800 km2 nằm giữa Israel, Lebanon, Syria và Jordan này đã kéo dài hơn nửa thế kỷ, là một biểu tượng đầy máu và nước mắt của khu vực Trung Đông, vốn bị giằng xé giữa các thế lực địa chính trị, những tranh chấp lãnh thổ, những cạnh tranh ảnh hưởng của các nước trong khu vực.

Quan trọng hơn hết thảy, nó là cuộc đấu giành quyền kiểm soát những nguồn nước trọng yếu, do điều kiện địa lý đặc thù nên được khoác thêm một cái “áo khoác” mới là “an ninh quốc gia” và do vậy mang ý nghĩa sống còn đối với nhiều quốc gia trong khu vực này, với tâm điểm là Israel.

Kể từ khi nhà nước Do Thái ra đời vào tháng 5-1948, nó đã phải chống chọi với hầu hết thế giới A-rập xung quanh, những người không chấp nhận sự tồn tại của một nhà nước Do Thái trên vùng đất của người Palestine. Thế nên đương nhiên là những cuộc chiến tranh liên miên nổ ra giữa người Israel với người A-rập, chừng mươi năm lại có một cuộc và kết quả là cứ sau mỗi cuộc chiến như vậy thì lãnh thổ của Israel lại rộng ra thêm một ít!

Những vùng đất do Israel “nới rộng” ra được sau chiến tranh này khiến cho nhà nước Do Thái ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn, nhưng đồng thời cũng là lý do khiến cho mâu thuẫn giữa Israel với thế giới A-rập không những không được hóa giải mà chỉ càng chất chồng thêm oán thù.

Cao nguyên Golan là một trong những vùng lãnh thổ như vậy.

Hệ lụy từ những cuộc chiến

Cao nguyên Golan thuộc quyền kiểm soát của Syria từ năm 1944. Trong Cuộc chiến tranh sáu ngày năm 1967 giữa Israel với các nước A-rập, các lực lượng Syria trên cao nguyên Golan đã nã pháo xuống các cứ điểm của người Israel ở thung lũng Hula bên dưới. Trong cuộc chiến đó, Israel “giải quyết” nhanh gọn các đối thủ bằng cách chiếm bán đảo Sinai và dải Gaza của Ai Cập, khu Bờ Tây và Đông Jerusalem từ tay Jordan và chiếm luôn cao nguyên Golan của Syria.

Bản chất của những căng thẳng giữa Israel với các nước láng giềng A-rập chung quanh dẫn tới cuộc chiến tranh sáu ngày vẽ lại bản đồ khu vực Trung Đông chính là những tranh chấp chung quanh nguồn nước. Bên rìa cao nguyên Golan là vùng biển hồ Galilee chứa nước ngọt, một tài nguyên có tầm quan trọng sống còn đối với nhiều nước trong khu vực, đặc biệt là với Israel. Đường biên giới thực tế được xác lập năm 1949 sau cuộc chiến tranh giữa Israel với các nước A-rập chung quanh cho phép các lực lượng của Syria đóng tại rìa của nguồn nước này. Chính việc Syria kiểm soát các nhánh phụ của vùng biển hồ Galilee đã là nguồn cơn căng thẳng dẫn tới cuộc chiến tranh sáu ngày năm 1967.

Sau khi bị Israel đoạt mất cao nguyên Golan từ năm 1967, Syria đã không bao giờ từ bỏ nỗ lực nhằm giành lại vùng lãnh thổ có lợi ích chiến lược vô cùng lợi hại này. Thêm một cuộc chiến nữa trong tháng 10-1973, khi liên quân Ai Cập – Syria bất ngờ tấn công Israel vào ngày lễ Sám hối Yom Kippur. Israel đập tan các lực lượng của Syria nhằm chiếm lại cao nguyên Golan, nhưng những tổn thất nặng nề về vũ khí và nhân mạng cũng đã buộc Israel phải ngồi vào đàm phán với các nước A-rập, dẫn tới việc ra đời chính sách “đổi đất lấy hòa bình”. Chính sách này đã mang bán đảo Sinai về lại cho Ai Cập, nhưng cao nguyên Golan thì không về lại với người Syria.

Đến năm 1981, Thủ tướng Israel Menachem Begin quyết định sáp nhập cao nguyên Golan, với Israel kiểm soát khoảng 2/3 diện tích, vào Israel, khẳng định quyền quản lý dân sự của Tel Aviv đối với vùng lãnh thổ này. Quyết định này đã làm bùng phát một cơn giận dữ trên khắp thế giới. Đến ngay như chính quyền Mỹ của Tổng thống Ronald Reagan khi đó cũng quyết định “đóng băng” một thỏa thuận khung về quốc phòng giữa hai bên cũng như tạm ngưng thương vụ mua bán vũ khí trị giá 300 triệu USD với Israel.

Mặc dù nhiều lần bắn đi tín hiệu cho phía Syria vấn đề cao nguyên Golan là “không thể đàm phán”, thế nhưng trên thực tế, cả Israel và Syria trong nhiều thập kỷ qua vẫn có các cuộc thương lượng nhằm bình thường hóa quan hệ. Các cuộc thương lượng bế tắc chủ yếu ở điểm mấu chốt là liệu phía Syria có được tiếp cận vùng nước ngọt biển hồ Galilee cũng như các nhánh phụ của hồ này hay không?

Tháng 3-2011, khi phong trào Mùa xuân A-rập lan sang Syria làm bùng nổ cuôc nội chiến khốc liệt ở nước này kéo dài trong suốt tám năm qua, các cuộc đàm phán giữa Israel với Syria chấm dứt, đồng nghĩa với số phận của cao nguyên Golan vẫn tiếp tục nằm trong vòng kiểm soát của phía Israel.

Rồi đến quyết định cuối tháng ba vừa qua của Tổng thống Donald Trump, công nhận chủ quyền cao nguyên Golan thuộc về Israel.

Món quà của Tổng thống Mỹ

Trước hết, phải nói rằng quyết định của Tổng thống Mỹ công nhận chủ quyền của Israel đối với cao nguyên Golan hầu như không làm thay đổi chút nào hiện trạng của vùng lãnh thổ này, bởi vì trong suốt nhiều thập kỷ qua, Israel không gặp bất cứ một thách thức nào ở đây. Có chăng chỉ là những nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc không bao giờ được thông qua bởi sự phủ quyết của Mỹ nếu như nó gây hại cho Israel, hay những lời phản đối yếu ớt của các quốc gia A-rập vốn cũng đã đầy chia rẽ, bất đồng.

Câu hỏi đặt ra là vậy thì vì sao ở thời điểm này, Tống thống Donald Trump lại đưa ra quyết định mà cũng giống như quyết định trước đây của ông về việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, chắc chắn sẽ gây nên sự chỉ trích, nếu không nói là phẫn nộ chung của cộng đồng quốc tế?

Câu trả lời đơn giản nhất là ông Trump muốn giúp đỡ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong cuộc tổng tuyển cử tháng tư này diễn ra ở Israel. Chỉ với một liên minh cầm quyền chiếm đa số cực kỳ mong manh tại Quốc hội (hơn có một ghế), cá nhân lại vướng phải những cáo buộc tham nhũng, ông B.Netanyahu đã đánh cược sự nghiệp chính trị của mình bằng việc tiến hành cuộc tổng tuyển cử sớm trước bảy tháng.

Do vậy, những thông tin về việc Israel được bảo đảm an ninh trước Syria là vô cùng quan trọng trong cuộc bầu cử, mang tính quyết định đối với thái độ của cử tri Israel trong cuộc bầu cử.

Việc công nhận cao nguyên Golan thuộc chủ quyền của Israel là một món quà vô giá mà ông D.Trump trao cho ông B.Netanyahu trước cuộc bầu cử để vị Thủ tướng đương nhiệm trở thành nhà lãnh đạo có thời gian cầm quyền lâu nhất trong lịch sử Israel, hơn cả nhà lập quốc David Ben Gurion.

Vẫn là “Nước Mỹ trên hết!”

Tuy nhiên, nếu nhìn rộng ra về con người cũng như chính sách của Tổng thống Mỹ D.Trump, có thể thấy đằng sau quyết định này còn ẩn giấu những lý do sâu xa hơn nhiều.

Nhiều người cho rằng ông D.Trump là một nhà lãnh đạo thiếu nhất quán, có những quyết định bất nhất, thường xuyên gây bối rối cho các đối thủ và cả các đồng minh của mình!

Nhưng nếu xâu chuỗi lại, hoàn toàn có thể đưa ra kết luận rằng ông D.Trump luôn rất nhất quán trên một đường hướng duy nhất: Nước Mỹ trên hết!
Quyết định về cao nguyên Golan không phải là ngoại lệ.

Bởi mặc dù biết rằng chắc chắn sẽ vấp phải sự chỉ trích và phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước A-rập, vậy nhưng ông Trump vẫn đưa ra quyết định, với một mục tiêu duy nhất: bảo vệ quyền lợi của Mỹ ở khu vực Trung Đông.

Nó liên quan đến một cái tên: Iran.

Xét trên quan điểm địa chính trị, công nhận cao nguyên Golan thuộc về Israel, Tổng thống Trump đã tạo ra một cái “chốt” chiến lược về mặt địa lý nhằm ngăn chặn Iran mở rộng không gian ảnh hưởng trên dải đất liền rộng lớn từ Tehran tới Địa Trung Hải, liên quan đến hàng loạt các quốc gia trong khu vực như Syria, Saudi Arabia, Jordan, Iraq...

Nói cách khác, công nhận chủ quyền của Israel đối với cao nguyên Golan là một quyết định địa chính trị vì chính lợi ích của Hoa Kỳ, vẫn với một ý tưởng nhất quán: Nước Mỹ trên hết!

“Khối bộc phá” chờ nổ!

Ông Trump có thể là một nhà thương thuyết đại tài, nhưng đồng thời cũng là một người có khả năng đặt những “khối bộc phá” địa chính trị ghê gớm.

Cũng giống với quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel hồi năm 2017, gần như không có quốc gia nào làm theo Mỹ đối với động thái công nhận cao nguyên Golan thuộc về Israel. Hầu hết đều lên án động thái này, từ Liên minh châu Âu, Nga, Iran cho đến Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia. Syria thì đương nhiên chống lại rồi. Đến ngay các nước vùng Vịnh, vốn đang chìm trong cuộc khủng hoảng với Qatar, cũng đột nhiên tìm được một lý do chung để đoàn kết chống lại quyết định này của Mỹ.

Ông B.Netanyahu có thể nhờ sự trợ giúp của quyết định này mà đắc cử Thủ tướng thêm một nhiệm kỳ nữa. Mỹ có thể tạm thời ngăn chặn ảnh hưởng của Iran trong cuộc “thập tự chinh” chống nhà nước Hồi giáo ở Tây Á này. Nhưng một “khối bộc phá” chờ nổ mang tên cao nguyên Golan đã được đặt ở vùng đất Trung Đông lúc nào cũng bỏng sôi và chưa bao giờ ngưng tiếng súng này.