Khi “Chiến lang” đối đầu “Rambo”!

Chỉ dâu mắng hòe

Ngày 29-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ chấm dứt quan hệ với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) với lý do tổ chức quốc tế mang tính toàn cầu này không có những nỗ lực đủ để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19 khi nó mới bùng phát.

Logo bên ngoài tòa nhà của WHO ở Geneva, Thụy Điển.
Logo bên ngoài tòa nhà của WHO ở Geneva, Thụy Điển.

Cần nhớ rằng từ ngày 14-4-2020, ông Trump đã tuyên bố chính quyền Mỹ tạm dừng đóng góp tài chính cho WHO để chờ kết luận điều tra với cái gọi là “phản ứng thất bại” của WHO trước đại dịch Covid-19.

Tiếp đó, ngày 18-5, trong một bức thư dài bốn trang gửi Giám đốc WHO, ông Trump cáo buộc WHO “liên tục phớt lờ những báo cáo đáng tin cậy về sự lây lan của virus corona tại Vũ Hán hồi đầu tháng 12-2019 hoặc thậm chí sớm hơn nữa”, trong đó có các báo cáo khoa học đăng trên tạp chí y khoa Lancet. Theo ông Trump, WHO đã không tiến hành điều tra độc lập các báo cáo đáng tin cậy có nội dung xung đột trực tiếp với những thông tin do chính phủ Trung Quốc cung cấp.

Ông Trump dành hẳn một phần trong bức thư để chỉ ra rằng WHO đã nhiều lần đưa ra những tuyên bố sai lệch về virus chủng mới, hoặc thiếu chính xác, hoặc khiến dư luận hiểu sai vấn đề, trong đó có chuyện ngày 14-1-2020, WHO tái khẳng định tuyên bố của Trung Quốc nói rằng virus corona không thể lây nhiễm từ người sang người, một luận điểm mà sau này đã chứng tỏ rằng sai hoàn toàn và đã gây ra những hệ lụy nặng nề. Tổng thống Mỹ cáo buộc ngày 21-1-2020, dưới áp lực của Trung Quốc, WHO đã không tuyên bố tình trạng khẩn cấp với dịch Covid-19 và mãi một tuần sau đó mới thay đổi quyết định này do không thể bác bỏ được những chứng cứ quá thuyết phục.

Trong bức thư ngày 18-5 này, ông Trump đưa ra tối hậu thư, nêu rõ nếu WHO “không cam kết có những cải tổ lớn trong vòng 30 ngày”, Mỹ sẽ chấm dứt vĩnh viễn nguồn đóng góp (đang tạm dừng) cho WHO, đồng thời xem xét lại tư cách thành viên của Mỹ trong tổ chức này.

Phát biểu với các phóng viên tại Vườn Hồng ở Nhà Trắng ngày 29-5, ông Trump nói: “Vì họ (WHO) không thể đưa ra những cải tổ cần thiết như đã được yêu cầu, chúng tôi sẽ chấm dứt quan hệ với WHO”.

Biện giải cho quyết định này, Tổng thống Mỹ chỉ rõ một nguyên nhân: Trung Quốc. Người đứng đầu Nhà Trắng tuyên bố: “Trung Quốc có toàn quyền kiểm soát với WHO mặc dù chỉ đóng góp 40 triệu USD, trong khi Mỹ chi 450 triệu USD một năm”. Thế nên việc Mỹ rút khỏi WHO chẳng qua là “chỉ dâu mắng hòe” mà thôi.

Chưa biết quyết định của Tổng thống Mỹ sẽ bắt đầu được thực thi như thế nào. Theo một nghị quyết của Quốc hội Mỹ về tư cách thành viên của WHO thì nước này bảo lưu quyền rút khỏi WHO trong vòng một năm sau khi đưa ra thông báo. Cũng trong tuyên bố cắt đứt quan hệ với WHO, Tổng thống Mỹ cho biết trước mắt, những khoản tiền mà Mỹ vẫn đóng góp cho WHO sẽ được chuyển sang tài trợ cho những nhu cầu y tế công khác mang tính khẩn cấp trên toàn cầu.

Rời khỏi WHO là quyết định mới nhất trong hàng loạt những động thái mà chính quyền của Tổng thống Trump cho thực thi với mục tiêu trước sau không đổi: nhắm vào Trung Quốc, các tập đoàn công nghệ của nước này, trách nhiệm của nước này đối với thế giới và trên hết, khả năng cạnh tranh của nước này với Mỹ trong vai trò một cường quốc.

Ăn miếng trả miếng

Từ đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, điện ảnh Mỹ bắt đầu cho ra đời loạt phim hành động về Rambo được công chúng Mỹ ưa chuộng. Người hùng Mỹ Rambo (chủ yếu do tài tử Sylvester Stallone thủ vai) cơ bắp cuồn cuộn, bắn súng hai tay, tiến hành các điệp vụ giải cứu nguy hiểm khắp thế giới, là một biểu tượng của nước Mỹ hùng mạnh, nhất là sau khi Chiến tranh lạnh chấm dứt lại càng có đất dụng võ để chiến đấu chống lại các thế lực hắc ám!

Đến năm 2015, điện ảnh Trung Quốc tung ra bộ phim Chiến lang, hai năm sau tiếp tục cho ra đời phim Chiến lang 2 do tài tử Ngô Kinh đóng, cũng lại một dạng người hùng cơ bắp đánh đâu thắng đó, kích động chủ nghĩa dân tộc cũng như khuyến khích bạo lực. Để phù hợp với vai trò của một nước Trung Quốc không cam chịu “thao quang dưỡng hối” - náu mình chờ thời - bên trong những đường biên của chính mình nữa, nhân vật “chiến binh sói” do Ngô Kinh đóng lặn lội sang tận... châu Phi đánh đấm!

Vậy là Trung Quốc đã có Ngô Kinh cạnh tranh đánh đấm với Sylvester Stallone! Đương nhiên, sự cạnh tranh không dừng lại ở trong lĩnh vực điện ảnh.

Khi mà nền kinh tế đã vượt qua Nhật Bản để vươn lên vị trí thứ hai trên thế giới, Trung Quốc không cam chịu trong vai trò của một cường quốc khu vực nữa. Khuấy động khu vực Biển Đông, thực hiện kế sách “tằm ăn rỗi”, Trung Quốc liên tục gây hấn, lấn áp các nước láng giềng nhỏ hơn trong khu vực, xây dựng các thực thể nhân tạo và quân sự hóa, biến chúng thành những tiền đồn giữa Biển Đông với tham vọng làm chủ một vùng biển rộng lớn, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, chà đạp lên những văn bản quốc tế mà chính Trung Quốc tham gia ký kết. Trung Quốc có tranh cãi về lãnh thổ với hầu hết các nước láng giềng, từ Nhật Bản đến Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Việt Nam...

Các công ty, tập đoàn công nghệ của Trung Quốc tiến ra thế giới, cạnh tranh ngang ngửa với những công ty hàng đầu của Mỹ, Nhật Bản và châu Âu. Huawei trở thành một cái tên quen thuộc tại nhiều thị trường kỹ thuật số lớn trên thế giới, kể cả những đồng minh thân cận của Mỹ như Canada, Pháp, Italy. Với cung cách quản lý cắt giảm tối đa chi phí lao động, các công ty, xí nghiệp của Trung Quốc đóng vai trò ngày càng quan trọng trong chuỗi cung ứng sản phẩm, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao trên toàn thế giới.

Thực tế đó cho thấy một điều căn bản: đã đến lúc Trung Quốc không chấp nhận tình trạng Mỹ bảo gì nghe nấy, sẵn sàng “bật” Mỹ và các đồng minh của Mỹ nếu như cảm thấy lợi ích và thể diện của mình bị đe dọa.

Điều đó đặc biệt thể hiện rõ trong thời gian gần đây, khi dịch Covid-19 xuất phát từ Vũ Hán bùng phát và lan rộng ra toàn thế giới.

Khi các quan chức Mỹ gọi tên virus corona chủng mới là “virus Vũ Hán” hay “virus Trung Quốc”, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc công khai tuyên bố có thể lính Mỹ đã đưa loại virus chết người này vào Vũ Hán.

Khi Australia đề xuất tiến hành một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của dịch Covid-19, Trung Quốc lập tức hạn chế nhập thịt bò từ các lò mổ của Australia.

Khi Canada tiến hành các thủ tục pháp lý có thể dẫn tới việc dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu, con gái của người đứng đầu Huawei sang Mỹ, Trung Quốc lập tức thực hiện các biện pháp trả đũa nhằm vào xuất khẩu thịt lợn dầu hạt cải và các sản phẩm khác của Canada, đồng thời đe dọa sẽ có các biện pháp pháp lý với hai công dân Canada đang bị Trung Quốc giam giữ với cáo buộc làm gián điệp.

Nhà Trắng công bố những hạn chế mới để ngăn các công ty trên toàn thế giới sử dụng máy móc và phần mềm do Mỹ sản xuất để hỗ trợ Huawei, Trung Quốc dọa sẽ nhắm vào các công ty công nghệ của Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc.

Khi Mỹ, với lý do buộc các cơ quan truyền thông Trung Quốc phải tuân thủ hoạt động như một phái đoàn nước ngoài và do đó giới hạn số lượng các nhà báo Trung Quốc tại Mỹ, Trung Quốc cũng lập tức trục xuất các phóng viên thuộc ba hãng tin lớn của Mỹ ở nước này.

Không có nhiều lựa chọn cho Washington

Mỹ rút khỏi WHO với cáo buộc rằng tổ chức này là “con rối” trong tay Trung Quốc cho thấy Washington không thể chịu nổi “nỗi đau Covid-19” với hàng triệu người mắc bệnh và hơn 100 nghìn người đã thiệt mạng, một tổn thất quá lớn trong thời bình.

Thời hạn tối hậu thư đặt ra trong 30 ngày chưa qua, chỉ mới hơn 10 ngày ông Trump đã quyết định xuống tay cho thấy thật ra, Washington không quan tâm lắm đến việc WHO có làm theo những yêu cầu của Mỹ hay không. Trước sau cũng phải có một đối tượng chịu trách nhiệm cho những tổn thất mà nước Mỹ phải gánh chịu.

Việc truy cứu trách nhiệm về dịch Covid-19 giờ đây có lẽ là phương thức chủ yếu để các ứng cử viên Tổng thống Mỹ giành điểm trong chiến dịch vận động bầu cử đang đến hồi quyết liệt.

Nhưng động thái “giận cá chém thớt” của Mỹ còn cho thấy một thực tế khác: ông Trump không có nhiều lựa chọn để trừng phạt Trung Quốc. Bất cứ một động thái trừng phạt nào nhằm vào Trung Quốc đều có những tác động ngược lại, đặc biệt là trong thời điểm Mỹ đang phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc về các mặt hàng thiết yếu như thuốc, trang bị bảo hộ và nhập khẩu nông sản.

Đòn bẩy duy nhất mà Mỹ hy vọng có thể gây sức ép là Trung Quốc sẽ lo sợ quốc tế lên án, đối mặt với các hạn chế thương mại hay hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đoạn tuyệt đã trở nên vô hiệu vì thực tế cho thấy Trung Quốc sẵn sàng chơi tất tay, chấp nhận tổn thất.

Cuộc chiến giữa “Rambo” với “Chiến lang” sẽ còn kéo dài.